Chuyển phôi đông lạnh là kỹ thuật lấy phôi đông lạnh được rã đông và chuyển vào buồng tử cung của người phụ nữ/người vợ sau khi niêm mạc tử cung đã được chuẩn bị sẵn sàng cho phôi làm tổ.
Chuyển phôi đông lạnh được tiến hành ra sao?
Trong chu kỳ chuyển phôi đông lạnh, bệnh nhân không phải thực hiện lại các công đoạn kích thích buồng trứng. Việc điều trị bao gồm: chuẩn bị niêm mạc tử cung (NMTC), rã phôi và chuyển phôi vào buồng tử cung.
Bước 1: Chuẩn bị niêm mạc tử cung
Có nhiều phương pháp khác nhau để chuẩn bị niêm mạc tử cung. Tùy trường hợp mà bệnh nhân sẽ được lựa chọn phương pháp thích hợp. Phổ biến nhất là sử dụng nội tiết ngoại sinh:
– Vào ngày có kinh thứ 2 hay thứ 3, bệnh nhân sẽ được uống thuốc nội tiết làm dày NMTC;
– Sau 6 – 7 ngày uống thuốc, bệnh nhân được hẹn siêu âm đánh giá sự phát triển của NMTC;
– Tùy theo kết quả siêu âm, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều thuốc sử dụng;
– Khi đủ điều kiện, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc sử dụng kết hợp progesterone đường âm đạo và hẹn ngày chuyển phôi.
Bước 2: Chuyển phôi đông lạnh
– Rã đông phôi trước khi chuyển phôi;
– Phôi có thể được chuyển sau khi rã đông 02 giờ hặc sau 1 ngày, 2 ngày hoặc 3 ngày;
– Kết quả sau rã đông sẽ được thông báo cho bệnh nhân trước khi thực hiện chuyển phôi;
– Sau khi chuyển phôi, bệnh nhân sẽ nằm nghỉ tại cơ sở y tế khoảng 60 phút và ra về.
Bước 3: Thử thai
– Trong thời gian 2 tuần sau chuyển phôi, bệnh nhân tiếp tục sử dụng các loại thuốc nội tiết theo hướng dẫn của bác sĩ.
– Khi đến ngày hẹn thử thai (thường là 2 tuần sau ngày chuyển phôi), bệnh nhân sẽ đến BV để thử máu. Nếu kết quả thử thai dương tính (theo dõi có thai), bệnh nhân sẽ được hẹn quay lại siêu âm vào 3 tuần sau.
Lưu ý: Quá trình điều trị có thể thay đổi tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Tỉ lệ thành công
Tỉ lệ thành công của chuyển phôi đông lạnh tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ Mô ghép – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hiện nay vào khoảng trên 60%.
Các rủi ro có thể gặp
Nhìn chung, chuyển phôi đông lạnh là một kỹ thuật điều trị an toàn. Tuy nhiên, trong suốt quá trình theo dõi và điều trị có thể có một số rủi ro sau đây:
– Dị ứng, sốc phản vệ khi sử dụng thuốc chuẩn bị NMTC | Cực kỳ hiếm |
– Quá kích buồng trứng nặng/trung bình | Cực kỳ hiếm |
– NMTC không thuận tiện cho chuyển phôi, phải hủy chu kỳ | 5 – 10% |
– Không có phôi sống sau rã đông, không chuyển phôi được | 0,5 – 1% |
– Đa thai (nhiều hơn 1 thai trong tử cung) | 25% |
– Sẩy thai sau khi có thai | 15% |
– Thai ngoài tử cung khi có thai | 4,5% |
– Sinh non | 20% |
Sức khoẻ trẻ sinh ra từ phôi đông lạnh thế nào?
Hiện tại, chưa có bằng chứng khoa học để kết luận phôi đông lạnh có tác động trực tiếp lên nguy cơ mắc các bệnh lý ác tính, cũng như sự phát triển tâm thần, vận động của các trẻ so với những trẻ được sinh ra từ các chu kỳ chuyển phôi tươi hay các thai kỳ tự nhiên.
Đối với nguy cơ mắc các bất thường lệch bội nhiễm sắc thể (hội chứng Down, trisomy 13, trisomi 18) của trẻ thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) nói chung và chuyển phôi đông lạnh nói riêng, người ta nhận thấy nguy cơ này hơi cao hơn dân số bình thường, do những phụ nữ khi làm TTTON thường đã lớn tuổi (>35 tuổi). Do đó, khả năng bất thường ở trẻ TTTON có thể tăng hơn bình thường. Tuy nhiên sự khác biệt này không lớn. Nhìn chung, tỉ lệ trẻ TTTON có bất thường tương đương với trẻ được sinh ra từ các thai kỳ tự nhiên, khoảng 1 – 2%.
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và CNMG – Bệnh viện ĐH Y Hà Nội