Team Lee là một nhóm các bạn trẻ gồm 12 người, sinh sống và làm việc tại nhiều tỉnh, thành phố khác nhau nhưng họ đều có chung lý tưởng hướng về quê hương, đất nước. Với khả năng đồ họa sẵn có, các cá nhân ấy đã tìm đến nhau và cùng phục dựng ảnh chân dung Liệt sĩ. Đến nay đã có khoảng hàng nghìn bức ảnh chân dung liệt sĩ được phục dựng.
Năm 2022, nhóm Team Lee dự tính phục dựng 75 bức ảnh liệt sĩ nhằm Kỷ niệm 75 Ngày Thương binh – Liệt sĩ, nhưng số lượng thực tế mà nhóm tổng hợp đã lên tới 10.000 yêu cầu. Khi ấy, các thành viên trong nhóm đều có chung dự cảm “chưa thể dừng lại công việc này”. Bởi lẽ, dù cống hiến cả một đời cho đất nước nhưng khi hòa bình lập lại, trong hơn 1 triệu Liệt sĩ, có những người không có nổi một bức ảnh chân dung vẹn nguyên để gia đình hương khói, nhớ về. Ở trong nhà, con cháu muốn thấy mặt ông, mặt cha cũng chỉ biết nhìn qua những bức ảnh đã mờ, cũ, thậm chí là không có ảnh.
Team Lee phục dựng ảnh Liệt sĩ
Do đó, trong những năm qua, bên cạnh công việc chính, mỗi thành viên trong Team Lee đều cố gắng hỗ trợ các gia đình, thân nhân có liệt sĩ. Những hình ảnh mờ, cũ của những thanh niên quyết tử vì Tổ quốc khi mới vừa tròn đôi mươi; hay những cô gái thanh niên xung phong đầy kiên cường và nghị lực… mà thân nhân Liệt sĩ gửi về đều mang một câu chuyện khác nhau. Nhưng đến khi được phục dựng lại, tất cả đều thấm đẫm màu của ký ức, hoài niệm và tinh thần anh hùng.
Ngoài ra, trên hành trình phục dựng ảnh màu Liệt sĩ, không ít lần, Team Lee đã vinh dự hỗ trợ các khu di tích lịch sử, trung tâm, bảo tàng trưng bày chân dung của nhiều anh hùng, chiến sĩ trong những trận chiến đặc biệt. Ví dụ như: Chân dung 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc (Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh); Chân dung 13 liệt sĩ ở “tọa độ lửa” Truông Bồn (Khu di tích Quốc gia Truông Bồn, Nghệ An); chân dung 65 cán bộ, chiến sĩ biệt động Sài Gòn – Gia Định (Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định, TP Hồ Chí Minh); chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 (Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Hà Nội); Trao ảnh tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ; Trao ảnh tại Tổng cục Chính trị Điện ảnh Quân đội… Nhờ vậy, nhiều đoàn khách trong và ngoài nước khi đến tham quan các khu di tích lịch sử có cơ hội được biết thêm, nhớ về gương mặt của những anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc Việt Nam.
Chàng trai Khuất Văn Hoàng (SN 2003) – thành viên nhỏ tuổi nhất của Team Lê cho biết: “Từ ngày còn là sinh viên, tôi vừa học vừa giúp cho đời cùng một số anh em Team Lee thực hiện các hoạt động phục dựng ảnh Liệt sĩ, các hoạt động này đã thực hiện được 3 năm rồi, bắt đầu từ ngày 30/4/2021”.
Hoạt động phục dựng ảnh Liệt sĩ hầu như đã làm khắp cả nước từ Bắc vào Nam đều đã thực hiện với vài nghìn bức ảnh ra đời.
Khuất Văn Hoàng và những lần trao ảnh cho thân nhân Liệt sĩ
Chia sẻ về việc làm ý nghĩa này, Khuất Văn Hoàng cho hay: “Đơn giản chỉ là chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn tới quá khứ và mong muốn làm được điều ý nghĩa đó giúp cho xã hội, thân nhân gia đình Liệt sĩ có một bức ảnh rõ nét để thờ vì dường như các Anh hùng Liệt so có ảnh đều phai mờ theo thời gian hoặc không có ảnh”.
Những kinh phí để làm phục dựng ảnh đều cho Team Lee tự bỏ ra, không có sự đóng góp của mạnh thường quân nào cả. Mỗi hành trình, mỗi gia đình là một câu chuyện đặc biệt, mỗi Anh hùng Liệt sĩ là một câu chuyện khác nhau tuy nhiên hoạt động khiến cậu nhớ nhất chính là câu chuyện của cô Hoá và người yêu là liệt sĩ Nguyễn Mai Tán hi sinh năm 23 tuổi, bà Hoá buồn chán và không yêu ai tới tận bây giờ đã 78 tuổi… Hình ảnh người phụ nữ ấy, với ánh nhìn xa xăm mãi chờ đợi một người không bao giờ trở về. Tận tay đưa cho bà tấm ảnh đã được phục dựng hoàn hảo, đôi mắt nhòe đi vì ướt lệ, tấm chân tình được bù đắp suốt nhiều năm tháng qua giờ đã được thấy rõ hơn khuôn mặt nhớ nhung hàng ngày. Nghe câu chuyện của bà Hóa khiến các thành viên của Team Lee không khỏi bồi hồi, xúc động và thương cảm người phụ nữ “ở vậy” chờ người thương.
Vượt qua những khó khăn về kỹ thuật làm ảnh hay thời gian làm việc, công việc phục dựng chân dung liệt sĩ miễn phí không biết từ bao giờ đã trở thành “sứ mệnh” – luôn gắn bó với cuộc sống của mỗi thành viên trong Team Lee. Với họ, sứ mệnh không phải là những hành động lớn lao mà chỉ đơn giản là vui cùng sự hạnh phúc của Mẹ Việt Nam Anh hùng đang ôm lấy di ảnh của người con “trốn nhà đi đánh Mỹ”; hay khóc cùng những gia đình chỉ có duy nhất bức ảnh của người anh, người chồng đã hy sinh nhưng chưa tìm thấy hài cốt.
Thấy rằng, từng bức ảnh mà Team Lee thực hiện đều rất gần với gương mặt mà gia đình mong nhớ. Để có được thành phẩm tỉ mỉ đến từng chi tiết, đường nét mắt, mũi, miệng; phần lớn là nhờ công nghệ hiện đại. Những bức ảnh khiến người xúc động đến vậy thì đó phải là cảm xúc do con người truyền tải vào.
Với mong muốn lan tỏa cho giới trẻ ngày này sống phải biết tri ân và nhớ về cội nguồn, nhớ công lao của những Anh hùng Liệt sĩ đã ngã xuống vì nên độc lập của Tổ quốc, của dân tộc Việt Nam, những hành động, việc làm ý nghĩa đã góp phần mang đến những điều đẹp đẽ cho cuộc sống.
Trải qua suốt hành trình dài đem đến “niềm hạnh phúc vô bờ bến” dành cho các thân nhân gia đình Liệt sĩ, Team Lee đã được đón nhận Bằng khen của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Tổng cục Chính trị Điện ảnh Quân đội;… và các tỉnh khác…
Đặc biệt, vào dịp sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Team Lee có đến thăm và trao tặng ảnh cho Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Tiến Thụ đang nằm điều trị trong bệnh viện. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã có nhiều sáng kiến trong công tác phá bom, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Ông là 1 trong 32 Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân hiện đã ngoài 90 tuổi.
Nguyễn Trang – Ảnh: NVCC