Đái tháo đường (hay còn gọi là hội chứng tăng glucose huyết) là một bệnh rối loạn chuyển hóa do tụy không có khả năng bài tiết hoặc giảm bài tiết insulin, hoặc do tụy bài tiết insulin bình thường nhưng không đủ để đáp ứng vận chuyển glucose trong cơ thể.
Đây là một trong những bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi gây ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ. Bệnh gây ra nhiều biến chứng ở các cơ quan như: Mắt, thận, thần kinh… Các biến chứng của bệnh đái tháo đường có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh như: Nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…
Định nghĩa
Theo Tổ chức Y tế thế giới năm 2002: “Đái tháo đường là một bệnh mạn tính gây ra do thiếu sản xuất insulin của tụy hoặc tác dụng của insulin không hiệu quả do nguyên nhân mắc phải và/hoặc do di truyền với hậu quả tăng glucose máu, Tăng glucose máu gây tổn thương nhiều hệ thống trong cơ thể, đặc biệt là mạch máu và thần kinh”.
Triệu chứng
Triệu chứng lâm sàng của đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2 là như nhau.
Đái nhiều: Do đường máu tăng cao quá ngưỡng bài tiết của thận nên được đào thải qua nước tiểu. Đó là một loại lợi tiểu thẩm thấu làm bệnh nhân đái nhiều, có thể tới 5 – 7 lít/24 giờ.
Uống nhiều: Do đái nhiều, bệnh nhân mất nước nên rất khát, phải uống rất nhiều, thường là thích nước ngọt.
Gầy nhiều:
- Đây là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường type 1. Do tụy không thể sản xuất insulin nên glucose không được vận chuyển vào bên trong tế bào, dẫn tới tình trạng thiếu năng lượng. Vì vậy, cơ thể tăng dị hóa protid, lipid để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho hoạt động của các tế bào, dẫn tới giảm khối cơ và tổ chức mỡ dưới da. Ngoài ra người bệnh còn gầy do mất nước. Người bệnh có thể sút 5 – 10kg trong vòng vài tháng.
- Đối với các trường hợp đái tháo đường typ 2: Do tụy vẫn sản xuất insulin nhưng không đáp ứng đủ cho việc vận chuyển glucose trong cơ thể nên việc giảm cân diễn ra từ từ, không dễ nhận thấy.
Ăn nhiều: Có một số trường hợp, bệnh nhân luôn có cảm giác đói nên ăn rất nhiều.
Mệt mỏi: Do glucose không được vận chuyển vào tế bào hoặc việc vận chuyển glucose vào tế bào không đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động dẫn tới tình trạng tế bào thiếu năng lượng hoạt động. Người bệnh có cảm giác mệt mỏi, kiệt sức.
Ngoài ra, người bệnh còn có một số triệu chứng khác như: Ngứa, cảm giác tê bì ở tay chân, giảm thị lực, khô da,… Những triệu chứng này thường là biến chứng của đái tháo đường.
Biến chứng
Hạ glucose máu
Là biến chứng hay gặp do người bệnh thực hiện chế độ ăn kiêng quá mức hoặc do dùng thuốc quá liều. Đối với người cao tuổi, tình trạng này thường khó phát hiện vì các triệu chứng mờ nhạt, không điển hình. Các triệu chứng thường gặp:
- Lời nói, cử chỉ chậm chạp.
- Cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ.
- Ngoài ra có thể đói bụng, run, yếu cơ, cồn cào và vật vã mồ hôi.
- Khi lượng glucose trong máu hạ đến một mức độ nào đó có thể gây hôn mê.
Nhiễm toan ceton
Đây là tình trạng nhiễm độc do máu bị toan hóa vì nồng độ acid acetic là sản phẩm của chuyển hóa dở dang do thiếu insulin gây ra. Thường xảy ra ở đái tháo đường type 1. Các triệu chứng thường gặp:
- Chán ăn.
- Khát và uống nước nhiều hơn.
- Lượng nước tiểu nhiều hơn ngày thường.
- Rát họng.
- Đau đầu, đau bụng.
- Đỏ da.
- Đại tiện phân nát hoặc lỏng, nhiều lần trong ngày.
- Hơi thở có mùi ceton.
Tăng glucose máu
Chủ yếu xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường type 2, do người bệnh không theo dõi lượng glucose trong máu hoặc không phát hiện ra mình mắc bệnh đái tháo đường.Tình trạng này cũng có thể xảy ra khi dung corticoid liều cao, uống rượu lượng lớn, có bệnh lý khác hoặc nhiễm trùng kèm theo.
Triệu chứng thường gặp: Khát nước, tiểu nhiều, yếu cơ, chuột rút ở chân, nhầm lẫn, co giật, hôn mê,…
Biến chứng về chuyển hóa
Rối loạn chuyển hóa lipid gặp ở cả 2 type của đái tháo đường, nhưng thường gặp ở tuýp 2. Rối loạn lipid máu là nguyên nhân gây xơ vữa động mạch, từ đó gây ra các biến chứng khác của đái tháo đường.
Tổn thương mạch máu nhỏ
Nồng độ đường trong máu tăng cao và sự dao động lượng glucose trong máu là yếu tố chính gây tổn thương các mạch máu nhỏ. Nếu người bệnh có tăng huyết áp kèm theo thì sự huỷ hoại các mạch máu nhỏ càng tăng.
Bệnh lý thần kinh: Hơn 50% số người bị đái tháo đường có biểu hiện tổn thương thần kinh. Nguyên nhân: do lượng đường trong máu quá cao làm tổn thương các mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh.
Biến chứng thần kinh ngoại vi: Triệu chứng lâm sàng tùy thuộc vào thần kinh vùng nào bị ảnh hưởng. Thường gặp nhất là ảnh hưởng đến thần kinh cảm giặc ở chân và cánh tay. Triệu chứng: cảm giác kiến bò, tê, bỏng rát, bắt đầu ở đầu ngón và lan dần lên phía trên.
Biến chứng thần kinh thực vật: Tổn thương thần kinh thực vật điều khiển huyết áp, chi phối hoạt động của đường tiêu hoá, bàng quang, hệ thống sinh dục… gay các triệu chứng: tụt huyết áp, ngất, đổ mồ hôi, buồn nôn, nôn, tiểu tiện không hết, táo bón hoặc ỉa chảy, rối loạn chức năng cương ở nam giới, lãnh cảm ở nữ giới…
Bệnh lý võng mạc: Do tổn thương các mạch máu võng mạc. Biểu hiện: xuất tiết, xuất huyết võng mạc, bệnh võng mạc tăng sinh và không tăng sinh… Biến chứng võng mạc do đái tháo đường có thể làm giảm thị lực hoặc gây mù.
Bệnh lý cầu thận: Thường xảy ra sau 5 năm mắc bệnh đái tháo đường đối với người đái tháo đường typ 1; tổn thương cầu thận ngay từ khi phát hiện bệnh:
- Nguyên nhân: Tổn thương các mạch máu nhỏ tại cầu thận do đái tháo đường.
- Triệu chứng: Đái protein vi thể. Nếu không được điều trị có thể xuất hiện protein niệu. Bệnh cầu thận kéo dài sẽ gây tăng huyết áp, suy thận, thiếu máu…
Bệnh lý bàn chân: Do đặc điểm riêng về giải phẫu, chức năng mà chi dưới thường xuyên và dễ bị tổn thương.
- Đường huyết cao làm huỷ hoại bộ phận tiếp nhận cảm giác của các dây thần kinh ngoại vi, gây rối loạn cảm giác chi dưới, người bệnh bị mất các cảm giác bảo vệ, không có cảm nhận về những tác động nguy hiểm đối với bàn chân như: cảm giác đau, nóng, lạnh… Do đó, người bệnh không biết mình bị thương. Một vết thương dù nhỏ cũng có thể bị loét rộng và trở thành trầm trọng. Triệu chứng thường gặp: Rối loạn cảm giác (nóng ran hoặc lạnh) ở hai chân, ngứa hoặc tê bì, cảm giác bứt rứt, khó chịu.
- Do đái tháo đường làm tổn thương các mạch máu nhỏ, làm giảm dòng máu tới bàn chân. Da bàn chân trở nên khô, nứt nẻ, dễ bị loét và nhiễm trùng. Biểu hiện thường gặp: thay đổi màu sắc da, cảm giác lạnh hoặc tê bì hai chân, đau chân lúc nghỉ ngơi…
- Nếu tổn thương mạch máu ngoại vi kết hợp với bệnh thần kinh ngoại vi sẽ làm vết thương lâu lành. Đồng thời, lượng glucose trong máu tăng cao là mỗi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Vì vậy, vết thương dễ bị loét, nhiễm khuẩn, có thể hoại tử, dẫn tới nguy cơ cắt cụt chi nếu không được điều trị đúng và kịp thời.
Tổn thương mạch máu lớn
- Có khoảng 75% người mắc đái tháo đường bị bệnh mạch vành. Biểu hiện biến chứng nhồi máu cơ tim ở người đái tháo đường không điển hình như người bình thường, người bệnh thường không có cơn đau thắt ngực mà chỉ có cảm giác mệt mỏi, tụt huyết áp…
- Biến chứng bệnh mạch vành gây tử vong ở người đái tháo đường cao gấp 4 lần so với người mắc bệnh mạch vành không kèm theo đái tháo đường.
Nguyên nhân của tình trạng tổn thương mạch máu trong đái tháo đường là do tăng nồng độ triglyceride, giảm nồng độ HDL (High density lipoprotein) trong máu.
Ngoài da
- Ngứa ngoài da, trên da thường hay bị mụn nhọt;
- Da lòng bàn tay, lòng bàn chân có màu ánh vàng (do rối loạn chuyển hóa vitamin A);
- Hoại tử mỡ da;
- Nhiễm khuẩn thứ phát: Viêm mủ da, nhọt, nấm da.
Chế độ ăn và luyện tập
Trong điều trị đái tháo đường, đầu tiên cần kiểm soát chế độ ăn uống và có phương pháp luyện tập phù hợp.
Chế độ ăn uống
Đây là một trong những chế độ điều trị quan trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường. Thực hiện đúng chế độ ăn uống có thể giúp kiểm soát lượng đường glucose trong máu và tránh được các biến chứng, đặc biệt đối với bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2.
Chế độ ăn cho người đái tháo đường cần đáp ứng được các yêu cầu sau:
- Đủ năng lượng cho hoạt động sống bình thường.
- Thức ăn đa dạng, nhiều thành phần. Có sự cân đối về tỷ lệ thành phần các chất lipid, protid, glucid.
- Đủ các yếu tố vi lượng.
- Thực hiện thời điểm ăn, số lượng bữa ăn trong ngày phù hợp với sự thay đổi sinh lý của từng lứa tuổi.
- Nếu người bệnh đái tháo đường kèm theo thừa cân hoặc béo phì, tỷ lệ các chất được đưa vào cơ thể cần giảm 10 – 20%.
- Kết hợp điều chỉnh chế độ ăn với dùng thuốc điều trị (nếu có).
- Sau đây là các nhóm chất chính có trong thức ăn cần được điều chỉnh:
- Carbohydrate: là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Lượng carbohydrate cần chiếm 60 – 65% tổng số năng lượng cung cấp trong ngày. Có hai loại carbohydrate:
- Các đường hỗn hợp: Có trong các thực phẩm như khoai tây, ngũ cốc, bột mỳ, gạo, sữa và các loại rau quả khác.
- Đường đơn: Có trong đường trắng, mật ong, nước trái cây, bánh ngọt… Các đường đơn thường hấp thụ nhanh vào máu, trong thực tế chỉ dùng để dự phòng hoặc cấp cứu trường hợp hạ đường huyết. Người mắc bệnh đái tháo đường nên tránh ăn loại đường này.
- Lipid: Có trong mỡ động vật, dầu ăn, bơ động vật hoặc thực vật, kem… Đây là nhóm chất cần hạn chế, chỉ nên sử dụng 20% lipid trong tổng số năng lượng cung cấp trong ngày. Nếu sử dụng các loại thức ăn chứa acid béo no như mỡ động vật, phomat…, nên hạn chế ở mức dưới 10% tổng số năng lượng cung cấp trong ngày.
- Protein: Là yếu tố cần thiết cho cơ thể tạo ra các tế bào mới. Protein có trong thịt, cá, trứng, phomat, các loại nấm, các loại đậu… Nên sử dụng 10% protein (khoảng 8g/kg cân nặng/ngày) trong tổng số năng lượng cung cấp trong ngày.
- Chất xơ: Có thể làm chậm hấp thu glucid, lipid và giảm tình trạng tăng đường máu sau khi ăn. Thức ăn có chất xơ gồm: Đậu, rau tươi, cám gạo, hoa quả… có thể làm giảm đường, đồng thời hạ cholesterol toàn phần và lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL). l – Vitamin và các chất khoáng: Đây là những vi chất có lợi cho cơ thể. Vitamin và các chất khoáng có nhiều trong các loại hoa quả, sữa, thịt, trứng..
- Rượu, bia: Bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường cần hạn chế bia, rượu. Rượu ức chế hình thành glycogen ở gan và có thể làm hạ đường huyết ở bệnh nhân đang dùng insulin hoặc thuốc hạ đường huyết. Loại rượu có đường có thể làm tăng đường huyết. Rượu cũng làm tăng triglycerid cấp và mạn tính, làm rối loạn chuyển hoá sulfamid. Những bệnh nhân có biến chứng thần kinh càng không được uống rượu để tránh biến chứng này nặng hơn.
Tuy nhiên không thể áp dụng một chế độ ăn cho tất cả bệnh nhân, mỗi bệnh nhân cần tuân thủ theo chế độ ăn mà bác sĩ xây dựng tùy thuộc vào: cân nặng, giới tính, nghề nghiệp, thói quen và sở thích,…
Luyện tập
Đối với bệnh nhân đái tháo đường luyện tập hàng ngày và đúng cách là một trong những yếu tố quan trọng trong điều trị. Luyện tập giúp cơ thể tiêu thụ glucose dễ dàng, giảm lượng đường trong máu, giảm trọng lượng cơ thể, từ đó làm giảm nguy cơ biến cơ biến chứng của bệnh đái tháo đường
Người bệnh có thể tham gia tập luyện các bài tập cường độ thấp và trung bình như:
- Đi bộ;
- Tập dưỡng sinh, yoga;
- Bơi lội, đạp xe tại chỗ,…
Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế để được các bác sĩ khám, tư vấn, xây dựng phác đồ điều trị cũng như xây dựng chế độ ăn và luyện tập phù hợp.
BS. Mỹ Linh (Thọ Xuân Đường)