Tháng 11/2023 Khoa Phục hồi chức năng (PHCN), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận và điều trị một trường hợp nữ bệnh nhân (sinh năm 1972, TP Hồ Chí Minh) bị phù chân trái.
Theo lời kể bệnh nhân, bệnh nhân được phát hiện ung thư cổ tử cung vào tháng 3/2023 và tiến hành phẫu thuật, xạ trị tháng 4/2023. Sau phẫu thuật và xạ trị bệnh nhân bị viêm bàng quang và tiểu không kiểm soát, phải điều trị dài ngày nên không để ý đến chân bị to. Trước vào viện 1 tháng, bệnh nhân phát hiện chân trái to hơn chân phải, to nhiều vào buổi chiều và sau khi ngồi lâu. Bệnh nhân đã tìm hiểu về tình trạng của mình và được giới thiệu đến Khoa PHCN, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng phù cứng chân trái, chu vi chân trái lớn hơn chân phải khoảng 3-6 cm, gốc chi nhiều hơn ngọn chi.
Sau 12 ngày điều trị bằng phương pháp xoa bóp dẫn lưu bạch huyết và băng ép, tình trạng phù chân trái giảm nhiều, chu vi chân trái giảm kích thước đáng kể, đặc biệt gốc chi giảm đến 5 cm, còn to hơn chân phải từ 0,5-1,5 cm. Bệnh nhân kết thúc liệu trình ra viện tiếp tục tập luyện và tự băng ép tại nhà theo hướng dẫn.
Hiện tượng phù bạch huyết (tay voi, chân voi) rất dễ xảy ra ở những bệnh nhân ung thư vú, ung thư sinh dục đã phẫu thuật cắt u kèm theo nạo vét hạch có hoặc không xạ trị kết hợp. Bệnh nhân sau khi trị liệu cần được tư vấn xoa bóp dẫn lưu bạch huyết và các bài tập để dự phòng.
Khi tay và chân bắt đầu có hiện tượng phù, bệnh nhân cần đến khám và điều trị PHCN ngay để có kết quả tốt nhất.
Mạnh Hà