Bệnh nhân suy tuyến thượng thận có cần xét nghiệm Cortisol máu vào 20h tối không? Có cần điều trị corticoid cho bệnh nhân sau mổ cắt tuyến thượng thận không?…Đó là những câu hỏi mà rất nhiều bệnh nhân suy tuyến thượng thận quan tâm.
TS.BS. Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai sẽ giải đáp những thắc mắc trên.
Khi nào cần xét nghiệm Cortisol máu lúc 20h tối?
Chúng ta đã biết tuyến thượng thận tiết ra Cortisol theo nhịp ngày đêm (Circadian Rhythm), cao vào khoảng 5-8 sáng, và thấp vào buổi tối và đêm. Những người bị cường tiết cortisol (ví dụ Hội chứng Cushing) sẽ có tăng tiết cortisol cả ngày lẫn đêm, gọi là mất nhịp ngày đêm. Vì vậy, xét nghiệm thấy Cortisol máu vào tầm 20h-23h tối mà cao (> 200 nmol/L) thì nhiều khả năng (nhưng không chắc chắn) người đó bị bệnh cường tiết cortisol hay có thể gọi là cường năng tuyến thượng thận.
Ngược lại, ở những người bị suy thượng thận, nhất là người đã có triệu chứng, mà xét nghiệm cortisol máu 7 – 8h sáng đã rất thấp (< 50 nmol/L) rồi thì chắc chắn là buổi tối cũng sẽ thấp, hoặc không tăng. Vì vậy xét nghiệm cortisol buổi tối là không cần thiết khi nghi ngờ BN có suy thượng thận.
Ngoài ra cũng cần lưu ý giá trị xét nghiệm cortisol máu kém hơn cortisol niệu, và cần làm cả cặp cortisol và ACTH máu sẽ có ý nghĩa hơn.
Có cần điều trị corticoid cho bệnh nhân sau mổ cắt tuyến thượng thận?
Nhiều bệnh nhân sau mổ cắt tuyến thượng thận 1 bên sẽ được các phẫu thuật viên cho dùng corticoid đường tĩnh mạch để đề phòng bị suy thượng thận. Câu hỏi đặt ra là có nhiều loại u thượng thận khác nhau, vậy thì những BN sau cắt tuyến thượng thận nào có nguy cơ suy thượng thận, và thời gian dùng corticoid kéo dài bao lâu?
Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng Test Synacthene (cosyntropin) vào ngày 1 sau phẫu thuật có thể giúp xác định những bệnh nhân có nguy cơ suy thượng thận sau cắt tuyến thượng thận một bên. Các thầy thuốc tại Trường Đại học Wisconsin – Hoa Kỳ đã tiến hành đánh giá trên 108 BN có cắt tuyến thượng thận 1 bên từ tháng 9/2014 đến tháng 10/2020, gồm 47 BN có tăng tiết cortisol tự chủ nhẹ (MACE), 27 BN hội chứng Cushing rõ, 22 BN hội chứng Conn và 12 BN bị cả hội chứng Cushing và Conn.
Kết quả: Có 51 BN (47%) có kết quả test Synacthene bất thường; và 54 BN (50%) được cho dùng corticoid lúc ra viện. Trong số này, thời gian dùng corticoid ở 27 BN tăng tiết cortisol tự chủ nhẹ là 2,1 tháng, ở 20 BN Cushing rõ là 6 tháng, ở 1 BN hội chứng Conn là 1 tháng và ở 6 BN bị cả hội chứng Cushing và Conn là 0,8 tháng. Đáng chú ý là 7 BN Cushing rõ (26%) và 20 BN tăng tiết cortisol tự chủ nhẹ (43%) không cần dùng corticoid khi ra viện. Nhưng cũng có 2 BN Cushing rõ có kết quả test Synacthene ngày 1 sau mổ là bình thường nhưng lại xuất hiện suy thượng thận vài tuần sau phẫu thuật. Tất cả các trường hợp suy thượng thận đều không nặng
Dựa trên những kết quả này, các tác giả kết luận: Test synacthene giúp xác định những BN Cushing có nguy cơ bị suy thượng thận sau mổ cắt tuyến thượng thận một bên, cần điều trị corticoid. Nhưng một phần tư số BN bị Cushing rõ và gần một nửa số BN bị tăng tiết corticol tự chủ nhẹ có thể không cần dùng corticoid sau mổ. Những BN cường aldosterone tiên phát không có Cushing đi kèm thì có thể không cần đánh giá nguy cơ suy thượng thận.
Hạ đường huyết nặng do suy thượng thận có thường gặp không?
Tại các phòng cấp cứu, có khoảng 7% số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê hoặc rối loạn ý thức có nguyên nhân là do hạ đường huyết (nồng độ glucose máu < 3,9 mmol/L). Đa số các trường hợp này sẽ được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhưng cũng có đến 10% số BN bị hạ đường huyết là không rõ nguyên nhân, gây khó khăn do điều trị, và tiên lượng xấu.
Để tìm hiểu nguyên nhân gây hạ đường huyết, các bác sỹ tại bệnh viện Shinkomonji (Nhật Bản) đã tiến hành nghiên cứu từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2021 trên 528 trường hợp hạ đường huyết nhập vào khoa Cấp cứu nội, tuổi trung bình là 62 tuổi (từ 19 – 92), trong đó 52,1% là nam giới.
Kết quả: Phần lớn trong số này (389 BN, chiếm 73,7%) là bệnh nhân đái tháo đường sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường quá liều. Các nguyên nhân khác gồm 33 BN (6,3%) do uống rượu; 17 trẻ em (3,2%) bị suy dinh dưỡng; 13 BN (2,5%) bị rối loạn chức năng gan; 12 BN (2,3%) đang mắc bệnh truyền nhiễm nặng; 11 BN (2,1%) có ung thư; 9 BN (1,7%) bị suy tim; 4 BN (0,8%) mắc hội chứng cường insulin tự miễn; 3 BN (0,6%) do u tụy tiết insulin (insulinoma); 2 BN (0,4%) bị hạ đường huyết liên quan đến thuốc hạ đường huyết. Đặc biệt là bằng xét nghiệm ACTH nhanh đã phát hiện 32 BN (chiếm 6,1%) bị suy thượng thận. Những BN này có nồng độ Natri máu thấp (< 139 mEq/L), tăng số lượng bạch cầu ái toan và huyết áp tâm thu thấp hơn so với những bệnh nhân bị hạ đường huyết do các nguyên nhân khác.
Kết quả này cho thấy tần suất suy thượng thận là nguyên nhân gây hạ đường huyết cao hơn nhiều so với chúng ta vẫn nghĩ. Vì vậy khi phát hiện hạ đường huyết kéo dài không rõ nguyên nhân, chúng ta cần xét nghiệm kiểm tra xem BN có bị suy thượng thận không./.
Tài liệu tham khảo:
– Journal of the Endocrine Society số tháng 10/2022.
– The Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism, Volume 107, Issue 2, tháng 9/ 2021
Theo Bệnh viện Bạch Mai