Đại hội Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM nhiệm kỳ VI, 2020 – 2025
Sáng 11/4/2021, sau 3 lần trĩ hoãn vì đại dịch COVID-19, Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VI (2020 – 2025) để đánh giá kết quả hoạt động trong nhiệm kỳ qua, đề ra phương hướng nhiệm vụ kỳ tới và bầu Ban chấp hành mới có đủ năng lực, phẩm chất để tiếp tục lãnh đạo Liên chi hội.
Sáng 11/4/2021, sau 3 lần trĩ hoãn vì đại dịch COVID-19, Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VI (2020 – 2025) để đánh giá kết quả hoạt động trong nhiệm kỳ qua, đề ra phương hướng nhiệm vụ kỳ tới và bầu Ban chấp hành mới có đủ năng lực, phẩm chất để tiếp tục lãnh đạo Liên chi hội.
Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM không những được những nhà chuyên môn tại TPHCM tin tưởng, ủy nhiệm mà còn được Hội Y học TPHCM đánh giá cao với những hoạt động mạnh mẽ và nhiều nghiên cứu khoa học có giá trị.
Tham dự Đại hội, GS.TS.BS Nguyễn Sào Trung – Phó Chủ tịch Hội Y học TPHCM cho biết, ông rất tự hào về sự phát triển, nỗ lực của các đồng nghiệp trong Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM trong nhiệm kỳ vừa qua.
GS Sào Trung nhìn nhận một cách khách quan: “Đây là một trong những Liên chi Hội hoạt động rất thường xuyên, sôi nổi, mang lại lợi ích cho cả hội viên lẫn cộng đồng. Nhiều chương trình hội thảo với các chủ đề nóng hổi đẩy mạnh về tiêu hóa luôn được cập nhật cho các y bác sĩ”. Trong tương lai, Phó Chủ tịch Hội y học TPHCM kỳ vọng Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh với một ban chấp hành mới, đầy năng lượng trong nhiệm kỳ 2020-2025.
GS.TS.BS Nguyễn Sào Trung – Đại diện ban thường trực Hội Y học TPHCM tham dự Đại hội Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025
Khẳng định vai trò trung tâm, đáng tin cậy trong chuyển giao kiến thức cập nhật về tiêu hóa
Tại Đại hội, TS.BS Lê Thành Lý – Phó Chủ tịch Liên chi Hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM thay mặt Đoàn Chủ tịch báo cáo tổng kết chương trình hoạt động nhiệm kỳ 2015 – 2020, Liên chi hội đã đạt được nhiều thành tựu mới, khẳng định được vai trò trung tâm đáng tin cậy trong việc chuyển giao các kiến thức cập nhật trong lĩnh vực tiêu hóa, góp phần quan trọng trong việc đào tạo được các Hội viên có kiến thức chuyên môn tốt.
Kế thừa truyền thống của những trang sử trong suốt 20 năm hình thành và phát triển, 5 năm vừa qua Liên Chi hội luôn phấn đấu nhằm mục đích nâng cao chất lượng cập nhật kiến thức chuyên môn cho hội viên và các đồng nghiệp có quan tâm đến lĩnh vực tiêu hóa. Đồng thời cố gắng phát triển các mối quan hệ kết nối với các Hội tiêu hóa trong khu vực trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học.
TS.BS Lê Thành Lý – Phó Chủ tịch Liên chi Hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM chia sẻ về những thành tựu cũng như các thiếu sót cần khắc phục trong thời gian vừa qua
TS.BS Lê Thành Lý chia sẻ: “Liên Chi hội đã tạo dựng được những thành công nhất định trong 5 năm vừa qua. Về lề lối làm việc, chúng tôi nghiêm túc, công khai, thực hiện dân chủ trong sinh hoạt hội. Về lãnh đạo, nhờ sự đẩy mạnh thiết kế của BS.CK2 Trần Kiều Miên và ban chấp hành đã xây dựng được logo cho Hội; có cổng thông tin điện tử của hội thông qua website, fanpage; quản lý hội viên qua mạng, thư mời điện tử qua email.
Cùng với đó, ban chấp hành và hội viên thực hiện đúng điều lệ hội, chủ động tham gia tư vấn, phản biện các vấn đề sức khỏe, phát triển các hoạt động khoa học, phổ biến kiến thức mới, bồi dưỡng đào tạo cán bộ.
Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Liên Chi hội không ngừng phát triển, mở rộng thêm 300 hội viên mới, đưa từ con số 150 lên đến 500 hội viên, điều này thể hiện việc đáp ứng yêu cầu phát triển nội tại của các nhà khoa học và cũng là sự phản ứng tích cực với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế”.
Về công tác khoa học, bồi dưỡng cán bộ và phổ biến kiến thức, Hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM đảm nhận công tác bồi dưỡng chuyên môn sau đại học cho cả khu vực TPHCM và cho các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ do hiện tại chưa có các Hội chuyên ngành của các địa phương nói trên trong lĩnh vực tiêu hóa.
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho không chỉ các hội viên mà cả cho các đồng nghiệp có quan tâm đến lĩnh vực tiêu hóa ở các tỉnh lân cận, trên tinh thần cập nhật định kỳ các kiến thức chuyên ngành tiêu hóa, Hội định kỳ tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học tại TPHCM và luân chuyển ở các tỉnh thành xung quanh với chuyên đề về tiêu hóa hoặc gan mật.
Trong đó, có nhiều chuyên đề nổi trội được báo cáo như Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản: Tiếp cận chẩn đoán và điều trị, GERD kháng trị; Rối loạn vận động dạ dày; Điều trị ung thư dạ dày giai đoan sớm; Điều trị sỏi mật qua nội soi; Xuất huyết tiêu hoá do vỡ dãn giãn tĩnh mạch thực quản: Xử trí điều trị cấp cứu… Đặc biệt, Hội luôn cập nhật kiến thức, xu hướng mới về tiêu hóa trên thế giới về Việt Nam, điển hình như các chuyên đề: Điểm nổi bật trong Tuần lễ Tiêu Hoá Mỹ 2017 và năm 2018.
Không chỉ mời các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nước, Hội còn quy tụ dàn chuyên gia tiêu hóa nước ngoài đến chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật kiến thức, với số lượng người tham dự mỗi chương trình hội nghị lên đến 300-500 trong mục tiêu đào tạo y khoa liên tục (CME).
TS.BS Lê Thành Lý thông tin, trong 5 năm vừa qua, Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM đã tổ chức 35 buổi hội thảo (trung bình 5 buổi/năm), trình bày 61 bài báo cáo hơn 5.000 lượt hội viên tham dự, đồng thời xem xét cấp 4.071 giấy chứng nhận đào tạo liên tục theo quy định của Bộ Y tế.
Liên Chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM hòa nhịp thời đại “thế giới phẳng 4.0”
Về công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, Hội tiếp tục duy trì hợp tác với quỹ học bổng Takeda nhằm mang đến cơ hội nghiên cứu khoa học và đào tạo y khoa cho các bác sĩ, giao lưu – chia sẻ kinh nghiệm với nhiều quốc gia trên thế giới.
Điển hình như trong nhiệm kỳ thứ 5, Liên chi hội đã xem xét 2 hồ sơ, cử 2 lượt hội viên theo chương trình quỹ học bổng quốc tế Takeda – Nhật Bản. Và để đẩy mạnh đối ngoại, Hội cử PGS.TS.BS Quách Trọng Đức đi báo cáo nước ngoài, viết bài báo khoa học đăng trên các tạp chí Y học uy tín trên thế giới.
Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM cử PGS.TS.BS Quách Trọng Đức đi báo cáo nước ngoài, viết bài báo khoa học đăng trên các tạp chí Y học uy tín trên thế giới
Bác sĩ – nhà báo Nguyễn Xuân Lam góp phần đưa Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM hòa nhập thời đại “thế giới phẳng 4.0”, thực hiện các chương trình hội thảo trực tuyến…
Về công nghệ thông tin, báo chí, bắt kịp thời đại “thế giới phẳng 4.0” cho lĩnh vực y tế, được sự hỗ trợ của nhà báo – BS Nguyễn Xuân Lam – Chủ tịch Hội đồng quản trị Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin, website của Hội Khoa Học Tiêu Hóa đi vào họat từ tháng 10/2018, bước đầu phổ biến các vấn đề cơ bản về tổ chức quản lý Hội viên, tiến tới phổ biến các vấn đề thời sự Y học.
Trong giai đoạn này, các buổi hội thảo của Hội được phát trực tiếp trên fanpage với sự hưởng ứng của đông đảo hội viên, mở ra một kỷ nguyên mới trong việc tiếp nhận kiến thức y khoa, chia sẻ kinh nghiệm hiện đại. Hiện nay, website của Hội đang tiếp tục kiện toàn để có cán bộ phụ trách và bổ sung thêm mục hỏi đáp.
GS.TS.BS Nguyễn Sào Trung (bìa trái) lắng nghe những chia sẻ về định hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới của Liên chi hội khoa học Tiêu hóa TPHCM
Về Công tác xã hội – từ thiện, Liên chi hội đã đóng góp 15 triệu đồng xây cầu nông thôn cho vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn ở Mộc Hóa, Long An. Riêng năm 2020, ủng hộ xã hội từ thiện 38,1 triệu đồng, trong đó có 20 triệu đồng cùng Hội Y Học TPHCM hỗ trợ cho tuyến đầu chống COVID-19 và 18,1 triệu đồng gửi Hội Y Học hỗ trợ đồng bào Miền Trung bị lũ lụt.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn tồn tại một số khuyết điểm cần được khắc phục. TS.BS Lê Thành Lý nhìn nhận một cách toàn diện: “Các ủy viên ban chấp hành hoạt động không đều tay. Ban chấp hành, ban thường vụ ít khi sinh hoạt có đầy đủ thành viên, phần lớn các hoạt động dựa vào ban thường trực của hội. Qua nhiệm kỳ này, xét tính chất công việc của ban chấp hành Hội, cần bổ sung vào điều lệ chính thức có ban thường trực của hội trong các ban chuyên trách và đẩy mạnh cơ cấu của ban chấp hành.
Về hoạt động khoa học kỹ thuật, mặc dù ban chấp hành hội có đề ra một số chủ đề và khuyến khích hội viên tham gia các hoạt động khoa học chung. Tuy nhiên cũng chưa có sự phối hợp tốt để giải quyết các vấn đề khoa học kỹ thuật và tiến bộ xã hội đặt ra cho ngành y tế thành phố.
Về công tác hợp tác quốc tế, cũng chưa mở rộng đúng tầm của hội vốn có tiềm năng to lớn, chưa tranh thủ được các dự án phi chính phủ nước ngoài do Hội y học triển khai. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng Hội vẫn chưa thể hiện được vị trí, vai trò của Hội lớn trong Hội y học TPHCM, có tiềm năng về nhân lực, trí lực và hàng đầu trong cả nước về tiêu hóa. Với nhiệm kỳ mới chúng tôi cần thẳng thắn về những thiếu sót còn tồn tại để hành động thực tế và hiệu quả hơn cho sự phát triển của hội và lợi ích của cộng đồng”.
Nhiệm kỳ 2020 – 2025 đầy thách thức nhưng vẫn vững bước đẩy mạnh, kiện toàn
Cũng trong ngày hôm nay, Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM đã họp và bầu ra ban chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025 với 12 người như sau: BS.CK2 Trần Kiều Miên, TS.BS Lê Thành Lý, PGS.TS.BS quách Trọng Đức, GS.TS.BS Lê Quang Nghĩa, BS.CK2 Nguyễn Đăng Sảng, PGS.TS.BS Trần Thị Khánh Tường, TS.BS Trần Hà Hiếu, BS.CK2 Hồ Tấn Phát, BS Phạm Thị Ngọc Dung, BS Nguyễn Xuân Lam, BS.CK2 Lê Đình Quang.
12 thành viên trong ban chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025 của Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM
BS.CK2 Trần Kiều Miên kỳ vọng vào sự phát triển trong tương lai của Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM
Phát biểu trong Đại hội, BS.CK2 Trần Kiều Miên thay mặt cho Ban chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025 bày tỏ, Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM là một tổ chức nghề nghiệp tập hợp bác sĩ và nhân viên y tế quan tâm đến nhóm bệnh tiêu hóa trên địa bàn thành phố và là thành viên của Hội Y học TPHCM. Mục đích là tạo dựng một môi trường năng động, tin cậy để hội viên tham gia các hoạt động khoa học của hội. Đây cũng là nơi để trau dồi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức cùng nhau.
Về phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới, BS.CK2 Trần Kiều Miên nhấn mạnh “Liên chi hội Khoa học Tiêu hóa TPHCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh, kiện toàn các phong trào để hoàn thiện hơn, bổ sung tăng cường về mặt thông tin, truyên truyền, báo chí, khoa học kỹ thuật cho các bác sĩ”.
Để làm được điều này, BS Miên cho rằng không chỉ nỗ lực của ban chấp hành mà còn có sự ủng hộ, góp sức của mỗi hội viên, như vậy mới đem lại những thành công tốt nhất trong tương lai.
Phương Nguyên – Ảnh: Lê Bình