Người bị huyết áp thấp nên ăn gì?
Huyết áp thấp làm cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi cả ngày dài, thường xuyên chóng mặt, đau nhức đầu, hụt hơi, da khô nhăn hay thậm chí là rụng tóc, đau tức ngực… gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng sống hàng ngày. Để khắc phục tình trạng này, người bệnh cần đặc biệt lưu ý xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, điều độ để cải thiện và ổn định trị số huyết áp vì trên thực tế, chế độ ăn uống không khoa học khiến bệnh ngày một nghiêm trọng và khó kiểm soát hơn.
Huyết áp thấp là gì, nguyên nhân do đâu?
Huyết áp thấp là khi áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch giảm xuống thấp hơn mức bình thường. Huyết áp của một người bình thường dao động xung quanh mức 120/70 mmHg, khi giá trị này nhỏ hơn 90/60 mmHg hoặc dưới 120/70 mmHg nhưng có kèm theo các triệu chứng liên quan đến bệnh như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt,.. thì được xác định là huyết áp thấp.
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến huyết áp thấp như: thiếu dinh dưỡng kéo dài, phụ nữ bị rong kinh, stress kéo dài, do di truyền, tuổi già, bị một số bệnh gây thiếu máu như viêm loét dạ dày, viêm đại tràng, suy giáp, suy thượng thận…
Người bị huyết áp thấp nên ăn gì?
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng giúp cung cấp năng lượng, tăng cường sức khỏe và cải thiện các triệu chứng do huyết áp thấp gây ra. Dưới đây là những thực phẩm mà người huyết áp thấp nên ăn để cải thiện tình trạng bệnh:
Nên ăn nhiều thực phẩm giàu sắt, vitamin B12 và acid folic
Sắt, vitamin B12, acid folic là ba tiền chất quan trọng trong quá trình tạo máu, tham gia hình thành tế bào hồng cầu ở tủy xương, việc thiếu hụt các thành phần này có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu hoặc chất lượng máu giảm sút khiến cơ thể suy nhược, mệt mỏi và đây cũng là một nguyên nhân gây huyết áp thấp thường gặp.
Do vậy, người bệnh nên tăng cường bổ sung các chất này trong thực đơn hàng ngày, một số thực phẩm giàu sắt, acid folic và vitamin B12 như: hàu, trai, ngao, sò, cá thu, cá mòi, cá hồi, gan động vật, thịt bò, thịt gà, trứng, sữa, ngũ cốc nguyên hạt, các loại rau có màu xanh đậm, trái cây tươi,…
Nên uống nhiều nước để cân bằng huyết áp
Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh huyết áp thấp nên uống tối thiểu 2 lít nước/ngày (tương đương khoảng 10 cốc) để duy trì thể tích máu, ổn định huyết áp. Với những người thường xuyên lao động nặng, làm việc trong điều kiện thời tiết nóng bức, tập luyện thể dục, hoạt động ngoài trời, bị tiêu chảy, nôn mửa,… nên chú ý bổ sung nước thường xuyên để tránh mất nước quá mức gây hạ huyết áp đột ngột.
Nên ăn mặn hơn bình thường
Natri trong muối ăn có khả năng giữ nước để tăng lưu lượng tuần hoàn, từ đó giúp tăng huyết áp. Bác sĩ thường khuyên người bệnh huyết áp thấp nên ăn mặn hơn bình thường một chút nhưng không quá 10 – 15 mg muối/ngày. Nếu chưa quen ăn mặn có thể ăn một số sản phẩm như cháo đóng hộp, thịt hun khói, phô mai, dầu oliu…
Tuy nhiên với những người có bệnh về tim mạch hoặc bệnh thận thì không nên áp dụng phương pháp này.
Ăn nhiều trái cây, rau củ vào thực đơn hàng ngày
Trái cây và rau xanh là nguồn cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể, giúp tăng cường miễn dịch và nâng cao sức khỏe để đối phó hiệu quả với tình trạng mệt mỏi, chán ăn do huyết áp thấp. Bởi vậy, người bệnh nên ăn những thực phẩm như quả na, nho, bơ, táo, lê, hồng xiêm, các loại ra có màu xanh đậm… Đặc biệt, các loại rau củ quả giàu vitamin C như cam, chanh, bưởi, xoài… giúp hấp thu sắt tốt hơn. Nho khô và hạt hạnh nhân cũng tốt cho tuyến thượng thận, giúp điều hòa huyết áp.
Ăn bổ sung gừng trong bữa ăn
Gừng là loại gia vị rất phổ biến trong bữa ăn hàng ngày. Chúng có nhiều công dụng như kích thích tiêu hóa, giải cảm, lưu thông mạch máu… giúp thúc đẩy tăng tuần hoàn máu trong cơ thể làm tăng huyết áp, thích hợp cho những người bị huyết áp thấp. Nhưng lưu ý, không nên lạm dụng dùng quá nhiều cho một lần có thể gây đau dạ dày và rối loạn tiêu hóa. Vài lát gừng tươi, hoặc uống trà gừng mỗi ngày sẽ giúp cải thiện huyết áp thấp.
Trà cam thảo, trà húng quế tốt cho người bị huyết áp thấp
Trà cam thảo: Theo tạp chí Y khoa Anh, hoạt chất glycyrrhizinic có trong cam thảo làm tăng nồng độ của aldosterone gây co mạch, tăng giữ natri và nước để nâng chỉ số huyết áp.
Trà húng quế: Lá húng quế rất giàu kali, magiê và vitamin C giúp điều hòa huyết áp tốt, bởi vậy hãy dùng một tách trà húng quế mỗi ngày.
Thực phẩm chứa cafein làm tăng huyết áp tạm thời
Thành phần caffein có trong cà phê, trà, ca cao, socola,.. có tác dụng kích thích hệ thống tim mạch, tăng nhịp tim, nhờ đó giúp tăng huyết áp tạm thời tuy nhiên không nên quá lạm dụng, chỉ tiêu thụ một lượng nhỏ vừa phải.
Bác sĩ Thu Thủy