Hotline: +84 0777. 943. 888

Crohn là bệnh viêm mạn tính đường tiêu hoá với nhiều yếu tố nguy cơ

02/11/2024 15:47

Crohn là bệnh viêm mạn tính đường tiêu hoá, gây tổn thương ở bất kỳ vị trí nào của ống tiêu hoá từ miệng đến hậu môn, xen kẽ các giai đoạn ổn định là các đợt bùng phát. Cơ chế bệnh theo trung gian miễn dịch, nguyên nhân chưa rõ ràng: gen-di truyền, yếu tố môi trường, thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, đồ ăn nhiều đạm, đồ uống có ga, thuốc lá…

Crohn là bệnh viêm mạn tính đường tiêu hoá, gây tổn thương ở bất kỳ vị trí nào của ống tiêu hoá từ miệng đến hậu môn, xen kẽ các giai đoạn ổn định là các đợt bùng phát. Cơ chế bệnh theo trung gian miễn dịch, nguyên nhân chưa rõ ràng: gen-di truyền, yếu tố môi trường, thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, đồ ăn nhiều đạm, đồ uống có ga, thuốc lá…

Hay gặp ở Tây Âu và Bắc Mỹ với tỷ lệ 100-300/100.000 dân; gần đây có xu hướng tăng ở các nước phát triển khu vực Châu Á trong đó có Việt Nam. Lứa tuổi hay gặp 15-30 tuổi, nam gặp nhiều hơn nữ giới.

Hiện nay chẩn đoán bệnh lý Crohn vẫn là vấn đề thách thức với các bác sĩ chuyên ngành tiêu hoá vì chưa có tiêu chuẩn vàng. Chẩn đoán đa mô thức dựa vào lâm sàng, cận lâm sàng, mô bệnh học, chẩn đoán hình ảnh và phẫu thuật.

Lâm sàng của bệnh Crohn hay gặp nhất là đau bụng, đi lỏng, nếu bệnh lâu dài sẽ biểu hiện thiếu máu, gầy sút cân, mệt mỏi, ăn kém; những đợt bùng phát có thể có sốt… Bệnh không chỉ tổn thương ống tiêu hoá mà còn gây ra các biểu hiện bệnh ngoài ống tiêu hoá: viêm khớp ngoại vi – khớp trục, viêm da: hồng ban nút, loét miệng, tổn thương mắt: viêm thượng củng mạc, viêm mống mắt, viêm màng bồ đào, tổn thương gan mật: viêm xơ đường mật nguyên phát…

Cận lâm sàng dựa vào các xét nghiệm: Các marker viêm tăng: BC, N tăng trong đợt hoạt động; Máu lắng, CRP, Fecal Calprotectin (FC). Thiếu máu thiếu sắt, thiếu vitamin B12, giảm albumin máu. Trong đó nội soi đóng 1 vai trò vô cùng quan trọng

Vị trí tổn thương hay gặp của bệnh là hồi manh tràng chiếm 50%, 30% ở ruột non, 20% đại tràng; <10% có tổn thương đường tiêu hoá trên. Trong số bệnh nhân bị Crohn có 25% có biến chứng quanh hậu môn: rò, áp xe. Giai đoạn sớm hình ảnh loét áp tơ nhỏ trên ống tiêu hoá, cách đoạn đặc trưng của bệnh; giai đoạn sau các tổn thương gây các ổ loét sâu dọc thành ống tiêu hoá. 2 hình ảnh đặc trưng điển hình của bệnh Crohn trên nội soi là: loét sâu dọc và tổn thương đá cuội. Khi tiến hành nội soi chúng ta có thể thấy hẹp lòng ruôt, các lỗ rò.

Empty

Hình ảnh mô bệnh học điển hình của bệnh Crohn: hình ảnh u hạt không hoại tử, tổn thương viêm xuyên thành, viêm từng ổ đoạn cách quãng

Trên siêu âm và CT ổ bụng: hình ảnh dày thành ruột, tổn thương cách quãng, ổ áp xe khi có biến chứng, dấu hiệu “comb sign” điển hình trên phim CT; biến chứng rò nhìn thấy trên MRI tiểu khung.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì bệnh còn gây ra những biến chứng rất nặng nề: thủng, hẹp, rò, áp xe, chảy máu, ung thư… Tại Việt Nam, chẩn đoán bệnh lý này còn nhiều khó khăn; nhiều bệnh nhân được xác chẩn khi trải qua các cuộc đại phẫu.

Empty

Hình ảnh nội soi trước điều trị: tổn thương loét sâu rộng nhiều vị trí

Empty

Hình ảnh nội soi sau 3 tháng điều trị: các tổn thương đã liền sẹo rõ, bệnh nhân hết triệu chứng đau bụng đi lỏng, tăng 8kg

Theo ECCO 2020 (Hiệp hội viêm đại tràng và bệnh Crohn Châu Âu) điều trị bệnh lý Crohn cần đạt được các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và  dài hạn: hết triệu chứng, đáp ứng trên nội soi, lành trên mô bệnh học. Tuỳ từng mức độ bệnh mà bác sĩ lựa chọn các phác đồ điều trị phù hợp: bậc 1: các thuốc chống viêm: masalazin, kháng sinh, men tiêu hoá. Bậc 2:corticoid, budesonide; bâc 3: thuốc ức chế miễn dịch, azathioprine, methotrexate… bậc 4: các thuốc sinh học: infliximab, adalimumab, ustekinumab… bâc 5: phẫu thuật với các biến chứng thủng, hẹp, rò, áp xe…

Thuốc sinh học được xem là một lựa chọn tốt cho những bệnh nhân Crohn mức độ vừa- nặng, có nhiều yếu tố tiên lượng xấu đã đem lại hiệu quả điều trị rất tốt.

Ths.BS. Đinh Thị Ngà

Khoa Điều trị bệnh Ống Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888