Vô sinh, được định nghĩa là không có khả năng thụ thai sau một năm giao hợp không sử dụng các biện pháp tránh thai, ảnh hưởng đến 1 trên 13 cặp vợ chồng ở Hoa Kỳ.Vô sinh ở nam giới chiếm 25 đến 30% tổng số trường hợp và kết hợp với các yếu tố nữ giới, góp phần tạo ra 30% các trường hợp khác.
Nam giới hiếm muộn có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn đáng kể so với dân số nói chung. Chỉ số BMI cao (tương ứng hơn 30 kg/m 2) đều có liên quan đến việc giảm thể tích tinh hoàn (WHO 1987) và giảm chất lượng tinh trùng cho thấy sự suy giảm khả năng sinh tinh. Bụng to trước đây từng được coi là dấu hiệu của sự thịnh vượng thì giờ lại là dấu hiệu của bệnh tật. Các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm đái tháo đường type II, huyết áp cao, tang cholesterol, các vấn đề về xương, khớp, chứng ngưng thở khi ngủ, ung thư và vô sinh đều có liên quan đến BMI. Béo phì đã trở thành một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng gây ra các biến chứng y tế khác nhau. Cân nặng tăng ở nam giới có liên quan đến mức testosterone thấp hơn, chất lượng tinh trùng kém hơn và giảm khả năng sinh sản so với nam giới có cân nặng bình thường. Tỷ lệ vô sinh tăng 10% đối với mỗi 9 kg (20 pound) một người đàn ông thừa cân.
Cơ chế gây vô sinh ở nam giới mắc béo phì
Bệnh nội tiết và suy giảm khả năng sinh tinh
Một số nghiên cứu chứng minh rằng chỉ số BMI ở nam giới tăng có liên quan đến việc giảm nồng độ globulin liên kết với hormone giới tính (SHBG) và testosterone đồng thời với sự gia tăng nồng độ estrogen trong huyết tương. Giảm testosterone và tăng estrogen từ lâu đã có liên quan đến khả năng sinh sản và giảm số lượng tinh trùng bằng cách phá vỡ vòng phản hồi của trục dưới đồi- tuyến yên (HPG). Các hormone khác liên quan đến việc điều chỉnh chức năng tế bào Sertoli và quá trình sinh tinh, chẳng hạn như tỷ lệ FSH/LH, nồng độ chất ức chế B và SHBG đều được quan sát thấy là giảm ở nam giới có chỉ số BMI tăng. Do đó số lượng tinh trùng giảm ở nam giới béo phì ít nhất một phần là kết quả của sự thay đổi trục HPG thông qua testosterone và estrogen và có khả năng làm giảm chức năng tế bào Sertoli.
Chứng ngưng thở lúc ngủ
Ngưng thở khi ngủ (SA) là một loại rối loạn giấc ngủ được đặc trưng bởi sự ngừng thở hoặc các trường hợp thở nông hoặc không thường xuyên trong khi ngủ. Mỗi lần ngừng thở sẽ gây ra tình trạng thiếu oxy máu. Nó phổ biến hơn ở những người béo phì. Mặc dù vai trò của nó trong vô sinh nam chưa được làm rõ, nhưng nó thường liên quan đến việc giảm chức năng tuyến yên và giảm nồng độ testosterone vào buổi sáng. SA cũng có liên quan đến việc giảm chất lượng cuộc sống tình dục. Sự kết hợp của các yếu tố nói trên có thể dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản của nam giới.
Tác dụng nhiệt lên quá trình sinh tinh
Nam giới béo phì sẽ tăng mỡ vùng bìu từ đó gây tăng nhiệt độ ở tinh hoàn gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình sinh tinh. Quá trình sinh tinh rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nhiệt độ tối ưu nằm trong khoảng 34–35°C. Nhiệt độ tăng cao trong bìu do mô mỡ có thể gây hại cho tế bào tinh trùng. Tác động có hại của nhiệt có liên quan đến việc giảm khả năng vận động của tinh trùng, tăng sự phân mảnh DNA của tinh trùng và tăng stress oxy hóa tinh trùng. Phẫu thuật cắt bỏ mỡ bìu đã được báo cáo là giúp cải thiện các thông số tinh trùng .
Hội chứng chuyển hóa
Hội chứng chuyển hóa (MetS) có liên quan đến chứng suy sinh dục và rối loạn cương dương. Một số nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ hiện mắc ước tính là 34% ở người trưởng thành ở Hoa Kỳ. Tỷ lệ mắc bệnh tăng theo tuổi. Các yếu tố của tình trạng này đã được kiểm tra liên quan đến những tác động bất lợi liên quan đến khả năng sinh sản của nam giới. Tăng insulin máu và tăng đường huyết là những hiện tượng thường gặp ở người béo phì, đã được chứng minh là có tác dụng ức chế số lượng và chất lượng tinh trùng và do đó, có thể là yếu tố làm giảm khả năng sinh sản ở nam giới béo phì.
Tăng estrogen máu
Estrogen tăng cao ở nam giới béo phì một phần có thể là do khối lượng mô mỡ trắng tăng lên. Mô mỡ trắng chịu trách nhiệm cho hoạt động của aromatase và các hormone và adipokine có nguồn gốc từ mỡ, những chất này tăng cao ở nam giới béo phì. Enzym aromatase cytochrome P450 được sản xuất bởi nhiều mô bao gồm mô mỡ và tế bào Leydig tinh hoàn chuyển đổi testosterone thành estrogen. Điều này góp phần làm tăng nồng độ estrogen và giảm testosterone trong huyết tương.
Leptin và các chất độc
Leptin được sản xuất chủ yếu bởi các tế bào mỡ và có thể làm hỏng tế bào tinh trùng hoặc các tế bào sản xuất ra chúng. Mô mỡ không còn được coi là nơi chứa chất béo đơn giản nữa. Đúng hơn nó đóng một vai trò hoạt động như một cơ quan nội tiết. Sự gia tăng nồng độ leptin làm giảm đáng kể việc sản xuất testosterone từ tế bào Leydig. Vô sinh ở nam giới thừa cân/béo phì có thể do không nhạy cảm với leptin. Béo phì cũng được chứng minh là có liên quan đến nồng độ homocysteine cao và vitamin D thấp. Cả hai đều bị nghi ngờ có ảnh hưởng đến các thông số tinh dịch.
Tổn thương DNA tinh trùng và stress oxy hóa
Nhiều nghiên cứu trên người và động vật đã xác định rằng có mối quan hệ giữa béo phì và sự suy giảm tính toàn vẹn DNA của tinh trùng. Béo phì ở nam giới có liên quan đến việc giảm nồng độ và khả năng vận động của tinh trùng, tăng tổn thương DNA của tinh trùng và thay đổi hormone sinh sản.
Một trong những cơ chế bệnh lý tiềm ẩn đằng sau việc giảm hiệu suất sinh sản ở nam giới béo phì là stress oxy hóa tinh trùng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng stress oxy hóa tăng lên khi chỉ số BMI tăng, chủ yếu là do sự gia tăng kích hoạt đại thực bào tinh dịch. Điều này dẫn đến giảm khả năng di chuyển của tinh trùng, tăng tổn thương DNA của tinh trùng, giảm phản ứng acrosome và tỷ lệ cấy phôi thấp hơn sau IVF .
Tác động tâm lý của béo phì tới tình dục
Ở nam giới, người ta đã chứng minh rằng béo phì có thể làm giảm sự hài lòng trong tình dục, thiếu hứng thú tình dục, thiếu ham muốn tình dục, khó thực hiện tình dục, tránh quan hệ tình dục và gây ra rối loạn cương dương. Những người thừa cân có thể coi mình là người không phù hợp về mặt tình dục, kém hấp dẫn và không được mong muốn, khiến họ tránh xa các mối quan hệ tình dục tiềm năng hoặc thực tế.
Béo phì cũng có thể liên quan đến tình dục theo cách ngược lại. Nếu một cá nhân gặp vấn đề về tình dục hoặc là nạn nhân của lạm dụng tình dục, anh ta có thể chuyển sang ăn quá nhiều như một biện pháp để giải quyết trải nghiệm khó chịu của mình.
Mối quan hệ giữa béo phì và trầm cảm là tương hỗ. Những người thừa cân cũng thường xuyên bị kỳ thị và phân biệt đối xử vì trọng lượng cơ thể của họ, dẫn đến hình ảnh tiêu cực về cơ thể, từ đó họ có nhận thức tiêu cực về bản thân, thiếu tự tin, trầm cảm và rối loạn lo âu.
Viêm mào tinh hoàn
Không có bằng chứng đáng kể nào liên quan đến béo phì với viêm mào tinh hoàn. Tuy nhiên, người ta thường quan sát thấy rằng những người đàn ông béo phì có những khối mỡ dư thừa ở vùng trên xương mu và bên trong đùi. Những khối mỡ này có thể gây viêm cơ học ở bìu, bao gồm cả viêm mào tinh hoàn, do lực cọ xát và tác động mạnh trong các hoạt động thể chất khác nhau. Bất kể nguyên nhân gì, dù là do vi khuẩn, cơ học hay nhiệt, viêm mào tinh hoàn đều có thể gây vô sinh.
Có nhiều bằng chứng cho thấy béo phì ở nam giới có tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản thông qua những thay đổi về mức độ nội tiết tố, cũng như những thay đổi trực tiếp đến chức năng tinh trùng và thành phần phân tử tinh trùng. Sự suy giảm khả năng sinh tinh và rối loạn chức năng tình dục đã được chứng minh là nguyên nhân dẫn đến khả năng sinh sản kém. BMI tăng được phát hiện có liên quan đáng kể đến việc giảm nồng độ tinh trùng, testosterone huyết thanh và tăng estradiol huyết thanh.
ThS.BS Nghiêm Trung Hưng – Khoa Nam học, Bệnh viện TWQĐ 108