Sáng ngày 20/6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị giao ban báo chí, do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức.
Dự và chủ trì Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh.
Hội nghị được tổ chức trước thềm Kỷ niệm 98 năm, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023), với hai nội dung trọng tâm là: Đánh giá bước đầu phát động và triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” và triển khai kế hoạch Kỷ niệm 100 năm, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025).
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, sau 98 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay, Việt Nam có hơn 800 cơ quan báo chí với đội ngũ hơn 41 nghìn người làm báo. Năm 2025 đánh dấu mốc Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, sự kiện chính trị – nghề nghiệp đặc biệt của báo chí và những người làm báo.
Các đồng chí chủ trì Hội nghị giao ban báo chí
Với ý nghĩa đó, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch Kỷ niệm 100 năm, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), nhằm góp phần tuyên truyền sâu rộng về truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam; tôn vinh, biểu dương những người làm báo có nhiều thành tích, đóng góp.
Ban tổ chức sẽ có kế hoạch tổng thể, gồm các nội dung chính xoay quanh các chủ đề tuyên truyền như: “Báo chí là vũ khí tư tưởng sắc bén, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, là diễn đàn tin cậy của Nhân dân”; “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”; “Xây dựng môi trường báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa”.
Các nội dung triển khai hướng đến Kỷ niệm 100 năm, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam gồm: Triển khai tổng kết Chỉ thị 30-CT/TW, ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet, do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì; sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 23-KL/TW, ngày 22/11/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì; phối hợp tổng kết, sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì; phối hợp tổng kết công tác Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì. Bên cạnh đó, sẽ có nhiều tọa đàm, hội thảo, triển lãm chuyên đề sẽ được tổ chức.
Trong kế hoạch các hoạt động, sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia nhân dịp 100 năm, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam; Hội nghị “Gặp mặt, biểu dương người làm báo tiêu biểu lần thứ II”; biên soạn bộ sách “100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam”; xây dựng phim tài liệu 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam…
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông nâng cao chất lượng tuyên truyền về các hoạt động báo chí; xây dựng chuyên mục, chuyên đề 100 năm, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam; nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động và chất lượng sản phẩm báo chí, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của tình hình thực tiễn…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chúc mừng Hội nhà báo Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, gửi lời chúc mừng những người làm báo nhân dịp Kỷ niệm 98 năm, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam; trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới tất cả các nhà báo, giới báo chí cả nước đã chủ động, tích cực, nỗ lực, đồng hành cùng Chính phủ.
Đồng chí Phó Thủ tướng mong muốn Báo chí Cách mạng Việt Nam phải tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa khát vọng, tinh thần vượt khó, ý chí vươn lên của mỗi người dân, doanh nghiệp, cổ vũ động viên tinh thần đổi mới; tiếp thêm năng lượng tích cực để cả hệ thống chính trị, cùng toàn dân vượt qua những khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của năm 2023. Thực hiện tốt vai trò là công cụ truyền thông chính sách sắc bén; đồng thời là phương tiện giám sát, phản biện xã hội hiệu quả. Báo chí thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, là người tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ Nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời là một diễn đàn xã hội rộng rãi, để Nhân dân phát huy dân chủ, vai trò làm chủ, giám sát và phản biện xã hội.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị trong thời gian tới, báo chí cần tập trung xây dựng các chuyên mục, chương trình tổng kết, đánh giá kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng từ đầu nhiệm kỳ đến nay và phương hướng, nhiệm vụ giải pháp từ nay đến cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền kỹ lưỡng, chu đáo công tác chuẩn bị cho Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Cần chú trọng hơn đến việc xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và người làm báo có văn hóa. Công tác chỉ đạo, quản lý báo chí ngày càng phải chủ động hơn, kịp thời hơn, sát thực tiễn hơn trong chỉ đạo, định hướng thông tin. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác chấn chỉnh, xử lý các vi phạm, sai phạm trong hoạt động báo chí, cần tích cực nghiên cứu có các giải pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện để báo chí phát triển.
Trần Dần