Ở hầu hết bệnh nhân, phát ban mạn tính sẽ biến mất theo thời gian, nhưng một số trường hợp có thể tồn tại trong nhiều năm. Không có cách chữa mề đay mạn tính, nhưng thuốc có thể giúp giảm bớt các triệu chứng.
Phát ban mạn tính là gì?
Phát ban (hay còn gọi là mề đay) là những mảng da trông sưng húp hoặc nổi lên so với phần da còn lại, thường rất ngứa (hình 1). Phát ban có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể. Đôi khi các mảng phát ban giống tổ ong riêng lẻ bắt đầu xuất hiện từ kích thước nhỏ và lớn dần sau nhiều giờ, sau đó biến mất dần. Phát ban có thể tụ lại với nhau hoặc rải rác xung quanh cơ thể (hình 2). Những người bị nổi mề đay mạn tính hầu hết các ngày trong 6 tuần trở lên.
Phát ban mạn tính khác với phát ban xảy ra đột ngột chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Phát ban chỉ kéo dài vài giờ hoặc vài ngày có thể do dị ứng hoặc nhiễm trùng. Đôi khi, phát ban đột ngột là người đó đang có phản ứng dị ứng đe dọa đến tính mạng. Khi điều này xảy ra, người đó có các triệu chứng khác với phát ban, chẳng hạn như khó thở hoặc bất tỉnh.
Phát ban mạn tính không phải do dị ứng hoặc nhiễm trùng gây ra và không nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng chúng rất ngứa và có thể khiến bạn khó tập trung hoặc khó ngủ. Ở hầu hết bệnh nhân, phát ban mạn tính sẽ biến mất theo thời gian, nhưng một số trường hợp có thể tồn tại trong nhiều năm. Không có cách chữa mề đay mạn tính, nhưng thuốc có thể giúp giảm bớt các triệu chứng.
Các triệu chứng của phát ban mạn tính
Những người bị nổi mề đay mạn tính có những vùng sưng húp trên da. Phát ban có thể có màu hơi đỏ trên da sáng màu và có thể nhạt ở giữa. Những thay đổi màu sắc có thể khó nhìn thấy trên da sẫm màu hơn (hình 3). Chúng thường rất ngứa, đặc biệt là vào ban đêm.
Một số yếu tố có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn. Bao gồm:
– Nhiệt, chẳng hạn như tắm nước nóng hoặc thời tiết nóng ẩm;
– Quần áo chật, dây thắt lưng hoặc dây đai quần áo;
– Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) – là một nhóm lớn các loại thuốc bao gồm aspirin, ibuprofen và naproxen;
– Rượu bia;
– Căng thẳng;
– Một số loại thực phẩm cay, nóng;
– Đang bị cảm;
– Thiếu ngủ;
– Một số thời điểm trong chu kỳ kinh nguyệt (thường là ngay trước và trong kỳ kinh nguyệt).
Phát ban mạn tính không phải do dị ứng thực phẩm gây ra, nhưng một số người thấy rằng phát ban của họ trở nên tồi tệ hơn sau khi họ ăn một số loại thực phẩm.
Nhiều người bị phát ban mạn tính cũng bị một tình trạng gọi là “phù mạch”. Phù mạch gây bọng mắt và sưng các mô dưới da. Các bộ phận của cơ thể thường bị ảnh hưởng bao gồm môi, má, mí mắt, bàn tay, bàn chân hoặc bộ phận sinh dục (hình 4).
Chẩn đoán
Bác sĩ có thể biết liệu bạn có bị phát ban mạn tính hay không bằng cách tìm hiểu về các triệu chứng và tiến hành kiểm tra, chỉ định xét nghiệm máu để chắc chắn rằng một tình trạng khác không gây ra các triệu chứng của bạn.
Điều trị phát ban mạn tính
Phát ban mạn tính thường biến mất theo thời gian. Nhiều người khỏi bệnh trong vòng một năm, nhưng tình trạng này có thể kéo dài vài năm. Để giúp giảm các triệu chứng, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc bao gồm:
– Thuốc kháng histamine – Đây là những loại thuốc mà mọi người thường dùng để điều trị dị ứng. Thuốc có thể giúp giảm ngứa và thu nhỏ kích thước mề đay. Bạn cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
– Thuốc steroid – Bác sĩ có thể kê đơn steroid trong một thời gian ngắn để giúp kiểm soát các triệu chứng, giúp giảm ngứa và sưng tấy.
Nếu những loại thuốc này không giúp giảm bớt các triệu chứng, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn, điều chỉnh thuốc phù hợp. Các loại kem hoặc lotion không kê đơn có thể giúp giảm ngứa tạm thời, nhưng chúng không được khuyên dùng để điều trị phát ban mạn tính.
Lời khuyên của bác sĩ
Bạn có thể cố gắng tránh những thứ thường làm cho phát ban mạn tính trở nên tồi tệ hơn như:
+ Tránh dùng NSAID hoặc uống rượu;
+ Tránh tắm nước nóng hoặc mặc quần áo bó sát gây chà xát vào da;
+ Cố gắng ngủ đủ giấc mỗi đêm.
Nếu phát ban trở nên tệ hơn khi bạn ăn một số loại thực phẩm, hãy cố gắng tránh những thực phẩm đó. Nhưng nếu bạn thấy rằng bạn đang tránh nhiều thức ăn, hãy trao đổi ngay với bác sĩ để được tư vấn.
TS.DS. Nguyễn Trang Thuý – Bệnh viện ĐH Y Hà Nội (dịch)