Hotline: +84 0777. 943. 888

Sốt xuất huyết theo y học cổ truyền

25/11/2024 21:14

Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut Dengue gây nên qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes.

Bệnh có biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sốt và xuất huyết, nặng có thể sốc, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường tăng vào các tháng mùa mưa. Ở nước ta thường hay xảy ra dịch sốt xuất huyết vào cuối mùa hè và mùa thu.

Ở Việt Nam có 2 loại muỗi Aedes gây bệnh chủ yếu là Aedes aegypti (thường ở nơi tối trong nhà) và Aedes albopictus (thường ở lùm cây). Muỗi Aedes hút máu nhiều nhất vào sáng sớm và chiều tối. Sau khi hút máu người mang virut Dengue, muỗi cái có thể truyền bệnh nếu hút máu người lành ngay sau đó hoặc virut nhân lên tại tuyến nước bọt của muỗi sau 8-10 ngày là có thể truyền bệnh. Muỗi bị nhiễm virut Dengue có thể truyền bệnh suốt vòng đời của nó (khoảng 174 ngày). Mật độ muỗi thường tăng vào mùa mưa, vì thế vào khoảng tháng 7-10 ở nước ta thường có tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết cao.

sot-xuat-huyet.png

Rối loạn sinh lý bệnh trong sốt xuất huyết Dengue

Những rối loạn sinh lý bệnh trong sốt xuất huyết Dengue bao gồm: tăng tính thấm thành mạch và rối loạn đông máu. Hai rối loạn này tác động lẫn nhau gây ra các triệu chứng lâm sàng nặng đó là sốc và xuất huyết.

Do phản ứng kháng nguyên - kháng thể, bổ thể và do virut Dengue sinh sản trong bạch cầu đơn nhân dẫn đến:

Giải phóng các chất trung gian vận mạch (anaphylatoxin, histamin, kinin, serotonin...); kích hoạt bổ thể; giải phóng thromboplastin tổ chức.

Tấtt cả những yếu tố trên dẫn đến tăng tính thấm thành mạch, dịch từ trong lòng mạch thoát ra ngoài gian bào, hậu quả là giảm khối lượng máu lưu hành. Khi thể tích tuần hoàn mất đi 10-15% cơ thể còn bù được, khi mất 20-30% sốc xảy ra, khi mất 35-40% thì không đo được huyết áp.

Rối loạn đông máu trong sốt xuất huyết Dengue là do: thành mạch bị tổn thương và tăng tính thấm; các yếu tố đông máu giảm do bị tiêu thụ vào quá trình tăng đông; suy giảm chức năng gan: do diễn biến bệnh lý cũng như do tác dụng không mong muốn của quá trình điều trị (dùng quá nhiều paracetamol). Chức năng gan suy sẽ làm giảm tổng hợp các yếu tố đông máu.

Triệu chứng sốt xuất huyết Dengue

Triệu chứng của sốt xuất huyết Dengue thể điển hình bao gồm:

Lâm sàng

Sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày.

Xuất huyết: Thường xảy ra từ ngày thứ 2, thứ 3 của bệnh dưới nhiều hình thái khác nhau:

Dấu hiệu dây thắt dương tính (+).

Xuất huyết dưới da: nốt hoặc chấm xuất huyết rải rác, thường ở mặt trước, mặt trong tay chân, bụng, mạng sườn hoặc có mảng bầm tím.

Xuất huyết ở niêm mạc: chảy máu mũi, chân răng, đôi khi xuất huyết kết mạc, tiểu tiện ra máu. Ở bệnh nhân nữ có thể thấy kinh nguyệt kéo dài hoặc kinh trước kỳ.

Nếu nặng có thể có xuất huyết nội tạng.

Gan to, đau vùng gan, có thể vàng da, rối loạn tiêu hóa.

Sốc: Do suy tuần hoàn cấp, thường xảy ra vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Có biểu hiện như vật vã, kích thích hoặc li bì, da lạnh ẩm, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp thấp hoặc huyết áp kẹt, tiểu ít.

Cận lâm sàng

Cô đặc máu do thoát huyết tương: hematocrit tăng ≥ 20% giá trị bình thường hoặc có bằng chứng của sự thoát huyết tương (protein máu giảm, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng).

Số lượng tiểu cầu giảm ≤ 100.000 tế bào/mm3.

Phân độ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt xuất huyết Dengue chia thành 4 độ:

Độ I: Sốt và dấu hiệu dây thắt dương tính  (+), không có xuất huyết tự nhiên.

Độ II: Sốt và xuất huyết tự nhiên dưới da hoặc niêm mạc.

Độ III: Như độ I, II kèm theo mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt hoặc kẹt, da lạnh, kích thích vật vã.

Độ IV: Sốc sâu, không đo được huyết áp.

Hiện tại, y học hiện đại chưa có thuốc điều trị đặc hữu, thường điều trị theo triệu chứng bệnh và hồi sức cấp cứu những trường hợp nặng.

Sốt xuất huyết Dengue theo y học cổ truyền

Sốt xuất huyết Dengue thuộc phạm vi chứng ôn dịch, thời độc của y học cổ truyền.

Bệnh do nhiệt độc gây ra. Độ I, nhiệt độc xâm nhập vào phần vệ và phần khí gây nên. Độ II, nhiệt độc truyền vào phần dinh, huyết, lạc, mạch gây nên. Độ III, IV nhiệt độc ứ kết ở phần dinh, huyết.

Y học cổ truyền điều trị tốt các trường hợp sốt xuất huyết Dengue độ I và II; độ III, IV cần có sự kết hợp với hồi sức cấp cứu của y học hiện đại.

Độ I và II

Pháp: Thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, chỉ huyết.

Phương dược:

Có thể dùng các bài thuốc cổ phương gia giảm như tang cúc ẩm, ngân kiều tán, lục nhất tán (độ I); thanh dinh thang, tê giác địa hoàng thang (độ II).

Thuốc Nam (dùng cho cả độ I, II và giai đoạn có sốt): cỏ nhọ nồi 20g, hoa hòe 20g, trắc bá diệp (sao đen) 20g, kim ngân hoa 20g, liên kiều 12g, lá tre tươi 12g, rễ cỏ tranh 16g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần, sau ăn (trẻ em 1-5 tuổi dùng liều bằng 1/3 người lớn, 6-13 tuổi bằng 1/2 người lớn). Dùng tối đa 3 ngày, ngừng khi bệnh nhân hết sốt. Sau đó, chỉ cần uống cỏ nhọ nồi sao đen, trắc bách diệp sao đen, hoa hòe sao đen mỗi vị 20g. Có thể kết hợp thêm bột địa long (đã qua bào chế) 6-8g mỗi ngày, chia 2 lần.

Nếu không có đủ các vị thuốc trên, ngay ngày đầu đang sốt cao có thể dùng 40g cỏ nhọ nồi tươi rửa sạch, giã, uống, ngày thứ 3 khi hạ sốt thì sao đen tồn tính cỏ nhọ nồi sắc uống.

Châm cứu: Giai đoạn này châm cứu rất quan trọng, nếu châm đúng huyệt và đúng kỹ thuật thì sau 1 ngày có thể thấy xuất huyết nhẹ dưới da, 3 ngày khỏi bệnh. Châm tả các huyệt: khúc trì, hợp cốc, nội đình, đại chùy...

Bài thuốc trên có thể dùng để phòng bệnh cho người chưa mắc bệnh sống trong vùng dịch, nên uống từ 7-10 ngày.

Giai đoạn hết sốt, có sốc do giảm lưu lượng tuần hoàn, trụy mạch (độ III, IV)

Pháp: Bổ khí, sinh tân

Phương dược: Sinh mạch tán: Nhân sâm 12g; mạch môn 10g; ngũ vị tử 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Nếu bệnh nhân bị trụy mạch cần kết hợp y học hiện đại: truyền dịch, trợ tim mạch, truyền tiểu cầu, truyền máu...

Châm cứu: Cứu hoặc ôn châm các huyệt: quan nguyên, khí hải, nội quan, túc tam lý.

Giai đoạn phục hồi

Giai đoạn này bệnh nhân hết sốt, nốt xuất huyết mờ dần, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, ăn ngủ kém, đại tiện lỏng nát.

Pháp: Tư âm, bổ khí huyết.

Phương dược: Có thể dùng các bài thuốc cổ phương gia giảm như: Bổ trung ích khí, Bát trân thang, Thập toàn đại bổ, Quy tỳ thang... tùy vào chứng cụ thể mà lựa chọn và gia giảm cho thích hợp.

Châm cứu: Châm bổ các huyệt: thận du, cách du, tỳ du, túc tam lý, tam âm giao.

Phòng bệnh

Thực hiện theo Quyết định số 1266/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn giám sát và phòng chống sốt Dengue và sốt xuất huyết Dengue”.

Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, biện pháp phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát trung gian truyền bệnh như tránh muỗi đốt, diệt bọ gậy, diệt muỗi trưởng thành, vệ sinh môi trường loại bỏ ổ chứa nước đọng.

Tiến sĩ - Lương y Phùng Tuấn Giang 

Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y Dược cổ truyền Việt Nam