Chăm sóc bệnh nhân Alzheimer
1. Bệnh alzheimer là gì?
1. Bệnh alzheimer là gì?
Bệnh Alzheimer là một bệnh lý về não không hồi phục, dần dần phá hủy trí nhớ, khả năng ngôn ngữ và năng lực tư duy, cuối cùng, bệnh nhân không thể hoàn thành ngay cả những công việc nhỏ nhất. nhưng việc phát hiện và điều trị sớm có thể giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
2. Đối tượng dễ mắc bệnh?
Nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer tăng lên theo tuổi tác, bắt đầu từ khoảng 65 tuổi. Mặc dù vẫn chưa đưa ra bất kỳ câu trả lời rõ ràng nào, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy rằng các yếu tố sau có khả năng thúc đẩy bệnh phát triển:
Bệnh tiểu đường;
Stress, căng thẳng và phiền muộn kéo dài;
Cholesterol cao;
Hút thuốc;
Ít giao tiếp xã hội.
3. Chăm sóc bệnh nhân
Bệnh Alzheimer không có thuốc điều trị nhưng nếu bệnh nhân sống giữa sự cảm thông thì diễn tiến bệnh sẽ chậm hơn hoặc ít ra người bệnh sẽ không tủi thân vì sự vô cảm của những người thương yêu. Sự cô đơn, cảm giác tủi thân là điều mà người bệnh sợ nhất, họ có thể hờn dỗi, ngồi một chỗ không để ý đến con cháu dù không có chuyện gì xảy ra. Điều họ cần là sự chăm sóc và những mối quan hệ yêu thương chân thành từ người thân và người xung quanh.
Để chăm sóc tốt cho người bệnh Alzheimer, người nhà cần hiểu rõ từng giai đoạn của bệnh, cụ thể:
Giai đoạn đầu:
Giảm trí nhớ là triệu chứng đầu tiên;
Vong ngôn: Nói quanh co, khó tìm từ;
Vong tri: Nhầm lẫn vị trí quen thuộc (dễ lạc đường);
Vong hành: Không chú ý đến trang phục, mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành các công việc hàng ngày;
Khó khăn trong quản lý tiền nong, hóa đơn;
Thay đổi khí sắc và nhân cách, lo âu;
Ở giai đoạn này người nhà và cả bệnh nhân hãy dành thời gian để tìm hiểu bệnh. Sẽ rất khó khăn khi bị chẩn đoán đang mắc bệnh và vai trò của người chăm sóc là hãy hỗ trợ thông qua những cuộc nói chuyện, tư vấn một cách tình cảm và nhẹ nhàng. Lúc này người bệnh cũng khó để hoàn thành các công việc sinh hoạt bình thường như lái xe, nấu nướng… vì vậy hãy ở bên và thay họ đảm nhận vị trí này.
Giai đoạn trung bình: Phần lớn bệnh nhân được phát hiện giai đoạn này
Những người mắc bệnh Alzheimer giai đoạn này thường không thể tự lập.
Suy giảm trí nhớ nặng hơn: Quên cả hiện tại và quá khứ;
Vong ngôn: Ngôn ngữ mất tính lưu loát, nói sai ngữ pháp;
Vong tri: Lạc cả trong môi trường quen thuộc;
Vong hành: Làm sai các công việc hàng ngày như mua sắm. nấu ăn, mặc quần áo,…
Các triệu chứng loạn thần và hành vi của bệnh nhân sa sút trí tuệ.
Vì vậy cảm giác của người chăm sóc cũng sẽ khá nhạy cảm, vì vậy đừng để sự căng thẳng làm ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân, hãy chắc chắn mình có một nền tảng sức khỏe và tâm lý tốt trước khi chăm sóc một bệnh nhân.
Giai đoạn nặng
Trí nhớ: Mất trí nhớ nặng;
Ngôn ngữ: Mất ngôn ngữ, không giao tiếp được;
Vong tri: Không nhận ra người thân và môi trường;
Vong hành: Phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc;
Các triệu chứng là biến chứng của sa sút trí tuệ;
Triệu chứng loạn thần: kích động, trầm cảm, vô cảm, rối loạn hành vi ban đêm.
Ở giai đoạn này, việc chăm sóc tại nhà có thể không đủ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe với bệnh nhân, Vì vậy những người chăm sóc có thể cân nhắc việc chăm sóc người bệnh kế hợp các dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp ở cơ sở điều dưỡng chuyên môn hoặc cơ sở chăm sóc bệnh sa sút trí tuệ, nơi có thể giám sát và quản lý đầy đủ.
4. Cách phòng tránh
Bệnh Alzheimer xảy ra do tiến trình lão hóa não bộ theo thời gian và tuổi tác. Tuy nhiên, bệnh có thể đến sớm hay muộn, mức độ trầm trọng hay giảm nhẹ là do lối sống và sinh hoạt của chúng ta. Do đó, có nhiều cách để phòng ngừa bệnh đến sớm và kiểm soát biến chứng nguy hiểm như:
Phòng ngừa các bệnh tim mạch
Theo nghiên cứu, 80% người bị Alzheimer có các vấn đề liên quan đến bệnh tim mạch. Không chỉ vậy, ở một số người, não bộ xuất hiện những mảng vón và đám rối đặc trưng nhưng lại không có biểu hiện của Alzheimer.
Để giải thích cho vấn đề này, theo chuyên gia, các mảng vón và đám rối ấy chỉ phát tác khi hệ mạch máu não cũng có vấn đề. Tức bệnh về tim mạch là yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Do đó, những người bị tăng huyết áp, đái tháo đường (tiểu đường), rối loạn lipid máu (mỡ máu cao) cần khống chế ngay các rối loạn này, vì lâu dài sẽ dẫn đến bệnh tim mạch.
Thường xuyên tập thể dục
Với người bệnh Alzheimer, việc tập thể dục có thể giúp trì hoãn các triệu chứng. Việc vận động cần theo phác đồ của chuyên gia để có thể khiến máu và oxy dồi dào lên nuôi dưỡng não.
Tránh gặp các chấn thương vùng đầu
Khảo sát cho thấy có một mối liên hệ rõ ràng giữa chấn thương đầu nặng với khả năng mắc Alzheimer về sau, đặc biệt là các chấn thương dẫn tới bất tỉnh. Vì vậy nên bảo vệ vùng đầu và tránh những chấn thương không đáng có.
Ăn uống khoa học
Một thực đơn cân bằng nhóm chất dinh dưỡng gồm nhiều rau và trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, dầu oliu, đậu phộng, cá, gà, trứng, các chế phẩm từ sữa… giúp tăng cường sức khỏe não bộ. Lưu ý hạn chế ăn các loại thịt đỏ và đường.
Ngủ đúng giờ, đủ giấc và ngủ có chất lượng
Giấc ngủ tốt có thể giúp ngăn Alzheimer đến sớm và tiến triển trầm trọng. Bởi vì trong lúc ngủ, não bộ sẽ tiến hành “vệ sinh” các synapse để việc truyền tin được thông thoáng, lọc bỏ những ký ức không cần thiết, và dọn bớt amyloid β để không tạo mảng vón. Ngủ 8 tiếng mỗi đêm mà không dùng thuốc là việc lý tưởng…
Điều dưỡng Nguyễn Đình Kiên – Khoa C1-2- Bệnh viện TWQĐ 108