Hotline: +84 0777. 943. 888

Đại thắng mùa xuân 1975: Chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ XX

02/11/2024 15:32

Vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, sào huyệt của chế độc Ngụy quyền Sài Gòn sụp đổ, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất.

Vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, sào huyệt của chế độc Ngụy quyền Sài Gòn sụp đổ, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơneve về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, trong đó nêu rõ: Các nước tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào, nhân dân Campuchia; Pháp rút quân khỏi ba nước Đông Dương; Vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời ở Việt Nam và đến tháng 7/1956, tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước1.

Empty

Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4 (Ảnh tư liệu)

Như vậy, theo quy định của Hiệp định Giơneve, sau 2 năm kể từ ngày ký hiệp định, đến tháng 7/1954, tại Việt Nam sẽ tiến hành tổng tuyển cử tự do thống nhất đất nước. Tuy nhiên, với âm mưu hất cẳng Pháp độc chiếm Đông Dương, nước Mỹ mặc dù có tham gia hội nghị nhưng đã không đặt bút ký vào Hiệp định Giơneve và từng bước can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến tranh Đông Dương, âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, biến nơi đây thành căn cứ quân sự, thuộc địa kiểu mới.

Để thực hiện âm mưu đó, Mỹ đã sử dụng nhiều thủ đoạn: Về chính trị, Mỹ nhanh chóng thiết lập chính quyền tay sai Việt Nam cộng hòa do Ngô Đình Diệm làm tổng thống; Về quân sự: xây dựng lực lượng ngụy quân gần nửa triệu người cùng hàng vạn cảnh sát, công an, mật vụ được trang bị vũ khí hiện đại, tiến hành đàn áp, khủng bố với chính sách “tố cộng, diệt cộng”, lập “khu trù mật”, “khu dinh điền”, bắt bớ trả thù những người yêu nước, đàn áp phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ…; Về kinh tế: Mỹ đưa hàng hóa ế thừa vào miền Nam, tăng viện trợ cho chính quyền tay sai, tước đoạt ruộng đất của nông dân đã từng được cách mạng chia lại, khôi phục và củng cố địa vị giai cấp địa chủ; Về văn hoá – xã hội: đưa “lối sống Mỹ” tràn vào miền Nam để đầu độc nhân dân ta, nhất là tầng lớp thanh – thiếu niên. Đế quốc Mỹ đã từng bước thi hành 4 chiến lược chiến tranh tại miền Nam Việt Nam: Chiến tranh đơn phương (1954 – 1960), Chiến tranh đặc biệt (1961 – 1965), Chiến tranh cục bộ (1965 – 1968), Việt Nam hóa chiến tranh (1969 – 1973) và 2 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc (lần thứ nhất 1964 – 1968 và lần thứ hai năm 1972).

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân hai miền Nam – Bắc với tinh thần đoàn kết, quyết tâm đã từng bước đánh bại 4 chiến lược chiến tranh xâm lược ở miền Nam và 2 chiến lược chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tạo đà thắng lợi trên mặt trận ngoại giao năm 1973, từ đó tạo ra những điều kiện thuận lợi để kết thúc chiến tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Mặc dù buộc phải rút quân về nước theo quy định tại Hiệp định Paris (27/1/1973), nhưng Mỹ vẫn hy vọng, âm mưu dùng chính quyền Ngụy quyền Sài Gòn làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới, tiếp tục tăng cường viện trợ kinh tế, quân sự, cố vấn cho ngụy quyền Sài Gòn. Dưới sự chỉ đạo của Mỹ, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ngang nhiên phá hoại Hiệp định, liên tiếp mở các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng của ta, tiến hành các cuộc hành quân càn quét, bình định nhằm khủng bố đàn áp, bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ, chống lại nguyện vọng hòa bình, hòa hợp dân tộc của nhân dân miền Nam.

Empty

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 (Ảnh tư liệu)

Trước tình hình đó, tháng 7/1973, Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 21 khóa III đã nêu rõ con đường cách mạng của nhân dân miền Nam là con đường bạo lực cách mạng, trong bất kể tình huống nào cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công. Nhiệm vụ giành dân, giành quyền làm chủ, phát triển thực lực của cách mạng là yêu cầu bức thiết vừa cơ bản trong giai đoạn mới.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng, quân và dân miền Nam từng bước chủ động tiến công, liên tiếp giành được thắng lợi to lớn trên khắp các chiến trường, phá vỡ từng mảng lớn kế hoạch “bình định” của địch, tiêu diệt nhiều cụm cứ điểm, dồn địch vào thế bị động,vùng giải phóng được mở rộng. Với chiến thắng Phước Long (ngày 6/1/1975) đã chứng tỏ sức mạnh vượt trội quân chủ lực cơ động của ta và khả năng giải phóng hoàn toàn miền Nam đã chín muồi.

Trước những diễn biến tích cực trên chiến trường, Hội nghị Bộ Chính trị đợt 1 (từ ngày 30/9 đến 8/10/1974) và đợt 2 (từ ngày 8/12/1974 đến ngày 7/1/1975) đã bàn chủ trương giải phóng hoàn toàn miền Nam. Hội nghị nhận định: Chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự, chính trị, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Từ nhận định đó, Bộ Chính trị đề ra quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam với kế hoạch hai năm 1975 – 1976 với tinh thần là: Năm 1975 tranh thủ bất ngờ tấn công lớn và rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành tổng công kích – tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nhưng nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị đã quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã diễn ra trên toàn miền Nam, trong đó quyết định là các đòn tiến công chiến lược lớn: Chiến dịch Tây Nguyên (3/1975) giải phóng Buôn Ma Thuột (10/3), Chiến dịch Huế – Đà Nẵng, giải phóng thành phố Huế (26/3), Đà Nẵng (29/3). Thắng lợi nhanh chóng trong 2 chiến dịch Tây Nguyên và Huế – Đà Nẵng đã củng cố quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa năm 1975 của Đảng.

Với tinh thần: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”2, ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn – Gia Định bắt đầu. Sau 4 ngày đêm tiến công dũng mãnh, vào 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 cờ chiến thắng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, Sài Gòn được giải phóng. Ngày 2/5/1975, cuộc chiến đấu giải phóng các địa phương còn lại ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các đảo, quần đảo ở Biển Đông đã kết thúc thắng lợi. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã toàn thắng, đánh dấu kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Thắng lợi vĩ đại của đại thắng mùa xuân 1975 đã kết thúc 21 năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, đặt dấu chấm hết cho chiến lược thực dân mới tại Đông Dương (1954 – 1975), 30 năm chiến tranh cách mạng (1945 – 1975), 117 năm chống đế quốc xâm lược (1858 – 1975), giành lại nền độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc. Với thắng lợi này đã kết thúc cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc: kỷ nguyên cả nước hòa bình, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Sức mạnh vật chất và tinh thần, thế và lực của cách mạng, của dân tộc Việt Nam ngày càng tăng; uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao,…

Z4301573217933 A0c2a6076b1da7f816690e7afd0716a9

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc tiến công vào chủ nghĩa xã hội và cách mạng thế giới; đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, tốn kém nhất của chủ nghĩa đế quốc kể từ sau đại chiến thế giới thứ hai, làm phá sản các chiến lược chiến tranh thực dân kiểu mới của Mỹ; làm suy yếu trận địa của chủ nghĩa đế quốc, mở ra sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới, cổ vũ phong trào độc lập dân tộc và hòa bình thế giới.

Đánh giá thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”3.

Thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trước hết là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối chính trị, quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo. Thắng lợi đó là kết quả của cuộc chiến đấu đầy gian khổ hy sinh của quân dân cả nước mà trước hết là quân dân miền Nam. Thắng lợi đó cũng là kết quả của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc với vai trò hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Thắng lợi đó còn là kết quả của việc phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa nhân dân Việt Nam – Lào – Campuchia, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sự đoàn kết giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, sự ủng hộ của phong trào công nhân và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, đó là: Đề ra đường lối đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn lịch sử của cuộc kháng chiến với đặc điểm của cách mạng Việt Nam; Kết hợp chặt chẽ và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ cơ bản vừa kháng chiến vừa kiến quốc, chống đế quốc và chống phong kiến; Từng bước hoàn thiện phương thức lãnh đạo, tổ chức điều hành cuộc kháng chiến phù hợp với đặc thù của từng giai đoạn; Xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) một cách thích hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu của nhiệm vụ chính trị – quân sự của cuộc kháng chiến; Coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với cuộc kháng chiến.

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát huy tinh thần chiến thắng 30/4, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc, thực hiện chủ trương kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực hiện mục tiêu xây dựng nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, cường thịnh, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong muốn.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ giáo dục và đào tạo: Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, Hà Nội 2008, tr.195.

2. Mệnh lệnh của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, ngày 7/4/1975.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.37, tr.471.

Thạc sỹ Vũ Văn Chương – Đại học Hải Phòng

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888