Tham dự cuộc họp có đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an Thành phố (Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội – PC 06 và Phòng An ninh chính tị nội bộ – PA03), Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức (Quận 1, Quận 3, Quận 5, Quận 8, Quận 10, Quận Phú Nhuận, Quận Tân Phú, Quận Gò Vấp, Quận Bình Thạnh và thành phố Thủ Đức).
Tại cuộc họp, các Sở, ngành đã trao đổi và thống nhất tăng cường triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tăng tính hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn Thành phố. Cụ thể là:
(Ảnh: NQT Architechts)
(1) Sở Y tế tăng cường khuyến cáo người dân:
– Lựa chọn các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ bằng cách tra cứu vào đường link: https://thongtin.medinet.org.vn/ để biết thông tin của các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đã được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động, tham khảo điểm đánh giá chất lượng của các cơ sở thẩm mỹ; không nên lựa chọn cơ sở làm đẹp chỉ dựa vào tên gọi trên bảng hiệu như “thẩm mỹ viện”, “viện thẩm mỹ”…
– Khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở làm đẹp trái phép hoặc có dấu hiệu vi phạm, gọi ngay đường dây nóng qua số 0989.401.155, hoặc tải app “Y tế trực tuyến” để Thanh tra Sở Y tế có thông tin kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định.
– Các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường báo cáo nhanh về Thanh tra Sở Y tế khi tiếp nhận các bệnh nhân có dấu hiệu là tai biến do can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ.
(2) Các Sở, ngành và chính quyền địa phương đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra và xử lý các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không phép, các cơ sở hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm mỹ “trá hình” tại các khu vực nhà trọ, khách sạn, …
(3) Các cơ quan truyền thông, báo đài cùng các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường thông tin cho người dân bằng nhiều hình thức như: Xây dựng mạng lưới truyền thông đồng bộ và rộng khắp thông tin về các cơ sở y tế hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ để người dân biết và lựa chọn nơi làm đẹp uy tín và an toàn; Sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok) như một công cụ tuyên truyền, phổ biến các thông tin về các nguy cơ tiềm ẩn và các trường hợp tai biến khi thực hiện dịch vụ thẩm mỹ tại các cơ sở không phép để người dân biết và phòng tránh; Tăng cường mạng lưới an ninh nhân dân trên địa bàn, khuyến khích người dân cùng giám sát và báo cáo đến cơ quan quản lý nhà nước khi phát hiện các cá nhân, tổ chức hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm mỹ không phép, hoạt động lén lút, “trá hình” để ngăn chặn và xử lý theo quy định.
(4) Sở Y tế cùng các Sở ngành liên quan, chính quyền địa phương đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong quản lý dịch vụ thẩm mỹ giúp người dân có đủ thông tin chính thống, tin cậy khi tra cứu, tìm kiếm và quyết định lựa chọn dịch vụ phù hợp, như: triển khai số hóa việc cấp phép các dịch vụ làm đẹp của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định một cách đồng bộ và thống nhất, liên thông dữ liệu và xây dựng công cụ tra cứu thông minh (danh sách những cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp đã được cấp phép, nội dung được cấp phép,…), người dân có thể tương tác “đánh sao” về sự hài lòng đối với dịch vụ của các cơ sở; đồng thời, người dân cũng có thể dễ dàng gửi phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước khi phát hiện cơ sở có dấu hiệu sai phạm,…
Theo Sở Y tế TPHCM