Các nhà khoa học đã ước tính rằng hơn 2% nam giới và phụ nữ sẽ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư bàng quang vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ. Ung thư bàng quang ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn phụ nữ, mặc dù phụ nữ cũng có thể bị mắc căn bệnh này. Chúng ta cùng tìm hiểu về bệnh ung thư bàng quang.
Một trong những dấu hiệu đầu tiên của ung thư bàng quang là gì? Thông thường, một trong những triệu chứng ung thư bàng quang sớm nhất là có máu trong nước tiểu (gọi là tiểu ra máu). Tùy thuộc vào giai đoạn hoặc cấp độ ung thư bàng quang mà người bệnh được chẩn đoán, các lựa chọn điều trị có thể bao gồm hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch và thay đổi lối sống để ngăn ngừa ung thư quay trở lại. Thật không may, phương pháp điều trị ung thư thông thường có xu hướng gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn khác nhau, thậm chí có thể tồi tệ hơn các triệu chứng ung thư bàng quang. Nhưng các biện pháp tự nhiên như thay đổi chế độ ăn uống, bổ sung hoạt chất thiên nhiên và các hoạt động giảm căng thẳng có thể giúp điều trị ung thư bàng quang dễ dàng hơn.
Ung thư bàng quang là gì?
Ung thư bàng quang là bệnh ung thư ảnh hưởng đến bàng quang, một cơ quan rỗng ở phần dưới của bụng lưu trữ nước tiểu cho đến khi nó được thải ra ngoài cơ thể. Có một số loại ung thư bàng quang khác nhau, bao gồm:
Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp: Loại ung thư bàng quang phổ biến nhất được gọi là ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (còn gọi là ung thư biểu mô tiết niệu). Ung thư phát triển đầu tiên trong các tế bào tiết niệu lót bên trong bàng quang và thường giúp bàng quang thay đổi hình dạng và kích thước dựa trên mức độ chứa nước tiểu của nó. Loại ung thư này cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của đường tiết niệu, nhưng bàng quang có nhiều khả năng bị ảnh hưởng nhất.
Ung thư biểu mô tế bào vảy: Loại này đầu tiên ảnh hưởng đến các tế bào phẳng, mỏng lót trong bàng quang. Nó thường được gây ra bởi kích thích bàng quang hoặc nhiễm trùng nhưng được coi là hiếm gặp.
Ung thư biểu mô tuyến: Loại này ảnh hưởng đến các tế bào tạo ra và giải phóng chất nhầy và các chất lỏng khác. Đây là một loại ung thư bàng quang hiếm gặp so với ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp.
Người bệnh sẽ sống được bao lâu nếu bị ung thư bàng quang? Điều này phụ thuộc vào thời điểm ung thư được phát hiện, hay cụ thể hơn là nó được chẩn đoán ở giai đoạn và cấp độ nào. Khi ung thư bàng quang được chẩn đoán ở giai đoạn đầu, có khả năng cao là có thể khắc phục được. Nghiên cứu cho thấy rằng tính đến năm 2013, hơn 77% những người bị ung thư bàng quang sẽ sống ít nhất 5 năm sau khi chẩn đoán.
Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ung thư bàng quang
Các dấu hiệu và triệu chứng ung thư bàng quang giai đoạn sớm bao gồm:
– Máu trong nước tiểu (tiểu ra máu). Nước tiểu có thể có màu hồng, đỏ tươi hoặc màu hạt dẻ đậm hoặc màu nâu. Tiểu ra máu lúc có lúc hết, đôi khi biến mất trong nhiều tuần sau đó lại bị tiểu ra máu.
– Đi tiểu đau buốt, thường trở nên tồi tệ hơn khi ung thư tiến triển.
– Các triệu chứng mãn tính liên quan đến nhiễm trùng tiết niệu thường xuyên, sỏi thận và sỏi bàng quang, hoặc đặt ống thông bàng quang trong thời gian dài gây kích ứng.
Các triệu chứng ung thư bàng quang tiến triển có thể bao gồm những triệu chứng trên, cộng với những triệu chứng sau:
– Đau vùng chậu và/hoặc đôi khi đau thắt lưng và đau bụng.
– Đi tiểu thường xuyên do bàng quang hoạt động quá mức. Người bệnh có thể cảm thấy mình cần đi tiểu đột ngột và khẩn cấp hoặc gặp khó khăn trong việc kiểm soát bàng quang hoặc vận động các cơ ở xương chậu.
– Không thể đi tiểu hoặc kiểm soát dòng chảy của nước tiểu.
– Buồn nôn, chán ăn và sút cân.
– Cảm thấy mệt mỏi hoặc yếu ớt.
– Phù ở bàn chân.
– Nhức mỏi và đau xương.
Có thể các triệu chứng và dấu hiệu ung thư bàng quang ở phụ nữ hơi khác so với nam giới. Các triệu chứng ung thư bàng quang ở nam giới có thể ảnh hưởng đến tuyến tiền liệt, một tuyến có kích thước bằng quả óc chó nằm giữa bàng quang và dương vật ở nam giới tiết ra dịch tuyến tiền liệt và giúp giải phóng nước tiểu. Ung thư bàng quang là bệnh ác tính phổ biến thứ tư được chẩn đoán ở nam giới và gặp ở nam giới nhiều gấp 3 lần so với nữ giới. Ở cả hai giới, các triệu chứng ung thư bàng quang này thường được quy cho các tình trạng khác như nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs), nhưng nếu chúng tiếp tục tái phát thì cần đi khám bệnh ung thư.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh ung thư bàng quang
Các nguyên nhân chính của ung thư bàng quang là gì? Ung thư bàng quang phát sinh khi các tế bào trong bàng quang phát triển bất thường, phát triển đột biến và hình thành khối u. Không phải lúc nào cũng biết tại sao điều này lại xảy ra ở một số người, đặc biệt nếu họ không có bất kỳ yếu tố rủi ro rõ ràng nào hoặc tiền sử gia đình có người mắc ung thư. Có nhiều nguyên nhân có thể gây ung thư, bao gồm nhiều sự kết hợp khác nhau của các yếu tố di truyền và môi trường.
Những người có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao bao gồm:
– Trên 40 tuổi, vì nguy cơ của chúng ta tăng lên khi già đi. Khoảng 9 trong số 10 người bị ung thư bàng quang trên 55 tuổi.
– Là nam giới, phát triển ung thư bàng quang hơn nhiều so với nữ giới.
– Đã từng bị ung thư, đặc biệt là ung thư ảnh hưởng đến đường tiết niệu.
– Hút thuốc lá hoặc sử dụng các sản phẩm thuốc lá. Hút thuốc lá được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây ung thư bàng quang vì nó khiến chất độc di chuyển đến thận và vào nước tiểu, nơi chúng tiếp xúc với niêm mạc bàng quang.
– Là người da trắng. Người da trắng có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn những chủng tộc khác.
– Tiếp xúc với một số hóa chất và chất độc có thể làm tổn thương thận của chúng ta, chẳng hạn như do tiếp xúc tại nơi làm việc hoặc do ô nhiễm môi trường. Các hóa chất liên quan đến ung thư bàng quang bao gồm asen, benzidine và beta-naphthylamine và các hóa chất được sử dụng trong sản xuất thuốc nhuộm, cao su, da, dệt may và các sản phẩm sơn. Những người lao động có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn bao gồm thợ sơn, thợ máy, thợ in, thợ làm tóc (có thể do tiếp xúc nhiều với thuốc nhuộm tóc) và tài xế xe tải (có thể do tiếp xúc với khói dầu diesel). Asen có thể được tìm thấy trong một số nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm.
– Có tiền sử nhiễm trùng bàng quang mãn tính hoặc kích ứng niêm mạc bàng quang, chẳng hạn như do sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài. Bàng quang có thể bị kích thích do nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận hoặc nhiễm trùng tuyến tiền liệt.
– Có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng không polyp di truyền, còn được gọi là hội chứng Lynch. Những người có đột biến gen của gen u nguyên bào võng mạc (RB1), hoặc bệnh Cowden, cũng có nguy cơ cao hơn.
– Đã từng xạ trị hoặc hóa trị liệu trước đó.
– Đã từng bị nhiễm ký sinh trùng. Ví dụ, nhiễm ký sinh trùng gọi là bệnh sán máng, chủ yếu ảnh hưởng đến những người sống hoặc đến thăm Châu Phi và Trung Đông, có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang.
– Bị dị tật bẩm sinh hiếm gặp ảnh hưởng đến đường tiết niệu và bàng quang, bao gồm cả dị tật ống niệu rốn.
– Đã dùng thuốc trị tiểu đường gọi là Pioglitazone trong hơn một năm.
Chẩn đoán ung thư bàng quang
Bệnh ung thư bàng quang thường được chẩn đoán ở giai đoạn đầu, có nghĩa là người bệnh sẽ có khả năng điều trị khỏi cao hơn. Khoảng 7 trong số 10 ca ung thư bàng quang được chẩn đoán ở giai đoạn đầu – khi ung thư bàng quang có khả năng điều trị cao.
Để chẩn đoán ung thư bàng quang, bác sĩ có thể sẽ thực hiện một số xét nghiệm, bao gồm phân tích nước tiểu và tế bào học nước tiểu. Máu trong nước tiểu có thể không nhìn thấy được khi người bệnh đi vệ sinh, nhưng đôi khi vẫn có thể được phát hiện khi kiểm tra nước tiểu bằng kính hiển vi. Bác sĩ cũng sẽ tìm những thay đổi về nhiễm sắc thể, kháng nguyên và protein NMP22 trong nước tiểu của người bệnh.
Những phương pháp cận lâm sàng khác phục vụ chẩn đoán ung thư bàng quang như siêu âm, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính, chụp xạ hình xương, sinh thiết…
Các giai đoạn bệnh ung thư bàng quang
Giai đoạn hoặc cấp độ ung thư mà người bệnh liên quan đến mức độ ung thư của họ đã tiến triển và/hoặc lan rộng. Mục đích của việc xác định giai đoạn ung thư là giúp xác định phương pháp điều trị nào sẽ hiệu quả nhất. Hầu hết các bác sĩ xác định giai đoạn ung thư của bệnh nhân bằng cách sử dụng hệ thống TNM, mô tả sự hiện diện của khối u nguyên phát, vị trí của chúng và nếu chúng đã di căn. Có bốn giai đoạn ung thư bàng quang:
Giai đoạn 0a hoặc 0b
Đây là giai đoạn sớm khi ung thư nằm trên lớp niêm mạc bên trong của bàng quang nhưng chưa xâm lấn vào cơ hoặc mô liên kết.
Giai đoạn I
Ung thư đã phát triển xuyên qua lớp niêm mạc bên trong của bàng quang vào lớp đệm (một lớp mô liên kết lỏng lẻo dưới lớp lót màng đáy của biểu mô).
Giai đoạn II
Ung thư đã lan vào thành cơ dày của bàng quang, nhưng chưa lan đến các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác.
Giai đoạn III
Ung thư đã lan rộng khắp thành cơ đến lớp mô mỡ bao quanh bàng quang.
Giai đoạn IV
Khối u đã lan đến thành chậu hoặc thành bụng, có thể đến một hoặc nhiều hạch bạch huyết khu vực và có khả năng di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.
Các phương pháp điều trị ung thư bàng quang thông thường
Ung thư bàng quang có chữa được không? Điều này phụ thuộc vào giai đoạn và cấp độ của bệnh ung thư.
Các lựa chọn điều trị ung thư bàng quang bao gồm:
Phẫu thuật
Phẫu thuật được thực hiện để loại bỏ khối ung thư bàng quang và một số mô xung quanh. Đối với những người bị ung thư bàng quang xâm lấn cơ, có thể cần phải thực hiện phẫu thuật để cắt bỏ bàng quang (được gọi là phẫu thuật cắt bàng quang triệt để). Nếu các hạch bạch huyết cũng được loại bỏ, đây được gọi là bóc tách hạch vùng chậu. Nếu bàng quang của bệnh nhân bị cắt bỏ, bác sĩ phẫu thuật sẽ tạo ra một cách mới để đưa nước tiểu ra khỏi cơ thể bằng cách tạo một lỗ mở và cho bệnh nhân đeo một chiếc túi gắn vào để lấy và dẫn nước tiểu ra ngoài.
Hóa trị
Giúp ngăn chặn khả năng phát triển và phân chia của tế bào ung thư. Đây có thể là hóa trị tại chỗ hoặc hóa trị toàn thân.
Xạ trị
Sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các hạt khác để tiêu diệt tế bào ung thư. Đây thường không phải là phương pháp điều trị chính cho bệnh ung thư bàng quang nhưng đôi khi được sử dụng kết hợp với hóa trị.
Liệu pháp miễn dịch
Kích thích hệ thống miễn dịch để nó có thể chống lại các tế bào ung thư tốt hơn. Điều này có thể liên quan đến việc sử dụng trực khuẩn Bacillus Calmette-Guerin(BCG).
Y học cổ truyền
Sử dụng lý luận y học cổ truyền, quy luật tự nhiên để chẩn đoán, biện chứng luận trị để tìm ra pháp, phương điều trị bệnh ung thư bàng quang trên mỗi người bệnh cụ thể. Các phương pháp điều trị ung thư trong y học cổ truyền bao gồm: Thuốc từ dược liệu tự nhiên, châm cứu hoặc cấy chỉ, giải độc cơ thể tự nhiên và tập các bài luyện khí., hướng dẫn thay đổi lối sống để giúp giảm nguy cơ ung thư tái phát.
BS. Nguyễn Thùy Ngân
Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam