Sáng ngày 9/4/2024, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học “Bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam – Nguyên nhân và khuyến nghị các giải pháp phòng chống”.
Bệnh không lây nhiễm (NCDs) là bệnh không lây, nó phát triển chậm, lâu dài, âm thầm nhưng có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người. Tại Việt Nam, bên cạnh thừa cân béo phì (TCBP), còn tồn tại các bệnh không lây nhiễm khác có tỷ lệ mắc phổ biến hơn và gánh nặng bệnh tật lớn hơn thừa cân béo phì, như tim mạch, huyết áp, ung thư, tiểu đường, phổi tắc nghẽn mãn tính… Những loại bệnh này diễn ra dai dẳng, nhưng hàng năm cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người trên thế giới và Việt Nam, Vì thế NCDs đang là mối quan tâm, ưu tiên của ngành y tế, nói riêng và chính phủ, nói chung.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo khoa học “Bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam – Nguyên nhân và khuyến nghị các giải pháp phòng chống”, các diễn giả đã cung cấp những thông tin bổ ích về một số bệnh không lây nhiễm phổ biến ở Việt Nam, cho thấy nguyên nhân phát sinh các bệnh này rất đa dạng. Đây là cơ sở quan trọng để đưa ra những khuyến nghị, giải pháp tầm soát các căn bệnh này.
Tham dự Hội thảo, về phía Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (GDCSSKCĐ) có sự hiện diện của các Phó Chủ tịch Hội: PGS.TS. Nguyễn Thị Chính; TS. Vương Văn Việt, Tổng Biên tập Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng; Ông Vũ Việt Anh. GS.TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế), Viện trưởng Viện nghiên cứu sức khỏe người cao tuổi và y tế cộng đồng; Đại tá Tạ Quang Vinh, Tổng Thư ký Hội; Cùng các ủy viên, trưởng ban, nhà khoa học Hội GDCSSKCĐ Việt Nam.
Về phía các hiệp hội và cơ quan chuyên môn, có GS.TS. Phan Thị Kim, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục an toàn vệ sinh thực phẩm; Ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội kế toán và kiểm toán Việt Nam.
Về phía các cơ quan nhà nước có sự hiện diện của đại diện Ủy ban Quốc hội; Ủy ban Tài chính ngân sách; Ủy ban Hiệp hội các vấn đề xã hội; Bộ Tư pháp; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Quốc phòng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Y tế; Bộ Công thương và rất nhiều các bộ, ngành liên quan.
Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện các hiệp hội và các cơ quan chuyên môn: Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng; Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam; Hiệp hội bia – rượu – nước giải khát; Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam; Viện chiến lược và chính sách y tế; Viện nghiên cứu sức khỏe người cao tuổi và y tế cộng đồng; Viện Dinh dưỡng quốc gia; Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Quân y 103; Viện Đông y Hà Nội; Viện nghiên cứu sức khỏe; Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam;…
Rất nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm
Phát biểu khai mạc Hội thảo, theo PGS.TS. Nguyễn Thị Chính, Phó Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam, có rất nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm, từ tác nhân sinh học, môi trường và các yếu tố đến từ việc sử dụng thuốc lá, chế độ sinh hoạt ít vận động thể chất và ăn uống không cân bằng. Tất cả các nguyên nhân này cần phải đánh giá đầy đủ, khách quan và khoa học để tìm kiếm các giải pháp phòng chống hiệu quả. Lối sống lười vận động cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng hình thành nên các bệnh không lây nhiễm. Thực tế, theo Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, Việt Nam là một trong 10 nước mà người dân lười vận động nhất trên thế giới.
PGS.TS. Nguyễn Thị Chính, Phó Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Cũng chính vì vậy, để góp phần hạn chế phần nào bệnh không lây nhiễm, trong nhiều năm qua, Hội GDCSSKCĐ Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo, sự kiện giới thiệu về tác dụng của dược liệu, những phương pháp đông tây y kết hợp, luyện tập dưỡng sinh kinh lạc, dưỡng sinh tâm thể, thái cực trường sinh, văn hóa thể dục thể thao, chiến lược chăm sóc sức khỏe chủ động của bản thân và cộng đồng. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe góp phần giảm thiểu các bệnh không lây nhiễm giúp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Do đó, qua buổi hội thảo này, Hội GDCSSKCĐ Việt Nam mong muốn các quí vị đại biểu hãy thẳng thắn nhìn nhận những giải pháp để hạn chế những căn bệnh này ở Việt Nam nhằm có chính sách, pháp luật và biện pháp phòng tránh các căn bệnh không lây nhiễm này một cách hiệu quả hơn góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong để tăng tuổi thọ con người.
PGS.TS. Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
Cho rằng chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý gây ảnh hưởng đến việc gia tăng các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng như béo phì, đái tháo đường, cao huyết áp, các bệnh tim mạch và ung thư, PGS.TS. Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội nhận định: “Người dân Việt Nam đang có xu hướng gia tăng tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều giá trị dinh dưỡng và chất béo (các loại thực phẩm chế biến đóng gói sẵn, thức ăn nhanh, thực phẩm ở cửa hàng tiện lợi, thực phẩm đường phố giàu năng lượng và chất béo…). Do đó, khiến tỉ lệ người mắc bệnh không lây nhiễm cũng gia tăng”.
BS. Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia báo cáo tham luận tại Hội thảo
Trước thực trạng bệnh không lây nhiễm có xu hướng gia tăng, BS. Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, việc phòng, chống các bệnh không lây nhiễm là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của mỗi người dân, trong đó các cấp chính quyền trực tiếp chỉ đạo, ngành Y tế là nòng cốt. Ngoài ra, có thể kiểm soát các nguy cơ gây bệnh như hút thuốc lá, lạm dụng đồ uống có cồn, dinh dưỡng không hợp lý, thực phẩm không an toàn, thiếu hoạt động thể lực, cùng với chủ động giám sát, phát hiện bệnh sớm, điều trị, quản lý liên tục và lâu dài.
Giải pháp để phòng, chống các bệnh không lây nhiễm là gì?
Xuất phát từ những nguyên nhân liên quan đến các bệnh không lây nhiễm, tại Hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra một số giải pháp như sau:
Một là, tuyên truyền và giáo dục về dinh dưỡng, cụ thể, cần đưa nội dung về dinh dưỡng và hướng dẫn về khẩu phần ăn lành mạnh trong các chương trình giáo dục học đường, để học sinh có ý thức về ăn, uống lành mạnh. Đồng thời, các trường học cần có các chương trình tuyên truyền, hướng dẫn các phụ huynh về khẩu phần ăn cân bằng cho các con và hạn chế các loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe. Ví dụ, khi mua và chế biến thực phẩm cần giảm bớt các chất béo, đường và muối, để tạo nên thói quen ăn lành mạnh ở cả trường học và gia đình.
Hai là, khuyến khích các hoạt động và phong trào luyện tập thể dục, thể thao. Các cơ quan, công sở, trường học cần có những chế độ khuyến khích các hoạt động thể chất như đi bộ, chạy, tập thể dục thể thao. Cần tuyên truyền, giáo dục nhiều hơn, đặc biệt là đối với các phụ huynh học sinh về sự cần thiết phải có các hoạt động thể lực và hạn chế thời gian ngồi màn hình máy tính hay điện thoại của các con.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Ba là, các cơ quan quản lý thị trường và an toàn thực phẩm cần giám sát và quản lý việc thực hiện dán nhãn dinh dưỡng một cách chặt chẽ. Các loại thực phẩm đều phải có nhãn dinh dưỡng với các nội dung theo qui định mới được lưu hành trên thị trường.
Bốn là, quản lý chặt chẽ và giới hạn các loại thực phẩm, đồ uống đường phố hiện đang không đảm bảo về dinh dưỡng và vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Từ những báo cáo tham luận vô cùng chi tiết của các chuyên gia, Hội GDCSSKCĐ Việt Nam tin tưởng rằng, các thông tin cung cấp tại Hội thảo, cũng như các ý kiến chuyên gia trong quá trình thảo luận sẽ là một nguồn tham khảo bổ ích trong việc xem xét và đề xuất các giải pháp phòng chống các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam. Hội cũng hy vọng rằng, những cơ quan hoạch định chính sách sẽ dựa trên các thông tin khoa học, đầy đủ tại Hội thảo, để đề xuất các giải pháp đúng đắn và phù hợp.
Thu Trang