Hotline: +84 0777. 943. 888

Tiêm vaccine bạch hầu có vai trò rất quan trọng để tránh nhiễm bệnh và làm giảm tỷ lệ mắc bệnh

02/11/2024 15:51

Bệnh bạch hầu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ở tim và thần kinh, tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Việc tiêm vaccine bạch hầu có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể tránh nhiễm bệnh và làm giảm tỷ lệ mắc bệnh.

Bệnh bạch hầu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ở tim và thần kinh, tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Việc tiêm vaccine bạch hầu có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể tránh nhiễm bệnh và làm giảm tỷ lệ mắc bệnh.

Tại Việt Nam, nhờ có chiến lược tiêm chủng vaccine Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván (DPT) trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1985 mà tỷ lệ nhiễm bạch hầu đã giảm mạnh vào những năm 2000. Tỷ lệ tiêm chủng cao ở hầu hết các tỉnh, thành phố đã giúp tạo nền tảng miễn dịch, giúp cho hàng triệu trẻ em không mắc bệnh bạch hầu trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, ở một vài địa phương (quy mô xã hoặc thôn/bản) có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ tạo ra các khoảng trống miễn dịch trong cộng đồng và sẽ có nguy cơ xuất hiện ca bệnh. Nhóm trẻ lớn và người lớn nếu không được tiêm nhắc lại sẽ có nguy cơ mắc bệnh do miễn dịch giảm dần theo thời gian.

z5616952808635_e67fdf338346e671be14a3dbc7903833

Người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine (Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván) đầy đủ và đúng lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng bệnh

Theo PGS.TS.BS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, bệnh Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B; bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc cấp tính, vi khuẩn xâm nhập qua da hoặc niêm mạc gây ra các giả mạc tại chỗ bị nhiễm khuẩn (hầu họng, thanh quản…) từ đó tiết ra các ngoại độc tố vào máu gây nhiễm độc cơ tim, thận, các dây thần kinh và có thể dẫn đến tử vong. Thể lâm sàng: bạch hầu họng – thanh quản, bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, đau họng, hạch cổ sưng và đau. Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em. Bạch hầu mũi là thể nhẹ và Bạch hầu thể da.

Thể bệnh hay gặp nhất của bệnh bạch hầu là ở đường hô hấp (mũi, họng, thanh quản, khí phế quản), trong đó 70% là bạch hầu họng. Ngoài ra, các vị trí khác có thể nhiễm bệnh như bạch hầu da, bạch hầu mắt, sinh dục…

Tác nhân gây bệnh do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. C. diphtheriae là trực khuẩn hình que hơi phình một đầu hình chùy, Gram dương, hiếu khí, không sinh nha bào, không có vỏ, không di động. Vi khuẩn gây bệnh chủ yếu bằng ngoại độc tố (exotoxin) dẫn đến phù nề, sau đó hoại tử và loét niêm mạc, tạo ra các giả mạc bám chặt vào niêm mạc.

Theo PGS.TS.BS Phạm Quang Thái, sức đề kháng của vi khuẩn ở ngoài cơ thể rất cao, chúng chịu được khô lạnh; được chất nhày bảo vệ có thể sống vài ngày đến vài tuần; trên đồ vải có thể sống được 30 ngày; trong bụi sống được 5 tuần; trên cát có thể sống gần 100 ngày; trong tử thi sống được 2 tuần và trong sữa, nước uống sống đến 20 ngày. Tuy nhiên dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp vi khuẩn sẽ bị giết chết sau vài giờ. Nhiệt độ 58 độ C sống được 10 phút và bị giết chết nhanh chóng ở nhiệt độ sôi. Vi khuẩn cũng dễ bị tiêu diệt bởi các hoá chất khử trùng thông thường.

Nguồn gây bệnh Bạch hầu là các bệnh nhân nhiễm bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện bệnh. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người nhiễm bệnh lúc ho, hắt hơi.

Ngoài ra, bệnh có thể lây qua con đường gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu từ người bệnh. Bệnh cũng có thể lây nhiễm khi tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu.

Để chủ động các biện pháp phòng bệnh hiệu quả, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine (Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván) đầy đủ và đúng lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Người lớn nên tiêm nhắc lại vaccine có thành phần Bạch hầu tại các cơ sở tiêm chủng để củng cố khả năng miễn dịch của cơ thể.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi ngờ mắc bệnh.

Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh/nghi ngờ mắc bệnh phải được cách ly, đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.

Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Mạnh Hà

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888