Hotline: +84 0777. 943. 888

Bé sợ khám nha sĩ, phải làm sao?

02/11/2024 15:36

Mỗi lần dẫn con đi khám răng, con cứ đòi về hay không chịu hợp tác với nha sĩ? Đây là nỗi sợ nha sĩ phổ biến ở trẻ. Lời khuyên của BS Nguyễn Thị Thảo Uyên bạn có thể vượt qua điều này dễ dàng.

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên
BS Nguyễn Thị Thảo Uyên

Mỗi lần dẫn con đi khám răng, con cứ đòi về hay không chịu hợp tác với nha sĩ? Đây là nỗi sợ nha sĩ phổ biến ở trẻ. Lời khuyên của BS Nguyễn Thị Thảo Uyên bạn có thể vượt qua điều này dễ dàng.

Nguyễn Luyến – nguyenluyen8…@gmail.com

Bé nhà em được 28 tháng tuổi, mấy ngày nay bé có biểu hiện đau răng. Cụ thể là khi ăn có lúc chạm phải chỗ đau bé kêu đau. Hôm nay bên hàm chỗ răng đau đó của bé bị sưng nên và kèm theo sốt.

Vì con nhỏ quá nên em không biết dùng thuốc nào cho bé và cũng không thể giữ bé nằm yên cho bác sĩ khám vì bé rất sợ đến bác sĩ. Hy vọng sớm nhận được câu trả lời của chuyên viên, em cảm ơn!

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Bạn thân mến,

Răng sưng đau kèm sốt có thể là biểu hiện của một nhiễm trùng do răng hoặc viêm nướu giai đoạn cấp tính… Bé còn nhỏ nên tâm lý sợ hãi khi tiếp xúc với bác sĩ, do vậy bạn cần chuẩn bị trước tâm lý cho bé ở nhà như xem clip hoạt hình khám răng hoặc có thể cho bé đứng nhìn các bạn khác khám trước khi cho bé lên ghế nha, điều này rất hữu ích cho việc điều trị sau này, bé hợp tác với bác sĩ  hơn.

Bạn nên đưa bé đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa răng trẻ em vì ở đây có khu vực trang trí riêng, gần gũi với các bé, chưa kể có nhiều bạn nhỏ cũng đi khám răng sẽ giúp bé quên đi nỗi sợ hãi. Không nên tự ý mua thuốc vì sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ của bé sau này và chưa kể điều trị không đúng bệnh.

Thân mến!

Bé sợ khám nha sĩ, phải làm sao?

Mất răng lâu năm nhưng không trồng lại, có ảnh hưởng khuôn mặt?

Phạm Sika – gatasan…@gmail.com

Con năm nay 15 tuổi, răng trái hàm dưới mất răng hàm giữa gần 2 năm, 2 răng kế bắt đầu ngã vô. Vậy có thể đợi đến 18 tuổi trồng răng implant thì có ảnh hưởng gì không? Nó có ảnh hưởng tới vị trí 2 bên và khuôn mặt? Răng hàm bên phải hàm dưới của con đang bị sâu, một lỗ to hiện đang hơi nhức nhẹ, chưa đi nhổ. Có nên nhổ không ạ? Trám răng có đau không bác sĩ? Con cảm ơn ơn.

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Chào bạn,

Đối với trường hợp mất răng lâu ngày, hai răng kế cận có xu hướng di chuyển nghiêng vào vi trí mất răng. Do đó khi cần trồng lại răng vùng mất có thể phải mài chỉnh hoặc can thiệp chỉnh nha để dựng trục răng thẳng. Chính vì vậy bạn nên đi khám sớm, nếu được thì can thiệp giữ khoảng.

Còn đối với răng sâu lớn, để đưa ra quyết định nhổ hay không cần phải khám kiểm tra trên lâm sàng và chụp phim x-quang đánh giá tình trạng mô răng, sang thương, có nhiễm trùng chóp hay không…

Thông thường đối với răng sâu vỡ lớn, mô răng trên nướu, nhiễm trùng không lớn thì nên chữa tuỷ giữ lại, sau đó tái tạo phục hình sứ lên trên. Chỉ nhổ khi nhiễm trùng nặng, vỡ sâu dưới nướu.

Thân mến!

Thời gian buộc hàm cố định sau phẫu thuật gãy xương cằm?

Phan Văn Lành – kidkhum…@gmail.com

Chào bác sĩ, em bị gãy xương cằm và lồi cầu trái phải, hiện đã phẫu thuật và niềng răng lại để cố định xương cằm. Em muốn hỏi là phải niềng và buộc thun bao lâu thì em mới tháo được ạ? Vì niềng và buộc thun nên răng em không mở ra được, phải ăn cháo loãng xay nhuyễn như nước. Khi nào thì có thể ăn uống được bình thường ạ?

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Bạn thân mến,

Thời gian buộc hàm cố định thường kéo dài từ 3-6 tuần tùy vào từng trường hợp. Trong điều trị bảo tồn không can thiệp phẫu thuật, nếu gãy 1 bên hoặc 2 bên lồi cầu xương hàm nhưng khớp cắn đúng, không di lệch thì thời gian buộc hàm ngắn hơn, có thể sau 2 tuần tập vận động hàm bằng thun liên hàm, tập há ngậm bản lề.

Trường hợp gãy di lệch thì cần nắn về vị trí cũ, nâng khớp, cố định ít nhất 4 tuần. Ăn uống mềm (sinh tố) bơm qua vùng có răng mất hoặc tam giác hậu hàm hai bên. Thức ăn nên giàu canxi, protein.

Thân mến!

Mặt không đều do thói quen nhai một bên, niềng răng có cải thiện?

Trần Lê Huyền Trân – su1011…@gmail.com

Bác sĩ ơi con năm năm 17 tuổi mà do nhai bên trái từ bé tới lớn vì bên phải sâu 1 răng chỉ còn chân nên giờ má trái to hơn má phải, xương cũng to hơn, lúc sờ có thể thấy rõ, lúc chụp hình cũng vậy. Giờ con có thể phẫu thuật thẩm mỹ hay niềng răng trong suốt không, nếu có thì cái nào làm trước?

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Chào bạn,

Thói quen nhai một bên hàm lâu ngày dễ dẫn tới cơ xương phát triển không đều, bên cạnh đó còn ảnh hưởng tới khớp cắn, khớp thái dương hàm, mòn răng quá mức…

Trường hợp của bạn cần phải thăm khám trực tiếp và xem cấu trúc xương – răng trên phim thì mới có thể đưa ra hướng điều trị như thế nào, chỉnh nha, phẫu thuật hay kết hợp cả hai. Do vậy tốt nhất bạn nên đi đến bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt để khám sớm.

Thân mến!

Sưng chân răng, tụ mủ sau cắm implant, vì sao?

Quyên Nghiêm – ngocquyen…@gmail.com

Bác sĩ cho cháu hỏi là, cháu mới làm răng bằng phương pháp cấy implant. Nhưng rồi mới gắn trụ ở răng thì cháu phát hiện là nó bị viêm nhiễm ạ. Cháu có đi kiểm tra, sau đó chỗ cháu làm răng đã tháo bỏ implant rồi nói khoảng 3 tháng sau mới làm lại được ạ. Nhưng 2 hôm nay cháu thấy chỗ làm răng nó có bị sưng lên to nhưng lại mềm và hình như có mủ ạ. Cháu không biết có ảnh hưởng gì không. Bác sĩ có thể tư vấn giúp cháu được không ạ? Mong bác sĩ phản hồi, cháu cảm ơn bác sĩ nhiều ạ.

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Chào bạn,

Nếu sau khi tháo trụ implant bạn thấy nơi tháo sưng, có mủ thì bắt buộc bạn phải đến bệnh viện khám kiểm tra, tránh tình trạng nhiễm trùng lan rộng, ảnh hưởng sức khoẻ toàn thân cũng như sự lành thương xương chuẩn bị cho việc cấy ghép trở lại.

Thân mến!

Trẻ mấy tuổi được chỉnh nha?

Lê Thị Thùy Trang – thuytang…@gmail.com

Con của em 5 tuổi, bị hô hàm, bác sĩ ở Vĩnh Long nói bé bị hàm dưới phát triển không đều, BS nói điều trị bằng cách mỗi ngày đeo ở hàm dưới 2 tiếng với giá 4 triệu. Em tưởng rằng đợi khi nào bé thay hết răng mới đi khám nhưng BS nói càng sớm càng tốt. Em dự định lên thành phố khám, vậy bé 5 tuổi có chỉnh hàm như BS ở Vĩnh Long nói được chưa để em lên bệnh viện khám? Em cảm ơn.

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Bạn Thùy Trang thân mến,

Thông thường độ tuổi để bắt đầu chỉnh nha là 7 tuổi trở lên, khi bé đã mọc chiếc răng vĩnh viễn đầu tiên. Tuy nhiên tuỳ từng trường hợp cụ thể mà có thể điều trị sớm hơn. Do vậy tốt nhất bạn vẫn nên đưa bé lên Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương tại TPHCM để khám kiểm tra và lên kế hoạch điều trị thích hợp.

Chảy máu và mủ ở chân răng sau sinh, khắc phục cách nào?

Nguyetnga – nguyetnga…@gmail.com

Khi có bầu chân răng em hay bị chảy máu và có mủ, mọi người nói do có bầu nên bị, nhưng giờ sinh 2 tháng rồi mà chưa hết, giờ em phải làm sao thưa bác sĩ?

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Chào bạn,

Khi mang thai, nướu dễ bị sưng, chảy máu do viêm nướu thai kỳ, sau khi sinh triệu chứng này sẽ giảm. Tuy nhiên, răng bạn ngoài viêm, chảy máu còn chảy mủ thì đây là dấu hiệu của một nhiễm trùng từ răng hoặc mô quanh răng. Do đó, tốt nhất bạn nên đi khám, chụp phim kiểm tra để bác sĩ chẩn đoán đưa ra kết quả chính xác và hướng điều trị hợp lý.

Thân mến,

Mọc mụn trên lợi, bệnh gì?

Trịnh Thị Mai – vinhdr…@gmail.com

Mẹ em mọc mụn u trên lợi hàm trên gần răng cửa có mủ và chảy máu, đau nhưng dùng thuốc anpha becagyl và alpha chymotrypsin thấy không đau nhưng không hết mụn này, liệu mẹ em bị gì ạ bác sĩ?

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Chào bạn,

Theo mô tả thì có thể mẹ bạn bị một nhiễm trùng từ răng hoặc mô quanh răng. Do vậy điều trị bằng thuốc chỉ giảm triệu chứng cấp tính như sưng – nóng – đỏ – đau, chứ không thể làm mất đi lỗ dò abcess hoặc sau khi uống thuốc triệu chứng sưng tái phát trở lại. Bạn nên dẫn mẹ đến gặp bác sĩ để khám và điều trị triệt để. Nếu là nhiễm trùng từ răng thì có thể chữa tuỷ giữ lại răng hoặc nhổ bỏ, còn từ mô quanh răng thì điều trị nha chu bạn nhé!

Nhổ răng có ảnh hưởng thần kinh?

Luong Nguyen – nguyenluongne…@gmail.com

Chào bác sĩ,

Tôi ở dưới Hải phòng nên trước khi đi khám tôi muốn nhờ bác sĩ tư vấn giúp ạ.

Cách đây hơn chục năm tôi bị tai nạn và răng hàm của tôi bị vỡ. Nhưng những chiếc răng này không vỡ hay gãy ngang mà vỡ dọc mất 1 nửa răng. Do không có điều kiện nên tôi cũng chưa làm hết được răng giả nên hiện nay tôi còn 2 chiếc răng bên phải đã bị ăn rỗng chân. Tôi muốn điều trị nhưng lại sợ không biết có ảnh hưởng gì tới thần kinh không. Rất mong BS tư vấn cách điều trị và kinh phí.

Nhổ răng hầu như không ảnh hưởng tới thần kinh, trừ những trường hợp nhổ răng khôn ngầm hàm dưới sát ống thần kinh

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Chào bạn,

Theo mô tả của bạn thì những chiếc răng này đã mục và sâu rỗng nên phần lớn khả năng là phải nhổ bỏ. Nhổ răng là một thủ thuật ít gây biến chứng và hầu như không ảnh hưởng tới thần kinh, trừ những trường hợp nhổ răng khôn ngầm hàm dưới sát ống thần kinh.

Đối với trường hợp này thì sau khi chụp phim khảo sát, bác sĩ sẽ thông báo trước những biến chứng có thể xảy ra cho người bệnh nên bạn có thể yên tâm điều trị. Nếu có BHYT bạn có thể dùng để chi trả cho phần nhổ, thông thường phí khoảng 200-500.000 đồng.

Thân mến!

Quy trình chữa tủy cho trẻ diễn ra thế nào?

Tuấn Vũ – attama…@gmail.com

Chào bác sĩ,

Cháu nhà em năm nay được 2 tuổi. Răng cháu bị mòn dần từ nhỉ, hai răng cửa còn vị nút gãy một phần. Cách đây 5 hôm, nướu trên răng của cháu có mộc một mụn, ép vào ra máu và dịch.

Em cho con đi khám ở Răng Hàm Mặt Trung ương. Các bác sĩ có tiến hành khoan vào hai răng cửa trên của cháu và hẹn 2 hôm sau đến điều trị tủy và vôi khoáng. Hai hôm sau em đưa cháu đến điều trị tủy. Bác sĩ không khoan thêm mà cầm một cái kim như kiểu mũi khoan nhỏ chọc sâu vào lỗ khoan trước và moi ra dịch, rồi bơm dung dịch gì đó trong xi lanh vào.

BS làm một hai lần như vậy rồi cho bông cuộn vào thấm. Sau đó nhét bộ răng vào rồi sắp thêm gì đó màu ngà ra ngoài. Cuối cùng bôi khoáng. Do bệnh viện đông nên em cũng không hỏi kỹ được bác sĩ.

Về nhà mới thấy có vài thắc mắc. Em muốn hỏi thêm là việc điều trị tủy của bé như vậy có gây biến chứng gì không ạ vì bé còn nhỏ quá. Với cả em thấy điều trị tủy còn phải chụp xquang để đánh giá nhưng bé nhà em thì không thấy chụp. Bác sĩ có hẹn là 3 tháng sau đi kiểm tra lại. Vậy trong thòi gian đó em có cần chú ý gì cho bé không ạ? Mong bác sĩ giải đáp giúp em ạ. Cám ơn bác sĩ ạ.

Thông tin thêm: Cháu nhà em thì không bú sữa ngoài, toàn bú mẹ, trước cháu hay bú đêm lắm. Cháu giờ cũng chưa ăn cơm mà toàn ăn cháo xay nhuyễn thôi ạ. Cháu cũng chưa biết đánh răng, với khó tính nên khi cháu ngủ mới dùng tăm bông vệ sinh răng băng muối sinh lý cho cháu được thôi.

Việc điều trị tủy không gây biến chứng, đây là phương pháp điều trị giúp giữ lại răng, đảm bảo chức năng ăn nhai, tránh việc nhổ gây lệch lạc khớp cắn

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Chào bạn,

Các bác sĩ ở bệnh viện đang làm theo đúng quy trình chữa tủy. Bé nhà mình bị sâu chết tủy dẫn đến nhiễm trùng chóp gây abcess nướu mặt ngoài răng (dạng mụn mủ và máu). Đối với trường hợp này cần phải khoan mở tủy nhằm tạo đường thoát cho mủ và giảm áp trong răng, sau đó mới lấy sạch tủy.

Cái kim bạn miêu tả là trâm nội nha dùng làm sạch ống tủy, còn dung dịch trong xi lanh được gọi là nước bơm rửa để loại bỏ chất dơ bên trong ống tuỷ ra ngoài, sau mỗi lần sửa soạn ống tuỷ sẽ băng thuốc để ống tuỷ khô dịch, kích thích lành thương. Đến khi abcess xẹp, răng không đau, ống tủy khô thì bác sĩ sẽ trám bít lại răng.

Việc điều trị tủy không gây biến chứng, đây là phương pháp điều trị giúp giữ lại răng, đảm bảo chức năng ăn nhai, tránh việc nhổ gây lệch lạc khớp cắn. Tùy vào tình hình thực tế khi thăm khám mà bác sĩ sẽ quyết định việc chụp phim x-quang. Sau khi điều trị tủy bạn chỉ chú ý vệ sinh răng miệng cho bé và hạn chế việc cắn vật cứng. Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ bạn nhé!

Thân mến !

Lồi xương hàm dưới có nguy hiểm, làm sao cải thiện?

Phạm Văn Thành – thanhphamn…@gmail.com

Cháu chào BS, chúc Bác Sĩ ngày mới tốt lành. Hiện tại cháu có hai cục xưng dưới chân răng. Cháu không biết bị vấn đề gì, BS góp ý cho cháu nhé. Cháu được BS nói là bệnh “lồi xương hàm dưới. Vậy bệnh có biến chứng hay có phương án nào cải thiện thì tư vấn giúp cháu ạ. Cháu xin cảm ơn!

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Chào bạn,

Lồi xương hàm dưới là một biểu hiện sinh lý bình thường, không được xem là bệnh. Vị trí thường gặp ở mặt trong vùng răng cối nhỏ, đa số đối xứng ở cả hai bên. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc torus hàm dưới chiếm 3,6% dân số, nam nhiều hơn nữ chiếm 4,8% so với nữ là 3%. Các trường hợp lồi xương thông thường không cần điều trị, trừ trường hợp lồi xương lớn, gây khó khăn cho việc làm hàm giả, gây vướng khó chịu cho bệnh nhân thì có thể tiến hành phẫu thuật làm nhỏ.

Thân mến!

Răng giả làm đau nhức đầu lưỡi?

Nguyễn Văn Trường – vantruong…@gmail.com

Chào BS, cách đây 8 tháng em có đi làm 5 cái răng, 2 răng cửa và 3 răng bên cạnh, sau khi làm xong thì bị cấn nên bác sĩ mài mặt trong của răng, mài xong thì răng lòi lớp sườn răng sườn nên khi đầu lưỡi chạm vào răng có cảm giác nhám nhám. 2 tháng sau em thấy có dấu hiệu bất thường nên đi khám BS kết luận là bị viêm loét đầu lưỡi.

BS cho thuốc về uống, uống có dấu hiệu giảm bớt rất nhiều, đi khám lại BS cho thêm 1 lần thuốc uống nữa rồi nói là lần sau không phải đi khám nữa. Nhưng được 3 – 4 ngày sau nó lại bị, em lại đi khám chỗ khác BS kết luận là bị viêm gai lưỡi xong cho thuốc uống thì cũng giảm, xong hết thuốc ít ngày sau nó lại bị lại. Dạo gần đây có cảm giác đau và nhức nơi đầu lưỡi, xuất hiện 1 vết trắng nơi đầu lưỡi rất nhỏ xong đó lan rộng ra, sau 2 – 3 ngày nó lại tự hết nhưng vẫn còn cảm giác hơi đau, và nó cứ thế lặp lại. Em đi khám B cũng kết luận là bị viêm gai lưỡi nữa.

BS nha khoa mài cấn bên mặt trong răng nó chỉ có cảm giác nhám nhám khi lưỡi chạm vào thôi ạ. Cho em hỏi là có phải do cái răng giả của em là nguyên nhân làm cho lưỡi của em bị như vậy không? Em có phải đi làm lại răng không BS? Đầu lưỡi của em khi ngủ dậy thấy in hình mấy cái răng.

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Chào bạn,

Viêm lưỡi là tình trạng lưỡi bị sưng, đỏ, đau hay nhạy cảm, thay đổi màu sắc của lưỡi, mất gai, nhú lưỡi, cảm giác châm chích… Nguyên nhân do dị ứng, virus, nấm, thiếu sắt, chấn thương.

Theo như mô tả của bạn thì có thể do bạn quá nhạy cảm với phần lộ kim loại trên bề mặt răng sứ, lưỡi thường xuyên đưa lên vị trí đã mài nên dễ tạo ra kích thích gây viêm lưỡi  (một dạng chấn thương lưỡi). Tốt nhất bạn nên đến bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt để khám kiểm tra chính xác, nếu cần thiết có thể đánh bóng phần bề mặt răng nhám hoặc thay mới. (Nguồn alobacsi.com)

Thân mến!