Trào ngược là triệu chứng khi axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản – là ống dẫn thức ăn từ miệng đến dạ dày. Khi trào ngược axit gây ra các triệu chứng khó chịu, đặc biệt đối với các thai phụ.
Hình ảnh minh họa trào ngược dạ dày thực quản
Nhiều người bị trào ngược axit khi mang thai. Tình trạng này thường trở nên nặng hơn trong quá trình mang thai và biến mất sau khi em bé chào đời.
Những người bị trào ngược axit trong 1 lần mang thai có khả năng bị tái phát ở những lần mang thai sau.
Triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản khi mang thai
Các triệu chứng phổ biến nhất là:
– Cảm thấy nóng ở ngực, được gọi là chứng ợ nóng;
– Cảm thấy nóng ở trong cổ họng hoặc có vị axit trong miệng;
– Đau bụng hoặc đau ngực;
– Buồn nôn hoặc nôn mửa;
– Khó nuốt;
– Giọng khàn khàn hoặc đau họng;
– Ho.
Để giúp cải thiện các triệu chứng của mình, bạn có thể
– Tránh nằm trong vòng 3 giờ sau khi ăn;
– Tránh ăn trong vòng 3 giờ trước khi đi ngủ;
– Tránh mặc quần áo bó sát;
– Tránh các thực phẩm làm cho các triệu chứng của bạn tồi tệ hơn. Thực phẩm thường làm chứng trào ngược axit trở nên trầm trọng hơn là cà phê, coca, trà, thực phẩm có múi, sô cô la và thực phẩm béo;
– Nâng đầu giường lên 15 – 20 cm. Bạn có thể thực hiện điều này bằng cách đặt các khối gỗ hoặc cao su dưới 2 chân giường hoặc dùng nệm xốp lót dưới gối.
Dùng thuốc theo đơn giúp giảm triệu chứng
Có 4 loại thuốc chính có thể làm giảm triệu chứng trào ngược axit, bao gồm:
– Thuốc kháng axit;
– Thuốc tạo màng bao phủ ổ loét;
– Thuốc kháng histamine;
– Thuốc ức chế bơm proton.
Những loại thuốc này hoạt động bằng cách giảm hoặc ngăn chặn axit dạ dày
Bảng : Các loại thuốc làm giảm hoặc ngăn axít dạ dày
Các bác sĩ thường khuyên người mang thai trước tiên nên thử dùng thuốc kháng axit để giảm các triệu chứng. Hầu hết các thuốc kháng axit được coi là an toàn trong thai kỳ, nhưng một số thì không. Nếu bạn đang mang thai, không dùng thuốc kháng axit có chứa natri bicarbonate và magiê trisilicate. Bạn có thể mua thuốc kháng axit mà không cần đơn bác sĩ.
Nếu thuốc kháng axit không đủ hiệu quả, hãy cho bác sĩ biết. Họ có thể khuyên bạn nên thử dùng thuốc tạo màng bao phủ ổ loét, thuốc kháng histamine hoặc thuốc ức chế bơm proton. Những loại thuốc này hoạt động tốt hơn thuốc kháng axit để giảm triệu chứng. Bạn có thể mua hầu hết các loại thuốc kháng histamine và một số thuốc ức chế bơm proton mà không cần kê đơn.
Trước khi bạn sử dụng bất kỳ loại thuốc không kê đơn nào để điều trị chứng trào ngược axit, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn. Họ có thể cho bạn biết loại nào an toàn để sử dụng trong thời kỳ mang thai.
Hãy đi khám và tham khảo tư vấn của bác sĩ nếu bạn:
– Bị ợ nóng hoặc đau ngực dữ dội hoặc những triệu chứng này không thuyên giảm khi điều trị;
– Bị sốt, nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn kèm theo chứng ợ nóng;
– Nghẹt thở khi ăn, khó nuốt hoặc có cảm giác như thức ăn bị “kẹt” xuống cổ họng;
– Giảm cân mà không cần cố gắng;
– Nôn ra máu đỏ tươi hoặc chất giống bã cà phê;
– Đi ngoài trông giống như hắc ín.
TS.DS. Nguyễn Trang Thúy – Bệnh viện ĐH y Hà Nội (dịch)