Nguyên nhân, triệu chứng và các biến chứng của bệnh lý đau dây thần kinh số V
Đau dây V là một bệnh lý thần kinh chức năng nhưng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và công việc của bệnh nhân.
Đau dây thần kinh số V (đau dây V, tiếng anh là Trigeminal Neuralgia) đặc trưng bởi những cơn đau một bên mặt từng cơn kịch phát, như điện giật, hay tái phát từng đợt, khởi phát và kết thúc đột ngột, thường xuất hiện sau một kích thích không gây đau và phân bố theo từng vùng chi phối cảm giác của các nhánh dây thần kinh số V (dây thần kinh tam thoa).
Thường gặp ở những bệnh nhân từ 50 tuổi trở lên.
Nguyên nhân
– Đau dây thần kinh số V điển hình thường là do xung đột mạch máu thần kinh. Do tác động chèn ép liên tục của mạch máu vào lớp vỏ myelin của dây thần kinh tại vùng REZ, kèm tác dụng khuếch đại của nhịp tim, lâu dài dẫn tới mất myelin hoá ở lớp vỏ của thần kinh, mất tính ổn định của màng tế bào và rối loạn chức năng thần kinh và gây ra các cơn đau nửa mặt.
– Tuy nhiên cũng có một số trường hợp đau ở nửa mặt liên quan đến một số bệnh lý vùng góc cầu – tiểu não như xơ cứng rải rác, u màng não, u dây V, u nang thượng bì.
Triệu chứng
– Do tác động bởi xung đột thần kinh mạch máu gây ảnh hưởng đến chức năng của các dây thần kinh tương ứng, trên lâm sàng bệnh nhân có biểu hiện bởi chèn ép dây V. Phổ biến nhất là đau nửa mặt (do xung đột mạch máu thần kinh). Đau nửa mặt có tính chất cơn đột ngột, thường một bên, đau dữ dội, ngắn, cảm giác đau nhói như điện giật, hay tái phát từng đợt ở một hoặc nhiều nhánh của nó.
– Cơn đau có thể khởi phát sau các hoạt động như nhai, nuốt, rửa mặt, đánh răng, gió thổi vào mặt hoặc có kích thích không đặc hiệu ở vùng mặt. Trường hợp điển hình bệnh nhân có những vùng khởi phát, thường nằm trong má vùng miệng gọi là ‘‘cò súng’’, hay vùng kích hoạt (trigger point or zone).
– Vị trí hay gặp đau vùng mặt bên phải, đau hay xảy ra ở nhánh hàm trên và hàm dưới, đôi khi bệnh nhân đau vùng trán thậm chí toàn bộ một bên mặt.
Yếu tố nguy cơ
– Có một số nguy cơ được xác định của bệnh đau dây V bao gồm: tuổi, giới tính, tiền sử gia đình, bệnh xơ cứng rải rác. Lứa tuổi nguy cơ hay gặp sau tuổi 50.
– Nữ giới có nguy cơ bị bệnh cao hơn gấp khoảng 1,5 lần nam giới.
– Tăng huyết áp cũng là một yếu tố nguy cơ ở phụ nữ.
– Có khoảng 5% bệnh nhân có yếu tố gia đình liên quan đến di truyền.
Biến chứng
– Đau dây V là một bệnh lý thần kinh chức năng không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
– Các cơn đau diễn ra thường xuyên có thể ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, công việc nếu không được điều trị thích hợp có thể dẫn tới suy nhược trầm cảm.
– Bệnh nhân điều trị thuốc chống động kinh trong một thời gian dài có thể gặp một số tác dụng phụ của thuốc.
BS. Đồng Văn Sơn – Khoa Phẫu thuật Thần kinh I, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức