Mặc dù ung thư đại trực tràng thường xuất hiện ở người trên 50 tuổi, nhưng các nhà khoa học Mỹ mới đây cảnh báo, tỷ lệ mắc bệnh này đang có xu hướng gia tăng trong nhóm thanh niên có thói quen dùng nhiều thức uống chứa đường.
Nghiên cứu do Ðại học Washington thực hiện, các chuyên gia kiểm tra mối liên hệ giữa ung thư đại trực tràng và thức uống chứa đường trên 94.400 y tá nữ từ 25-42 tuổi và 41.400 người trong số họ được ghi nhận có dùng thức uống chứa đường trong giai đoạn 13-18 tuổi.
Các tác giả phát hiện, so với nhóm uống ít hơn một phần đồ uống có đường (236,6ml)/tuần, nhóm uống từ 2 phần trở lên mỗi ngày có nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng giai đoạn đầu cao hơn gấp đôi.
(Ảnh minh họa: Medinet)
Theo đó, cứ mỗi phần đồ uống có đường được tiêu thụ, nguy cơ này tăng thêm 16%. Ở giai đoạn từ 13 đến 18 tuổi, mỗi phần thức uống có đường liên quan đến việc tăng 32% nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng trước 50 tuổi.
Tác giả chính Yin Cao cho rằng, nguy cơ ung thư đại trực tràng gia tăng ở người trẻ có thể là do các vấn đề trao đổi chất như tình trạng kháng insulin, hàm lượng cholesterol cao và viêm ruột.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, ngoài các yếu tố nguy cơ khó kiểm soát được như tuổi tác, từng bị polyp đại trực tràng hoặc ung thư đại trực tràng, viêm ruột, một số hội chứng di truyền và bệnh sử gia đình, tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng có thể được giảm thiểu nếu chúng ta kiểm soát một số yếu tố nguy cơ lên quan đến lối sống như béo phì, không vận động, uống rượu, hút thuốc, chế độ ăn chứa nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn.
Theo Science Times