Hà Nội đang ngày càng phát triển, đến năm 2030 Thủ đô Hà Nội sẽ là thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, Thủ đô thanh bình và thịnh vượng, thành phố kết nối toàn cầu. Là trung tâm đầu não chính trị, trái tim của cả nước.
Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện
Việc lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong 3 nội dung quan trọng (2 nội dung còn lại là xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065) của thành phố Hà Nội đang được tập trung triển khai thực hiện. Đây là một bước quan trọng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trước đó, để phát triển Thủ đô Hà Nội toàn diện, ngày 5/5/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết nêu rõ, quan điểm, mục tiêu thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội.
Chính vì vậy, Hà Nội tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế; kết hợp hài hoà phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hoá với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, trong đó văn hoá, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thủ đô Hà Nội thực sự gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện, tiêu biểu; xây dựng đội ngũ cán bộ Hà Nội có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là nhân tố có ý nghĩa quyết định; xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hoá, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.
Mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8,0 – 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 – 13.000 USD.
Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội sẽ là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Hiện thực hóa Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô
Ngay sau khi Nghị quyết số 15-NQ/TW được ban hành, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan Trung ương tổ chức nhiều hoạt động, nhiều hội nghị, tọa đàm, hội thảo khoa học cấp thành phố tiêu biểu là Hội nghị trực tuyến toàn quốc về học tập, quán triệt nghị quyết, với sự tham dự của hơn 34.000 đại biểu tham dự tại các điểm cầu.
Tiếp đó, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, xác định 4 mục đích, yêu cầu, các nhóm chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 và 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong đó chú trọng phần nội dung về tổ chức thực hiện.
Các chương trình hành động của Thành ủy Hà Nội đề ra đều có ý nghĩa đặc biệt, là cơ sở pháp lý, điều kiện quan trọng để tạo động lực phát triển Thủ đô từ nay đến năm 2030 và 2045, với định hướng lớn: Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”; xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.
Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW, công tác quy hoạch của TP. Hà Nội đã được đẩy nhanh tiến độ và nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt.
Cụ thể, sau thời gian triển khai các bước theo quy định, Thành ủy, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, khắc phục tình trạng chậm trễ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các đồ án quy hoạch. Đặc biệt là Quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn TP. Hà Nội để trình các cấp có thẩm quyền theo quy định.
Trong 7 tháng đầu năm 2023 đã thực hiện phê duyệt 13 nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Nâng tổng số nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện lên thành 14/14 nhiệm vụ. Ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng”.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, chung cư cũ, các làng nghề, hoàn thiện chương trình phát triển đô thị. Chất lượng quy hoạch được nâng cao, kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch. TP. Hà Nội tập trung đẩy nhanh thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng 5 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức và Thanh Trì thành quận (hiện HĐND Thành phố đã thông qua nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh, quận Gia Lâm và các phường trực thuộc). Rà soát, đánh giá mức độ đạt các tiêu chí thành lập phường, quận.
Trong đó, tập trung đối với tiêu chí chưa đạt, xây dựng giải pháp, cân đối nguồn lực để thực hiện đạt tiêu chí. Phê duyệt thêm 1 đồ án quy hoạch chi tiết lập mới; 2 đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết; 3 đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị.
Song song với công tác quy hoạch, việc xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị của TP. Hà Nội cũng được đẩy mạnh, công tác quản lý trật tự xây dựng được tăng cường.
Hà Nội đang bước vào những tháng cuối cùng của năm 2023. Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê TP. Hà Nội, trong 9 tháng năm 2023, Hà Nội có mức tăng trưởng GRDP tăng 6,08% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 tăng 5,81%, quý 2 tăng 5,93%, quý 3 tăng 6,49%).
Năm 2023, TP. Hà Nội hiện có 238 dự án đầu tư công đang được đầu tư xây dựng, gồm 219 dự án chuyển tiếp và 19 dự án mới. Trong đó, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực giao thông với 96 dự án, chiếm 53,1% kế hoạch vốn. Đến nay, các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn TP. Hà Nội đang nỗ lực tập trung thi công khẩn trương, bảo đảm hoàn thành các hạng mục, công trình theo kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, TP. Hà Nội cũng tập trung xây dựng, bảo đảm chất lượng và tiến độ xây dựng các dự án lớn, công trình trọng điểm có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế. Việc triển khai, đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng chính là hiện thực hóa quyết tâm khơi dậy khát vọng xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Để Thủ đô Hà Nội phát triển ngày càng “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”
Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố Hà Nội, mới đây UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 216/KH-UBND thực hiện Chương trình hành động số 25-CTr/TU ngày 16/3/2023 của Thành ủy Hà Nội. UBND thành phố thống nhất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; giao các sở, ngành hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững.
Tại Kế hoạch số 216/KH-UBND, thành phố xác định nhiều mục tiêu cụ thể. Đó là phấn đấu tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt khoảng 60%-62%, đến năm 2030 đạt khoảng 65%-75%. Tỉ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 30% vào năm 2025, phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 33%-36%. Đến năm 2025, hoàn thành 100% các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh… Đáng lưu ý, trong giai đoạn 2025-2030, Hà Nội sẽ triển khai đầu tư xây dựng 2-3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh; 3-5 đô thị có thương hiệu được công nhận ở tầm khu vực và quốc tế.
Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, trên cơ sở Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội, đồng thời căn cứ nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch được phê duyệt, Sở đã cùng với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội bước đầu rà soát, nghiên cứu. Ngay sau khi lựa chọn được vị tư vấn là Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Sở đã bàn giao, truyền đạt để đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu xây dựng định hướng.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch, để đạt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 100% các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng. Sở cũng đang nghiên cứu quy hoạch chi tiết các khu vực cải tạo, tái thiết chung cư cũ, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố…
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, chỉ tiêu của Hà Nội phù hợp với định hướng phát triển đô thị chung của cả nước, đồng thời thể hiện khát vọng của Thủ đô trong triển khai các dự án lớn, tạo đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội, phấn đấu sánh ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Để vươn tầm quốc tế, hướng tới một Thủ đô Hà Nội phát triển ngày càng “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, các tính năng của đô thị phải được xác định nổi bật, như đô thị thương mại dịch vụ, đô thị sân bay hay đô thị đại học… Từng thương hiệu đô thị phải phát huy giá trị, làm nổi bật vị thế, vai trò của Thủ đô.
Đồng quan điểm với ông Trần Ngọc Chính, ông Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội cho rằng, cần phải phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp của Thủ đô, đồng thời kết hợp với nguồn lực của trong nước và nguồn lực quốc tế. Khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô sánh ngang với Thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới. Hướng tới phát triển Hà Nội “Xanh-Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”. Đồng thời, phát triển đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp; an ninh, an toàn. Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, theo ông Lê Ngọc Anh cần phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Thủ đô Hà Nội. Trong đó, tập trung làm rõ các điểm đặc thù của Thủ đô, đặc biệt là lịch sử hình thành và phát triển, các đặc thù về văn hoá, các đặc điểm địa lý, tự nhiên, môi trường, khí hậu, nguồn nhân lực… để xác định được những tiềm năng, lợi thế riêng có của Hà Nội, đồng thời làm rõ những điểm không thuận lợi trong phát triển Thủ đô.
Bên cạnh đó, phân tích, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế – xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn, thực trạng phát triển hạ tầng kỹ thuật, quản lý và bảo vệ môi trường; góp phần đánh giá được các kết quả đã đạt được và xác định được những điểm nghẽn làm hạn chế sự phát triển của Thủ đô trong những năm qua.
Trong khi đó, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch phải thực hiện theo đúng quy trình, quy định, tuân thủ các quy định của các luật, nghị định liên quan. Trong đó, việc điều chỉnh quy hoạch phải hướng đến lợi ích, sự phát triển kinh tế – xã hội, lấy người dân làm trọng tâm, ưu tiên bảo đảm diện tích đất công cộng, cây xanh, bảo đảm đời sống tinh thần cho người dân.
Ngoài ra, việc điều chỉnh quy hoạch cũng cần tính toán để đáp ứng hạ tầng đô thị cho khu vực chứ không chạy theo lợi nhuận của nhà đầu tư. Đồng thời, phải bảo đảm việc điều chỉnh quy hoạch không làm phá vỡ quy hoạch chung, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên chịu tác động của quy hoạch đó, và phải thông báo công khai, minh bạch.
Năm 2023 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2020 – 2025 và có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô. Đây còn là năm đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Quan điểm chỉ đạo của Thành ủy năm 2023 là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố phát huy những kết quả đạt được và kinh nghiệm đã có. Các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội từ thành phố đến cơ sở phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp. Huy động cả hệ thống chính trị để tham gia thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ công tác.
Hoàn thiện công tác quy hoạch là định hướng quan trọng cho Thủ đô Hà Nội có không gian phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đó cũng là mục tiêu bao trùm được nêu tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị: Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Với sự vào cuộc đồng bộ, bài bản, sáng tạo của Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, cùng với Chương trình hành động số 16-CTr/TU Thành ủy Hà Nội được cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ, đề án cụ thể, TP. Hà Nội đang phấn đấu đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, đưa Thủ đô ngàn năm văn hiến ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Lan Anh – Báo điện tử chinhphu.vn