Đối với con người, sự phát triển trong những năm đầu đời quyết định tương lai của cả cuộc đời. Giai đoạn từ 0 – 6 tuổi được xem là “Giai đoạn vàng”, “Cửa sổ của cơ hội” để bộ não phát triển và hoàn thiện. Đây cũng là thời kỳ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe, môi trường sống và nội dung phương pháp giáo dục
Việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc và giáo dục có chất lượng cao cho trẻ mầm non là nhiệm vụ cấp thiết để thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em, đảm bảo công bằng xã hội, nâng cao chất lượng nòi giống, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài tương lai của đất nước.
Hội thảo khoa học Giáo dục sáng tạo và thích ứng với trẻ em trong thời kỳ mới (ngày 21/4/2022)
Việt Nam chúng ta đã đi sau nhiều nước trong giáo dục sớm đối với trẻ ở giai đoạn vàng này. Để thành tựu giáo dục sớm được triển khai hiệu quả, chúng ta cần phải lựa chọn giải pháp, cách làm riêng nào có thể vừa áp dụng thành công kinh nghiệm của các quốc gia khác, vừa kết hợp với đặc thù riêng của người Việt Nam, của trẻ em Việt Nam. Với tầm nhìn chiến lược đó, vào mùa thu năm 2011, đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, đã ký Quyết định số 85/QĐ-TCCB, ngày 26/9/2011 về việc thành lập Viện Nghiên cứu Giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD).
Với chức năng và nhiệm vụ của viện là:
Nghiên cứu và thực hiện chương trình giáo dục phát triển toàn diện tiềm năng, tố chất con người về thể lực, trí tuệ và tinh thần để nâng cao chất lượng giống nòi Việt Nam.
Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ, cộng đồng xã hội về giáo dục sớm để phát triển tiềm năng, tố chất con người ngay từ thuở ấu thơ.
Áp dụng các kết quả nghiên cứu vào các cơ sở thực nghiệm của viện và nhân rộng ra cộng đồng thông qua các trung tâm, các trường học, các câu lạc bộ và các chi hội của Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở các địa phương trong cả nước.
Cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ giáo dục sớm, phát triển tiềm năng và tố chất con người.
Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của viện.
Tư vấn, phản biện các chính sách giáo dục có liên quan đến phát triển toàn diện tiềm năng, tố chất con người Việt Nam.
Hội thảo “Phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm trẻ rối loạn lan tỏa phổ tự kỷ ở tuổi mầm non” (ngày 9/11/2023)
Với tâm huyết của các chuyên gia tự nguyện hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giáo dục sớm cho cộng đồng, góp phần đổi mới giáo dục mầm non của nước nhà, trong hơn 12 năm qua, viện đã tiến hành nghiên cứu xây dựng các chương trình giáo dục thai nhi, giáo dục trẻ dưới 3 tuổi, giáo dục trẻ từ 3 đến 6 tuổi. Các mô hình giáo dục trẻ sớm như thai giáo; giáo dục sớm tại gia đình; chăm sóc giáo dục sớm trẻ dưới 18 tháng; giáo dục sớm lồng ghép tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục và công lập; câu lạc bộ giáo dục sớm tại cộng đồng; giáo dục STEAM; giáo dục phát triển trí thông minh đa diện; giáo dục an toàn trên không gian mạng; giáo dục sớm online đã và đang được triển khai thành công ở nhiều địa phương trong cả nước.
Viện đã tổ chức hơn 50 cuộc hội thảo, diễn đàn ở cấp quốc gia và ở các tỉnh, thành nhằm nâng cao nhận thức cho các nhà quản lý giáo dục và các bậc cha mẹ quan tâm đến giáo dục sớm. Viện đã mở nhiều lớp đào tạo giáo viên giáo dục sớm trực tiếp và bồi dưỡng cho giáo viên và các bậc cha mẹ qua online đã thu hút hàng chục nghìn người tham gia. Các đề tài nghiên cứu khoa học của viện đã được các nhà trường mầm non, các địa phương triển khai thực hiện.
Viện đã xây dựng học phần giáo dục sớm để bổ sung vào chương trình giáo dục cho sinh viên khoa sư phạm mầm non trường cao đẳng sư phạm triển khai, rất được nhà trường và sinh viên hưởng ứng. Viện đã xuất bản nhiều tài liệu, sách và học liệu về giáo dục sớm trẻ em tuổi mầm non. Đặc biệt Công ty Kiro của viện là đơn vị đi tiên phong trong việc sản xuất robot có tên SUNBOT đưa vào các trường mầm non giúp trẻ học mà chơi, chơi mà học để phát triển trí thông minh và làm quen với kỹ thuật số. Trung tâm Nghiên cứu giáo dục phát triển trí tuệ Việt kết hợp với Công ty Truyền thông giáo dục Cầu vồng đã phát hành thêm Tạp chí Cầu vồng cho trẻ mầm non, đang được các nhà trường và các bậc cha mẹ có con ở lứa tuổi mầm non đón nhận.
Cơ sở thực hành của Viện là Trường Mầm non VSK Thăng Long, hàng năm đón hàng trăm sinh viên mầm non thuộc các Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Hà Nội, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương đến thực tập về giáo dục sớm. Nhiều chuyên gia của viện thường xuyên tham gia các buổi tọa đàm về giáo dục sớm trên hệ thống truyền hình quốc gia (VTV, VTC, THQH, THCA..) và truyền hình các địa phương.
Viện còn tích cực phối hợp với các tổ chức phi Chính phủ nghiên cứu đề xuất chính sách giáo dục đặc biệt với trẻ em khuyết tật (trẻ khiếm thính, trẻ tự kỷ… và tham gia nhiều hội thảo về quyền trẻ em, về chiến lược giáo dục trẻ phát triển toàn diện, về đổi mới giáo dục mầm non do Quốc hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Các trung tâm, các Trường Mầm non Giáo dục sớm và các Công ty Truyền thông giáo dục sớm của Viện ngày càng được phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng trong mọi lĩnh vực hoạt động dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo viện, được các cơ sở quản lý giáo dục, giáo viên và phụ huynh tin cậy. Các trẻ em được tiếp cận chương trình giáo dục của viện đã bộc lộ được những kỹ năng, năng lực, trí thông minh, sáng tạo của bản thân trong quá trình học tập ở mầm non và các cấp học tiếp theo.
Là thành viên của Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam và thành viên Hiệp hội Giáo dục vì mọi người Việt Nam, viện đã tích cực tham gia các hoạt động của hội và hiệp hội. Năm chuyên gia của viện đã tham gia Ban Chấp hành Trung ương Hội Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam trong đó có 1 Phó Chủ tịch Hội, 2 Ủy viên Thường vụ và 2 là Ủy viên Ban Chấp hành Hội. Đối với Hiệp hội Giáo dục vì mọi người Việt Nam, viện đã có 1 thành viên tham gia Ban Thường vụ và cử một nhóm chuyên gia tham gia Ban Giáo dục mầm non của Hiệp hội. Nhiều cá nhân và tập thể viện đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Trung ương Hội và các địa phương.
Nhìn lại chặng đường đã qua, từ ngày thành lập với một nhóm chuyên gia gồm những người đã nghỉ hưu 60, 70 tuổi và các bạn trẻ, nhưng với mong muốn đóng góp những kiến thức và kinh nghiệm của mình vào việc đổi mới giáo dục trẻ em ngay từ những năm đầu đời, viện đã từng bước phát triển trở thành một tổ chức với hàng trăm thành viên tự nguyện tham gia lan tỏa triết lý, chương trình, phương pháp giáo dục sớm cho trẻ từ thai nhi đến 6 tuổi và đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, ngành đoàn thể từ Trung ương đến địa phương quan tâm, ủng hộ, được đội ngũ giáo viên và phụ huynh trẻ mầm non tin cậy, tín nhiệm.
Chúng tôi hy vọng trong giai đoạn mới, với sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, sự hợp tác của Hiệp hội Giáo dục vì mọi người Việt Nam và các tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước, Viện Nghiên cứu Giáo dục phát triển tiềm năng con người sẽ luôn tự hào về những thành quả đã đạt được, tiếp tục vững bước đến tương lai với niềm tin trẻ em Việt Nam sẽ được sống trong môi trường giáo dục phát triển toàn diện, an toàn, hạnh phúc ở gia đình, trường học và cộng đồng xã hội, góp phần cải tạo nòi giống, đào tạo nhân tài cho đất nước.
PGS.TS.NGND. Nguyễn Võ Kỳ Anh
Phó Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD)