Còi xương là tình trạng xương mềm, yếu ở trẻ em, thường do thiếu vitamin D trầm trọng và kéo dài hoặc do các vấn đề di truyền hiếm gặp. Bệnh phổ biến ở trẻ dưới 3 tuổi, hay gặp nhất ở nhóm tuổi 13-18 tháng, lứa tuổi mà hệ xương đang phát triển mạnh.
Còi xương gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và vận động của trẻ, nặng nề hơn có thể gây biến dạng và khuyết tật suốt đời. Phòng chống bệnh còi xương là vấn đề được ưu tiên trong chăm sóc sức khoẻ cộng đồng hiện nay và bổ sung vitamin D là rất quan trọng.
Hình ảnh minh hoạ trẻ còi xương
Nguyên nhân gây thiếu hụt vitamin D ở trẻ
– Thiếu ánh sáng mặt trời: Nhà ở chật chội, tập quán kiêng khem quá mức, mặc nhiều quần áo; môi trường và thời tiết như: vùng núi cao nhiều xương mù, vùng công nghiệp nhiều bụi, mùa đông cường độ ánh sáng mặt trời giảm.
– Chế độ ăn: Thiếu sữa mẹ, nuôi con bằng sữa bò; trẻ ăn bột quá nhiều, trong bột có nhiều acid phytic sẽ cản trở sự hấp thụ canxi; chế độ ăn thiếu dầu mỡ.
– Một số nguyên nhân khác: Trẻ bất dung nạp lactose nên không dùng được sữa, tiêu hoá sữa kém; không dùng sản phẩm sữa hay không uống sữa; mẹ bị thiếu vitamin D trong thời kỳ mang thai; bệnh lý đường tiêu hoá và bệnh lý gan mật.
Yếu tố nguy cơ
– Độ tuổi: Trẻ từ 6 tháng đến 24 tháng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất vì đây là giai đoạn tốc độ xương phát triển nhanh.
– Trẻ đẻ non, thấp cân: do tích luỹ trong thời kỳ bào thai thấp, tốc độ phát triển nhanh.
– Bệnh tật: Trẻ sau mắc bệnh nhiễm khuẩn (viêm phổi, tiêu chảy kéo dài…), mắc bệnh mạn tính (viêm gan, tắc mật, bệnh Crohn…).
– Mẹ thiếu vitamin D trong thời kỳ có thai và cho con bú.
– Màu da: Người da màu dễ mắc còi xương do tình trạng sắc tố của da cũng ảnh hưởng đến sự bức xạ của tia cực tím.
Nguồn cung cấp vitamin D
Thông thường có hai nguồn cung cấp vitamin D chính, riêng trẻ sơ sinh có thêm nguồn vitamin D được dự trữ từ thời kỳ bào thai.
Nguồn vitamin D nội sinh: Do các tiền vitamin D ở trong da, dưới tác dụng của tia cực tím trong ánh sáng mặt trời chuyển thành vitamin D3, đây là nguồn cung cấp vitamin D chính của cơ thể (chiếm 80-90% nhu cầu vitamin). Nếu cơ thể tiếp xúc đủ với ánh sáng, cơ thể tổng hợp được 400-800 UI D3/ngày.
Nguồn vitamin D ngoại sinh: Từ thức ăn (Vitamin D nguồn gốc động vật-Vitamin D3 có nhiều trong gan cá, trứng sữa, 1 lít sữa mẹ có 40UI D3, 1 quả trứng có 130 UI D3; Vitamin D có nguồn gốc thực vật-Vitamin D2 ergocalciferol có nhiều trong các loại nấm, nấm có 400-500 UI vitamin D).
Nhu cầu vitamin D phụ thuộc vào tuổi: Đối với trẻ dưới 1 tuổi cần 400 UI/ngày, với người lớn và trẻ em trên 1 tuổi, phụ nữ có thai hoặc cho con bú cần 600 UI/ngày (1 IU vitamin D ≈ 0.025 mcg (microgram) vitamin D).
Bố mẹ nên làm gì để phòng ngừa thiếu vitamin D cho trẻ?
– Bố mẹ cần nắm vững các yếu tố nguy cơ và cách phòng chống thiếu vitamin D cho trẻ
– Bổ sung cho bà mẹ mang thai vitamin D 1000UI/ngày từ tháng thứ 7 hoặc uống 100.000UI-200.000UI 1 lần vào tháng thứ 7 của thai kỳ; lưu ý dinh dưỡng hợp lý và ra ngoài trời nhiều.
– Cho trẻ tắm nắng hàng ngày từ tuần thứ 2 sau sinh.
– Bố mẹ nên chọn các thực phẩm giàu canxi, vitamin D cho trẻ nhỏ và uống vitamin D liều 400UI/ngày từ tháng thứ hai cho những trẻ được bú mẹ hoàn toàn khi sữa mẹ có hàm lượng vitamin D thấp, trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng thai, trẻ phát triển nhanh, không có điều kiện tắm nắng. Trẻ dưới 1 tuổi nên bổ sung vitamin D liều 600UI/ngày.
– Với gia đình có tiền sử bệnh nên chẩn đoán trước sinh, có lời khuyên di truyền.
Cách sử dụng vitamin D cho trẻ
Nguyên nhân của còi xương là do thiếu vitamin D, việc điều trị chủ yếu là uống vitamin D kết hợp với canxin, bố mẹ có thể bổ sung vitamin D cho trẻ bằng các cách sau:
– Dùng một liều cao tức thì từ 200.000UI-400.000UI dựa trên cơ sở vitamin D sẽ dự trữ trong các mô của cơ thể, sau đó được giải phóng dần theo nhu cầu của cơ thể. Nếu trẻ không được chăm sóc chu đáo hay không có điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế, nên dùng liều cao cách nhau một thời gian. Từ 6- 18 tháng cứ 6 tháng uống 1 liều 200.000UI. Từ 18-60 tháng dùng liều duy nhất vào đầu mỗi mùa đông trong năm.
– Dùng liều sinh lý hàng ngày để đảm bảo an toàn, tránh ngộ độc. Nếu trẻ được chăm sóc chu đáo thì dùng vitamin D liều hàng ngày là tốt nhất.
Để có thêm thông tin về cách chăm sóc, dự phòng thiếu hụt vitamin D cho trẻ, bố mẹ nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn chi tiết.
BS. Lê Trương Tuyết Minh – Khoa Nhi – Bệnh viện TWQĐ 108