Báo chí “chỉ ra cái sai với hy vọng người ta sửa sai, chỉ ra cái đúng với hy vọng người ta làm theo”. Hy vọng gieo mầm thiện trong xã hội.
Trước khi trở thành một trong những nhà lãnh đạo của đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà báo, từng trải qua vị trí của một biên tập viên cho đến Tổng biên tập tờ Tạp chí lý luận của Đảng, “Tạp chí Cộng Sản”. Vì thế, những nhà báo chúng tôi tự hào khi tưởng nhớ ông – một nhà báo lớn của nền báo chí Cách mạng Việt Nam.
Hôm nay, trước mắt tôi là cuốn sách về một cuộc hội thảo, nơi lần đầu tiên tôi được gặp ông. Còn trong ký ức của tôi là hình ảnh ông: Chân thành, giản dị, nghiêm túc và khiêm cung.
Cuộc hội thảo về “Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo” do ông, khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách khối Tư tưởng – Văn hóa và Khoa học – Giáo dục, cùng chủ trì với cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Hôm đó, ông đã đọc một tham luận (được in lại trong tập kỷ yếu) như một tổng kết hội thảo. Bây giờ, đọc lại bài này, tôi vẫn như nghe thấy giọng đọc từ tốn của ông, những nội dung mà tôi gạch dưới vẫn còn đây – những tư tưởng gần như xuyên suốt, nhất quán trong những năm sau này khi ông trở thành người đứng đầu của đất nước.
Ngày 27/11/1998, 26 năm đã trôi qua như một cái chớp mắt, chúng tôi đã là những “nhà báo lão thành”, nghỉ ngơi bên con cháu. Còn ông, trong chừng ấy năm, đã tiếp tục giữ trọng trách lèo lái con thuyền Việt Nam đi đúng hướng, đến bến “độc lập, tự do, hạnh phúc”.
Trở lại Hội thảo “Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo”, nội dung ông phát biểu hôm đó, mong rằng nhiều thế hệ nhà báo, tuân thủ làm theo. Có nhiều nhắn nhủ tâm huyết trong bài tham luận của ông, đọng lại đến hôm nay như những bài học để đời cho nghề báo.
Điều tôi ghi nhớ nhất là ông nói đến báo chí giải pháp. Trước đó, tôi chưa từng nghe nên tôi vẫn nhớ cho đến ngày nay.
Ông nói: “Người ta đã đề xướng và đang thực hiện “một nền báo chí có giải pháp”, tức là báo chí không chỉ phê phán hiện thực mà còn phải nêu ra những giải pháp. Có nhà báo đã kết luận rằng: “Thay vì chỉ ra cái sai với hy vọng ai đó sẽ sửa, báo chí có giải pháp chỉ ra cái đúng với hy vọng ai đó có thể làm theo” (trang 342, sách kỷ yếu: “Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo” do Hội nhà báo Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1998). Theo ông, báo chí tạo ra hy vọng chứ không gây ra thất vọng. Báo chí giúp chữa lành các vết thương xã hội nhiều hơn.
Nhiều năm sau hội thảo đó, cá nhân tôi cũng như nhiều đồng nghiệp cố gắng thực hiện các tác phẩm báo chí với giải pháp.
Bây giờ, tưởng nhớ đến Ông, nhà báo chúng tôi vẫn thấy như còn nợ ông “một nền báo chí có GIẢI PHÁP”, một nền báo chí tạo HY VỌNG, một nền báo chí CHỮA LÀNH.
Trần Ngọc Châu – baochinhphu.vn