Hiện nay, ngày càng có nhiều bệnh nhân được mở khí quản cả trong và ngoài viện, đặc biệt rất thường gặp tại khoa gây mê và hồi sức tích cực. Mở khí quản là thủ thuật mở da, cơ cổ để đưa dụng cụ (Canuyn) vào khí quản, tạo đường thông cho khí đi vào phổi mà không qua đường mũi họng để duy trì hô hấp.
Những biến chứng có thể gặp của thủ thuật mở khí quản là:
Biến chứng
Biến chứng sớm
– Chảy máu
– Chấn thương dây thần kinh (thường là dây thần kinh quặt ngược thanh quản)
– Chấn thương thực quản
– Tràn khí dưới da, tràn khí màng phổi
– Ứ đọng các chất tiết, dẫn đến hít sặc và nhiễm trùng đường hô hấp dưới.
Biến chứng muộn
– Hẹp khí quản: Thường gặp ở bệnh nhân có thời gian thở máy kéo dài, chấn thương khí quản, chăm sóc mở khí quản không đúng kĩ thuật, cơ địa liền sẹo của bệnh nhân. Người bệnh sau rút mở khí quản cần được khám sớm khi có ho, khò khè, khó thở để chẩn đoán điều trị kịp thời.
– Nhuyễn sụn khí quản
– Viêm phổi tái diễn nhiều lần
– Dò khí quản – thực quản, khí quản – da
Cách tiến hành mở khí quản
Có 2 phương pháp mở khí quản
– Phẫu thuật mở khí quản
– Mở khí quản xuyên da bằng phương pháp nong
Mở khí quản phẫu thuật
– Bệnh nhân nằm ngửa, mê toàn thân
– Vết mổ 2-3 cm từ vòng sụn thứ 2 của khí quản xuống
– Tạo một lỗ giữa vòng sụn khí quản thứ 3 và 4
– Đặt ống mở khí quản, cố định ống mở khí quản
Mở khí quản xuyên da bằng phương pháp nong
Mở khí quản xuyên da bằng bộ nong là bộ dụng cụ với các ống nong tăng dần về kích thước (từ nhỏ đến lớn) để tạo ra đường hầm (lỗ) vùng khí quản để đặt Canuyn mở khí quản. Chọc kim và có dây dẫn đường (guide wide) giữa vòng sụn khí quản thứ 1 và 2. Lỗ mở khí quản được nong rộng dần dần bằng các cây nong với các kích thước khác nhau.
ThS.BS Nguyễn Thị Nhâm, Khoa Hồi sức tích cực 1,
Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức