Những người mang thai ngoài tử cung không phải lúc nào cũng có triệu chứng sớm. Một số người không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi thai ngoài tử cung gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn.
Mang thai ngoài tử cung là gì?
Quá trình mang thai bắt đầu khi trứng kết hợp với tinh trùng, phát triển thành phôi. Trong một thai kỳ bình thường, phôi bám vào niêm mạc tử cung (hình 1), sau đó phát triển thành một bào thai (hình 2).
Khi mang thai ngoài tử cung, phôi không bám vào niêm mạc tử cung. Thay vào đó, nó bám vào một nơi trong cơ thể mà lẽ ra nó không nên bám vào và bắt đầu phát triển. Mặc dù phôi đã lớn hơn nhưng nó không thể phát triển thành em bé. Khi phôi lớn hơn, nó có thể gây đau, chảy máu và dẫn đến các vấn đề khác, thậm chí đe dọa tính mạng.
Trong hầu hết các trường hợp mang thai ngoài tử cung, phôi bám vào niêm mạc của một trong các ống dẫn trứng (ống nối buồng trứng với tử cung), hay còn gọi đó là “thai ống dẫn trứng”. Trong một số trường hợp hiếm gặp, phôi còn có thể bám vào cổ tử cung, buồng trứng hoặc bên trong bụng.
Nguyên nhân gây mang thai ngoài tử cung
Trong một số trường hợp, chửa ngoài tử cung xảy ra mà không có nguyên nhân rõ ràng. Nhưng có một số điều làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung như:
– Có ống dẫn trứng bất thường hoặc bị hư hỏng, chẳng hạn như do nhiễm trùng trong quá khứ (được gọi là “nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục”) hoặc phẫu thuật;
– Đã từng mang thai ngoài tử cung trước đó;
– Đang áp dụng một số phương pháp điều trị nhất định để giúp bạn có thai;
– Hút thuốc lá.
Những người sử dụng một loại biện pháp tránh thai được gọi là “dụng cụ tử cung” có khả năng mang thai rất thấp. Nhưng nếu một người sử dụng vòng tránh thai mà có thai thì họ có nguy cơ mang thai ngoài tử cung cao hơn. Nếu bạn đặt vòng tránh thai và nghĩ rằng mình có thể đang mang thai, hãy đi khám hoặc tham khảo tư vấn của bác sĩ.
Triệu chứng của thai ngoài tử cung
Những người mang thai ngoài tử cung không phải lúc nào cũng có triệu chứng sớm. Khi các triệu chứng ban đầu xảy ra, bao gồm:
– Đau bụng dưới;
– Chảy máu từ âm đạo (chảy máu có thể nhiều hoặc ít, thậm chí chỉ là những đốm máu hoặc vết màu nâu).
Một số người không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi thai ngoài tử cung gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn. Ví dụ, phôi phát triển trong ống dẫn trứng có thể khiến ống dẫn trứng bị vỡ. Khi điều này xảy ra, các triệu chứng có thể là:
– Đau bụng dưới dữ dội;
– Chảy máu nhiều từ âm đạo;
– Ngất xỉu hoặc bất tỉnh, hoặc cảm giác như bạn có thể ngất xỉu hoặc bất tỉnh.
Nếu bạn đang mang thai và có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên, hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa càng sớm càng tốt.
Để kiểm tra xem thai ngoài tử cung hay không, bác sĩ sẽ chỉ định:
– Xét nghiệm máu để đo lượng hormone gọi là hCG giúp kiểm tra xem bạn có đang mang thai hay không và thai kỳ sản sinh ra bao nhiêu hCG.
– Siêu âm để xem phôi thai ở đâu trong cơ thể bạn.
Đôi khi, kết quả xét nghiệm cho thấy ngay thai ngoài tử cung. Nhưng thông thường, các bác sĩ cần lặp lại các xét nghiệm vài ngày một lần để biết chắc chắn liệu bạn có thai ngoài tử cung hay không.
Mang thai ngoài tử cung được điều trị như thế nào?
Các bác sĩ có thể điều trị thai ngoài tử cung theo 2 cách, tùy thuộc vào kích thước của phôi, triệu chứng của bạn và các yếu tố khác. Cả hai phương pháp điều trị đều liên quan đến việc loại bỏ phôi. Điều này rất quan trọng vì nếu phôi tiếp tục phát triển có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Các lựa chọn điều trị bao gồm:
– Thuốc – Bác sĩ có thể tiêm cho bạn một loại thuốc gọi là methotrexate. Thuốc này ngăn chặn sự phát triển của phôi và khiến phôi bị tiêu hủy. Nếu bạn được điều trị bằng thuốc, bạn sẽ cần xét nghiệm máu theo dõi trong vài tuần để đảm bảo rằng việc điều trị có hiệu quả.
– Phẫu thuật – Bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật để loại bỏ phôi. Bác sĩ cũng có thể cần phải cắt bỏ ống dẫn trứng của bạn.
Phòng ngừa mang thai ngoài tử cung
Hầu hết các trường hợp mang thai ngoài tử cung đều không thể ngăn ngừa được. Nếu bạn đang có ý định mang thai, bạn không thể làm gì cụ thể để ngăn ngừa mang thai ngoài tử cung.
Hầu hết mọi người đều có thể mang thai bình thường sau khi mang thai ngoài tử cung. Nhưng hãy cho bác sĩ hoặc y tá biết nếu bạn đang cố gắng mang thai. Bằng cách đó, họ có thể theo dõi quá trình mang thai của bạn để đảm bảo mọi thứ đều bình thường.
TS.DS. Nguyễn Trang Thúy – Bệnh viện ĐH Y Hà Nội (dịch)