Điều trị mất ngủ bằng cây thuốc dân gian
Mất ngủ kéo dài có thể dẫn tới suy nhược nặng, mất ngủ mạn tính làm giảm chất lượng cuộc sống, gây mệt mỏi, giảm tập trung chú ý, giảm trí nhớ, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người bệnh.
Một số bài thuốc dân gian đơn giản, dễ áp dụng tại nhà giúp người bệnh cải thiện giấc ngủ:
1. Tâm sen (Tim sen, liên tử tâm - Embryo Nelumbinis)
Tâm sen là mầm non nằm trong hạt sen, có màu xanh lục đậm. Các nghiên cứu về hoá thực vật đã nghiên cứu và chứng minh có các hoạt chất bisclaurin, betus, isoliensinine, liensinine, lotusine, motylcon, neferine, paline... Với những hoạt chất này, tâm sen có tác dụng làm giãn cơ trơn thành mạch máu giúp hạ huyết áp, ngăn ngừa rối loạn nhịp tim, ức chế ngưng tập kết tiểu cầu để chống đông máu, cải thiện thiếu máu cơ tim.
Tâm sen có vị đắng, tính hàn, giúp an thần, giảm hồi hộp lo âu, hạ huyết áp…
Cách sử dụng:
- Cách 1: Tâm sen 10g, đun với 100 ml nước sôi trong 10 - 15 phút, gan nước, uống trước khi ngủ.
- Cách 2: Tâm sen 8g, Cam thảo 6g, Đậu đen 12g, Bá tử nhân 12g, Thảo quyết minh 10g. Đun với 500ml nước, còn 300 ml uống 2 lần/ ngày.
Lưu ý: Không dùng tâm sen tươi với những người có biểu hiện sợ lạnh, tay chân lạnh, ăn uống kém, không ngon miệng…
2. Vông nem (Erythrina variegata L.)
Là phần lá đã phơi khô của cây vông nem, có tính bình, vị đắng, giúp an thần.
Cách sử dụng:
- Cách 1: Lá vông nem phơi khô tái, thái nhỏ, cho vào ấm, đun sôi uống như trà hàng ngày trước khi ngủ.
- Cách 2: Lá vông nem 16g, táo nhân sao đen 10g, tân sen sao 5g. Hãm cùng 1000 ml nước sôi, thêm 2-3 hoa nhài tươi, uống như trà hàng ngày.
- Cách 3: Lá vông nem 13g, lạc tiên 15 g, tâm sen 2g, lá dâu 10g. Đun cùng nước sôi, uống như trà hàng ngày trước khi ngủ.
3. Lạc tiên (Passiflora foetida L.)
Là phần trên mặt đất đã phơi hoặc sấy khô của cây lạc tiên, có vị ngọt, đắng nhẹ, tính mát. Công dụng an thần, giải nhiệt mát gan, điều trị các chứng suy nhược thần kinh, tim hồi hộp, ngủ hay mơ.
Cách sử dụng:
- Cách 1: Lạc tiên khô 15 g uống thay trà hàng ngày.
- Cách 2: Lạc tiên 50g, lá vông 30g, lá dâu tằm 10g, liên tâm 2g. Đun cùng 700 ml nước, sắc còn 200 ml, chia uống 2 lần/ngày.
- Cách 3: Cây lạc tiên (cả rễ, quả non, dây lá) 500g, hoa thiên lý 300 g, lá mướp đắng non 100 g. Sao khử thổ, cùng 50g đậu xanh cả vỏ rang chín, tán nhuyễn. Mỗi ngày pha 3 thìa cà phê cùng 100 ml nước sôi, uống thay trà hàng ngày.
4. Long nhãn (Arillus Longan)
Là phần cùi quả nhãn, sau khi thu hái phơi nắng, sấy khô. Trong long nhãn có: adenine, choline, glucose, sucrose (Trung dược học); pro-tein, acid tatric, chất béo, sinh tố A, B…
Long nhãn có vị ngọt, tính ôn, giúp bổ tâm tỳ, dưỡng huyết an thần, điều trị các chứng chán ăn, lo nghĩ quá mức, hay quên, hồi hộp trống ngực, mất ngủ, tự ra mồ hôi, giật mình lo sợ...
Cách sử dụng:
- Cách 1: 100g cùi nhãn tươi, đun cùng 200 ml, uống trước khi đi ngủ hàng ngày.
- Cách 2: Long nhãn 30g, hoàng kỳ 30g, phục thần 30g, mộc hương 15g, toan táo nhân 3g, nhân sâm 15g, cam thảo 8g, đương quy 3g, viễn chí 3g. Ngâm rượu càng lâu càng tốt. Mỗi ngày uống 1-2 chén con trước bữa ăn.
5. Táo nhân (Semen Ziziphi mảuitianae)
Là hạt già đã phơi hoặc sấy khô của quả táo chua (táo ta)
Thành phần hóa học có trong táo nhân có chứa các alkaloid có khả năng tác động lên hệ thần kinh, ảnh hưởng đến tâm trạng và sự thư giãn, có tác dụng kháng vi khuẩn hoặc kháng viêm. Ngoài ra, toan táo nhân còn chứa nhiều loại chất khác, bao gồm: vitamin, khoáng chất và các hợp chất khác có thể hỗ trợ sức khỏe.
Táo nhân có tính bình, vị chua, ngọt, công dụng dưỡng can, an thần, liễm hãm, sinh tâm; điều trị các chứng tim hồi hộp, hư phiền, mất ngủ, mệt mỏi, hư nhược, ra nhiều mồ hôi...
Cách sử dụng:
- Cách 1: Táo nhân sao đen 8g, cam thảo 4g, bạch linh 8g, bình vôi 8g. Sắc uống 2 lần/ngày.
- Cách 2: Táo nhân sao đen 6g, bạch linh 5g, xuyên khung 3g, tri mẫu 4g, cam thảo 2g. Đun cùng 500 ml, sắc còn 200 ml chia uống 2 lần/ ngày
6. Củ bình vôi (Ngải tượng - Stephania rotundaLour)
Trong củ bình vôi đã được chứng minh và tách chiết được hoạt chất Rotudin có tác dụng an thần, trấn tĩnh thần kinh, điều hòa tim mạch, chống co thắt cơ vành
Củ bình vôi có tính mát, vị đắng ngọt, giúp an thần, tuyên phế.
Cách sử dụng:
- Cách 1: Củ bình vôi 8g, hạt sen, long nhãn 10g, táo nhân sao 10g , lá vông 12g. Sắc uống 2 lần trước ngủ.
- Cách 2: Củ bình vôi phơi khô, dùng 3-6g đun cùng 1000 ml nước trong 20-25 phút. Uống thay trà hàng ngày.
7. Dâu tằm (Fructus Mori albae)
Là quả dâu tằm, chín đỏ của cây dâu tằm (dâu ta), có tính ôn, vị ngọt, chua nhẹ. Công dụng thanh nhiệt, tư âm, bổ huyết, nhuận trường, thông tiện; điều trị các chứng chóng mặt ù tài, mất ngủ, tim đập nhanh, miệng khát, táo bón,...
Cách sử dụng: Quả dâu tươi 60g, rửa sạch, đun cùng 500 ml nước ấm. Uống ngày 2 lần vào chiều - tối. Nếu mất ngủ lâu ngày dùng: Quả dây 15g, Thục địa 15g, Bạch thược 15g. Đun với 700 ml nước, sắc còn 200 ml, chia 2 lần/ngày.
8. Cây xấu hổ (Trinh nữ - Mimosa pudica L.)
Y học hiện đại đã nghiên cứu và chỉ ra thành phần của cây trinh nữ có rất nhiều hợp chất như mimosine, 2”-o-rhamnosylisoorientin, protein, Mimoside… Những thành phần này có khả năng kết hợp cùng với meprobamat, hexobacbital cải thiện hệ thần kinh trung ương làm việc hiệu quả hơn, giảm mệt mỏi, stress. Đồng thời, kéo dài giấc ngủ bằng cách tăng cường khả năng hoạt động với bibactal. Từ đó, giúp giấc ngủ kéo dài hơn, ngủ sâu và ngon giấc hơn.
Trinh nữ có vị chát, tính mát. Công dụng: An thần, trấn tĩnh.
Cách sử dụng:
- Cách 1: Dùng rễ cây trinh nữ rửa sạch, cắt nhỏ và phơi khô. Mang rễ cây trinh nữ phơi khô đun cùng 1 lít nước đến khi cạn còn khoảng 200ml thì tắt bếp, chia thành 2 lần uống trong ngày.
- Cách 2: Hoa trinh nữ phơi khô, dùng khoảng 1 thìa cà phê hãm với một ít nước sôi, uống trước buổi tối trước khi đi ngủ, dùng cây trinh nữ chữa mất ngủ liên tục khoảng 1 tuần để nhận thấy kết quả cải thiện giấc ngủ rõ rệt.
Ngoài ra, trong y học cổ truyền còn nhiều phương pháp giúp điều trị mất ngủ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh như: châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, cấy chỉ, tập dưỡng sinh, ngâm chân,.....
Tại Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện TWQĐ 108, các phương pháp được ứng dụng phổ biến, kết hợp điều trị rối loạn giấc ngủ bằng đông và tây y, hạn chế tối đa tác dụng không mong muốn, đưa hiệu quả cao nhất đến người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm.
BS.Nguyễn Thị Mai Phương
Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện TWQĐ 108