PGS. TS Trần Đắc Phu: Thời gian nghỉ lễ kéo dài, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh COVID-19
Ngày 17/4, số ca mắc COVID-19 lên đến hơn 1.000 ca. Một con số không hề nhỏ ở thời điểm hiện tại, gây nhiều hoang mang cho người dân. Chia sẻ với Tạp chí Sức Khoẻ Cộng Đồng, PGS. TS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế sẽ lý giải về vấn đề này.
Ngày 17/4, số ca mắc COVID-19 lên đến hơn 1.000 ca. Một con số không hề nhỏ ở thời điểm hiện tại, gây nhiều hoang mang cho người dân. Chia sẻ với Tạp chí Sức Khoẻ Cộng Đồng, PGS. TS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế sẽ lý giải về vấn đề này.
Số ca mắc COVID-19 trên cả nước tăng mạnh, Ông lý giải về vấn đề này ra sao? Có đáng lo ngại không?
Những ngày qua số ca mắc COVID-19 đang có dấu hiệu tăng trở lại là vì sau một thời gian tiêm vaccine miễn dịch giảm. Bên cạnh đó, miễn dịch của người đã nhiễm cũng giảm nên họ tiếp tục có nguy cơ mắc lại. Người dân tăng giao lưu đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây COVID-19 lây lan. Cuối cùng là việc người dân chủ quan, lơ là không thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh.
PGS. TS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế (Ảnh: Báo Chính phủ)
Số ca mắc COVID-19 tăng giảm là chuyện rất bình thường. Trên thế giới cũng thường xuyên xuất hiện các làn sóng ca mắc COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới vẫn chưa công bố hết dịch do tình hình chưa ổn định. Số ca mắc như hiện nay vẫn chưa phải số liệu thực tế vì người nhiễm bệnh có triệu chứng nhưng không xét nghiệm hoặc xét nghiệm dương tính nhưng không báo với cơ sở y tế và tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, để bùng phát lớn, gây quá tải cho hệ thống y tế hay là số ca tử vong tăng như đợt dịch của TP. HCM và miền Nam trước đây tôi nghĩ là không xảy ra. Những ca mắc đợt này nhẹ.
Hiện nay, chúng ta vẫn kiểm soát được dịch COVID-19 nhưng đừng vì thế mà chủ quan bởi những người dễ bị tổn thương như người già, trường hợp có bệnh nền sẽ triệu chứng nặng lên. Vì thế ngành y tế cũng phải đánh giá nguy cơ như thế nào, liệu có xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm, gây diễn biến nặng, các triệu chứng nguy hiểm hay có thể vô hiệu hóa vaccine chúng ta đang sử dụng hay không, để có cảnh báo cho người dân, đưa ra các phản ứng phù hợp để không bị bất ngờ, chủ động trong công tác phòng, chống dịch.
Ngành y tế đã có những biện pháp cụ thể ra sao trước tình hình dịch COVID-19 đang gia tăng như hiện nay?
Chúng ta cần phối hợp với các tổ chức quốc tế và nhìn vào tình hình Việt Nam để tổ chức tốt công tác phòng bệnh. Trong phòng chống dịch COVID-19 chúng ta vẫn phải thực hiện nguyên tắc nới lỏng nhưng không buông trôi, thả lỏng và vẫn kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó. Nếu chúng ta đánh giá không đúng nguy cơ thì không kiểm soát được dịch bệnh, nhưng nếu đánh giá nguy cơ cao quá dẫn tới đáp ứng thái quá thì lại cấm đoán gây tổn hại đến kinh tế, an sinh xã hội của người dân hoặc đầu tư cho chống dịch quá tốn kém trong khi còn rất nhiều các dịch bệnh khác cũng đang phải phòng chống. Vấn đề là chúng ta không nên quá lo lắng nhưng cũng đừng chủ quan lơ là. Điều quan trọng là chúng ta vẫn cần bảo vệ nhóm đổi tượng dễ bị tổn thương trước COVID-19 như người già, trẻ em, người suy giảm miễn dịch, người chưa tiêm vaccine COVID-19.
Dựa trên nguyên tắc nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó, Việt Nam cần phải đánh giá đúng nguy cơ, sẽ đưa ra kịch bản đáp ứng phù hợp không ảnh hưởng kinh tế. Tôi cho rằng cơ quan chức năng cần đánh giá lại miễn dịch cộng đồng hiện tại như thể nào, có chủng mới vô hiệu hóa vaccine hay không, đồng thời đánh giá lại việc tiêm vaccine theo lịch. COVID-19 sẽ không mất đi và việc tiêm vaccine là vẫn cần thiết nhưng quan trọng là xác định chúng ta nên tiêm cho đối tượng nào.
Nếu chúng ta đánh giá không đúng nguy cơ thì không kiểm soát được dịch bệnh, nhưng nếu đánh giá nguy cơ cao quá dẫn tới đáp ứng thái quá thì lại cấm đoán gây tổn hại đến kinh tế, an sinh xã hội của người dân hoặc đầu tư cho chống dịch quá tốn kém trong khi còn rất nhiều các dịch bệnh khác cũng đang phải phòng chống.
Dịp nghỉ lễ sắp tới, người dân đi lại nhiều, vậy Ông có những khuyến cáo gì?
Việt Nam đã có những biện pháp nới lỏng nhưng vẫn kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đặc biệt bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương. Do đó, Việt Nam cố gắng kiểm soát không để dịch bùng phát mạnh, đặc biệt không được để gây quá tải hệ thống y tế.
Thời gian nghỉ lễ tới đây nhu cầu đi lại gia tăng, vì vậy người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như mang khẩu trang, khử khuẩn và giữ khoảng cách tại khu vực nguy cơ để tránh gia tăng số ca bệnh. Những người có triệu chứng nghi ngờ và những người tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ phải đeo khẩu trang. Mọi người cần đeo khẩu trang để phòng bệnh cho mình và cộng đồng nhất là đối tượng dễ bị tổn thương (người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch…). Điều này không chỉ giúp phòng COVID-19 mà còn cả các bệnh viêm đường hô hấp khác như: cúm A, cúm B và các bệnh lây qua đường hô hấp khác. Ai có triệu chứng cũng nên xét nghiệm có phải đang mắc COVID-19 hay không và cuối cùng là cần tuân thủ theo lịch tiêm vaccine của Bộ Y tế.
Xin cảm ơn PGS.TS!
Nguyễn Trang (suckhoecongdongonline.vn)