Bình luận về vấn đề này, GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, cần phải đổi mới nội dung giáo dục về y đức. Các giáo trình phải phân tích mối quan hệ giữa vị trí tính mạng người bệnh và lợi ích của người thầy thuốc. Trong đó, không thể không đề cập đến lợi ích của thầy thuốc, nhưng bất luận lợi ích lớn đến đâu, người thầy thuốc phải đặt tính mạng của người bệnh lên trên lợi ích của mình. Đây vừa là mục đích hành nghề vừa là điều kiện hành nghề.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, phải kết hợp giáo dục y đức và nâng cao tính chuyên nghiệp trong y học. Y đức kêu gọi đức tính hy sinh dường như không còn phù hợp nữa, thầy thuốc phải mưu sinh. “Nếu không đổi mới vấn đề giáo dục y đức mà chỉ kêu gọi tính hy sinh, không lo vấn đề mưu sinh và có sự điều hòa, sự giáo dục ấy khó đi vào lòng người”, ông nói.
Theo Giám đốc BV Chợ Rẫy Nguyễn Trường Sơn, y đức con người phần nhiều do giáo dục mà nên. Đưa vào đào tạo y đức tại bậc đại học chưa đủ, cần phải đào tạo cả cán bộ y tế trong quá trình làm việc. “Chúng tôi cho rằng, y đức tốt, y nghiệp nhuần nhuyễn trong tiếp xúc với bệnh nhân. Cả cán bộ y tế hay nhân viên bảo vệ. Giáo dục y đức đi liền với khen thưởng. Ngay tuần này, bệnh viện chúng tôi đã biểu dương hành động từ chối không nhận phong bì trước ca phẫu thuật của hai cán bộ. Bên cạnh đó cũng kỷ luật cảnh cáo và chuyển công tác khác với các cá nhân vi phạm”, ông Sơn nêu thí dụ.
Ông Sơn cũng cho rằng nên tổ chức họp hội đồng thân nhân, thực hiện các điều tra với thân nhân bệnh nhân thường kỳ về hoạt động y tế trong bệnh viện. Qua giao tiếp với người nhà và bệnh nhân, bệnh viện được đóng góp và có những giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Cũng tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thẳng thắn thừa nhận, giáo dục đạo đức nghề nghiệp có một thời gian chưa thực quyết liệt. Nếu chỉ giáo dục hô hào suông mà không gắn với thi đua thì hiệu quả không cao.
Nguồn: Nhân dân