Hotline: +84 0777. 943. 888

Một số giải pháp phát triển cây dược liệu tại Việt Nam

02/11/2024 15:52

Những năm qua, việc chuyên canh cây dược liệu đã giúp người dân tại nhiều địa phương nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân.

Những năm qua, việc chuyên canh cây dược liệu đã giúp người dân tại nhiều địa phương nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân.

Giải pháp về cơ chế chính sách

– Áp dụng tối đa chính sách đặc thù của Trung ương về phát triển dược liệu theo Nghị định 65/2017/NĐ- CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ về chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu.

– Xây dựng và ban hành chính sách ưu đãi đối với việc trồng dược liệu như: Hỗ trợ vay vốn, cho thuê đất miễn giảm thuế, chính sách bao tiêu sản phẩm…

– Hướng dẫn, tổ chức liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng dược liệu nhằm bao tiêu sản phẩm, phát triển vùng trồng dược liệu theo quy mô hộ gia đình, hợp tác xã. Tăng cường mối liên kết 4 nhà trong sản xuất, chế biến và kinh doanh dược liệu.

– Quy hoạch vùng sản xuất dược liệu tập trung phân theo điều kiện tự nhiên khí hậu của vùng, cụ thể:

+ Vùng đồng bằng: Cà gai leo, Cỏ ngọt, Địa liền, Đinh lăng, Dâu tằm, Hoè, Hương nhu trắng, Húng quế, Náng, Nghệ, Thanh hao hoa vàng, Trinh nữ hoàng cung…

+ Vùng trung du và miền núi: Ba kích, Bồ bồ, Cà gai leo, Củ mài, Đinh lăng, Giảo cổ lam, Hy thiêm, Ích mẫu, Nghệ, Quế, Sả, Sa nhân tím, Thiên niên kiện, Trinh nữ hoàng cung…

a-va-lam-binh-16628187115551194721146

(Ảnh minh họa – Nguồn: Sức khỏe đời sống)

Giải pháp về đầu tư

– Ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và sản xuất giống cây thuốc phục vụ công tác nuôi trồng và phát triển dược liệu ở quy mô lớn; đầu tư cho công tác bảo tồn, bảo vệ và tái sinh dược liệu.

– Đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến dược liệu quy mô lớn. Nghiên cứu hình thành trung tâm kinh doanh và thu mua dược liệu tại các vùng trọng điểm xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối dược liệu.

– Huy động tối đa các nguồn lực tài chính và lồng ghép các nguồn vốn, chương trình phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn để thực hiện việc đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu đảm bảo có sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, hộ gia đình, cá nhân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển dược liệu.

Giải pháp về khoa học công nghệ

– Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nghiên cứu chọn tạo giống và kỹ thuật thâm canh cho năng suất, chất lượng cao; áp dụng công nghệ mới trong chế biến dược liệu nhằm tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và các nhu cầu khác.

– Sưu tầm, nghiên cứu, kế thừa các bài thuốc hay và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc quý của các dân tộc trong cộng đồng để điều trị bệnh.

– Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành từ khâu nuôi trồng, khai thác đến sản xuất, chế biến, sử dụng các sản phẩm dược liệu đã qua bào chế, sơ chế thành thuốc cổ truyền, vị thuốc phục vụ cho công tác khám chữa bệnh và các ngành khác (sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, công nghiệp chiết xuất).

– Tăng cường công tác nghiên cứu nguồn gen và giống dược liệu để bảo tồn khai thác nguồn gen, phát triển giống, kỹ thuật nuôi trồng, chế biến…

– Rà soát bổ sung danh mục các loài dược liệu có nguồn gốc thực vật, động vật và khoáng vật làm thuốc; xây dựng danh mục dược liệu cấm khai thác, hạn chế khai thác từ tự nhiên vì mục đích thương mại để bảo vệ bền vững nguồn quỹ gen dược liệu của tỉnh.

– Giải pháp về giống, kỹ thuật trồng trọt: Sử dụng kiến thức bản địa kết hợp với tiến bộ kỹ thuật nhân giống phù hợp với yêu cầu sinh thái, đặc điểm của từng loại cây dược liệu; xây dựng quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói bảo quản sản phẩm dược liệu có giá trị, đảm bảo chất lượng.

Giải pháp tuyên truyền, đào tạo

– Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, vận động người dân, cộng đồng khai thác hợp lý đi đôi với bảo tồn nguồn tài nguyên dược liệu nhằm hướng đến sử dụng nguồn dược liệu bền vững và bảo vệ môi trường. Đồng thời tuyên truyền về sử dụng dược liệu, thuốc, sản phẩm từ dược liệu, y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh để các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hiểu rõ và quyết tâm tổ chức thực hiện có kết quả.

– Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác dược liệu, có chính sách thu hút và phát huy nguồn nhân lực có kinh nghiệm, tri thức trong nuôi trồng, khai thác, chế biến và sử dụng dược liệu.

Công Sơn

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888