Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò đặc biệt quan trọng của người cao tuổi. Trên cơ sở Quyết định số 772/QĐ-TTg, ngày 26/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 6 tháng 6 hàng năm trở thành “Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam”.
Vị trí, vai trò của Người cao tuổi
Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức được vị thế, vai trò, tiềm năng, sức mạnh và những giá trị cả về vật chất và tinh thần của người cao tuổi đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đối với gia đình và quê hương, trong thời chiến cũng như trong thời bình.
Bác Hồ với người cao tuổi (Ảnh tư liệu)
Ngay sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng tháng 01 năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, cách mạng muốn thắng lợi cần phải đoàn kết sức mạnh toàn dân tộc, trong đó phát huy được vai trò của các bậc phụ lão, cao niên là việc làm cần thiết. Người thường xuyên viết thư, trực tiếp nói chuyện thăm hỏi, động viên các bậc phụ lão cần tiếp tục phát huy vai trò của mình tham gia vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc. Người từng nói: “Đối với Người cao tuổi, tuy sức khỏe không bằng lúc còn trẻ nhưng có những mặt mạnh cơ bản, đó là: Có lòng yêu nước nồng nàn, sâu sắc; tuổi càng cao chí càng cao; tích lũy được vốn tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng phong phú; có sự tín nhiệm cao”.
Tháng 6/1941 trong “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão”, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ vai trò của Người cao tuổi có ảnh hưởng đến sự nghiệp cách mạng đất nước, đến quê hương và gia đình. Họ chính là những người đáng kính, có uy tín, là nơi quy tụ tinh thần đoàn kết, sức mạnh dân tộc: “Dẫu rằng tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân mỏi, nhưng một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang, một hành động của phụ lão có ảnh hưởng đến giết giặc… Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão đã có trọng trách là bậc tôn trưởng, đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng; phụ lão làm, nhân dân làm theo. Hô điều nên hô, làm việc nên làm. Người có của xuất của, người có sức dốc sức, góp gió thành bão, tụ hơi thành mây. Đồng bào cả nước đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão”(1).
Thực tiễn đã chứng minh vai trò của người cao tuổi đối với sự nghiệp cách mạng và trong xã hội. Trong kháng chiến, họ chính là những chiến sỹ du kích già với “tay chống gậy, tay cầm dao giết giặc cứu nước” luôn đi đầu và sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do, xứng đáng với danh hiệu: “Tuổi cao chí khí càng cao; Múa gươm giết giặc ào ào gió thu; Sẵn sàng tiêu diệt quân thù; Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng”(2). Trong Kiến quốc, người cao tuổi là những chiến sỹ trên mặt trận “diệt giặc dốt, giặc đói”, các cụ đã tham gia tích cực vào phong trào bình dân học vụ, động viên con cháu hăng say lao động sản xuất, thực hiện “hũ gạo tiết kiệm” chống nạn đói, xây dựng đời sống mới, tích cực động viên con cháu lên đường nhập ngũ tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc… Qua đó càng thể hiện vai trò to lớn không thể thiếu của mình trong sự nghiệp Kháng chiến, kiến quốc: “Càng già, càng dẻo, lại càng dai; Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai; Đôn đốc con em làm nhiệm vụ; Vuốt râu mừng xã hội tương lai”(3).
Ngày 21/9/1945, trong “Thư gửi các vị phụ lão” với tư cách là một người cao tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn phê phán quan niệm “Lão lai tài tận” (nghĩa là tuổi già thì tài hết, không làm được gì nữa), “Lão giả an chi” (người già nên ở yên) của một số người cao tuổi, đặc biệt trong bối cảnh nước ta vừa mới giành được độc lập với muôn vàn khó khăn đang ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của tất cả mọi người, trong đó có người cao tuổi: “Hiện nay, nước ta mới tranh lại quyền độc lập tự do, nhưng còn phải qua nhiều bước khó khăn, để củng cố quyền tự do độc lập đó. Vậy nên quốc dân ta, bất kỳ già trẻ, đều phải ra sức gánh một vai”(4).
Theo Người: với các bậc phụ lão tuổi cao sức yếu, tuy không làm được việc nặng nhọc, nhưng cũng không nên trông chờ, ỷ lại con cháu, mà phải biết phát huy kinh nghiệm của mình để dìu dắt động viên thế hệ trẻ: “Con cháu ta, thanh niên sức khỏe thì gánh vác việc nặng, chúng ta già cả, không làm được công việc nặng nề, thì khua gậy đi trước để khuyến khích bọn thanh niên và san sẻ những kinh nghiệm của chúng ta cho họ”(5). Từ nhận thức đó, ngay trong lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò của Người cao tuổi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bảo vệ độc lập dân tộc cùng với các giai cấp, tầng lớp nhân dân khác: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, người cao tuổi không chỉ là người có kinh nghiệm, uy tín, là người lao động cần cù, sáng tạo trong xây dựng gia đình, quê hương, đất nước, mà còn là người dám hy sinh thân mình vì độc lập tự do của dân tộc. Họ chính là những người trực tiếp làm nên lịch sử, gìn giữ bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Trong bài viết “Càng già càng giỏi” đăng trên báo Nhân Dân số 4218, ngày 22/10/1965, Người viết: “Tiếp tục truyền thống Diên Hồng vĩ đại, các cụ phụ lão cũng không vì tuổi cao tóc bạc mà hưởng thụ thanh nhàn. Các cụ đều cố gắng góp phần tích cực vào công cuộc chống Mĩ, cứu nước. Các cụ tùy điều kiện mà tổ chức đội Bạch đầu quân để làm những công việc như: khuyến khích con cháu tham gia bộ đội và thanh niên xung phong; giữ gìn trật tự trị an làng xóm; giúp đỡ dân quân, tăng gia sản xuất, trồng cây gây rừng; cổ động bà con đặt hũ gạo chống Mĩ cứu nước…”(6)
Cần phải có chính sách quan tâm kịp thời, phù hợp nhằm phát huy vai trò của người cao tuổi
Dù bận “trăm công nghìn việc”, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt, luôn ghi nhớ vai trò, công lao của người cao tuổi. Người luôn căn dặn các cấp bộ Đảng, chính quyền và Nhân dân ta phải biết kính trọng, tôn vinh, khuyến khích, động viên và có những chính sách quan tâm kịp thời đến việc chăm sóc, phát huy vai trò của Người cao tuổi.
Tại bất kỳ thời điểm nào, ở mọi lúc, mọi nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong việc chăm sóc Người cao tuổi. Thông qua các bài viết, bài nói chuyện, với tình cảm ân cần, gần gũi, chân thành, Người thường xuyên thăm hỏi, động viên kịp thời, khuyến khích Người cao tuổi tiếp tục phát huy vai trò của mình trong cuộc sống, phải tự mình học tập nâng cao dân trí, tích cực tham gia các hoạt động trong đời sống xã hội, tiếp tục là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Đối với các đồng chí đảng viên cao tuổi, Bác đặc biệt nhấn mạnh: “Công việc ngày càng nhiều, càng mới nên đảng viên già phải cố gắng mà học”, “Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”(7).
Trong lãnh đạo, chỉ đạo, Bác thường xuyên nhắc nhở các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các ngành, cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến địa phương phải thường xuyên quan tâm, chăm sóc, động viên và giúp đỡ kịp thời đối với Người cao tuổi, qua đó đảm bảo sức khỏe và cuộc sống cho họ, để họ tiếp tục phát huy vai trò cống hiến cho sự nghiệp cách mạng nước nhà.
Kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ sớm, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng, quan tâm đến công tác chăm sóc người cao tuổi. Ngày 10/5/1995, Hội Người cao tuổi Việt Nam được thành lập. Ngày 27/9/1995, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII ban hành Chỉ thị số 59/CT-TW “Về chăm sóc người cao tuổi”; Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, đã chỉ rõ định hướng chính sách đối với người cao tuổi: “… xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe, quan tâm hơn đến người cao tuổi về y tế, hưởng thụ văn hóa, nhu cầu được thông tin, phát huy khả năng tham gia đời sống chính trị của đất nước và các hoạt động xã hội, nêu gương tốt, giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công với nước. Xây dựng Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi. Phát huy vai trò Hội Người cao tuổi Việt Nam”8
Trên cơ sở đề nghị của Hội Người cao tuổi Việt Nam lấy ngày 6/6/1941 làm ngày truyền thống của người cao tuổi, ngày 26/3/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 772/QĐ-TTg lấy ngày 6/6 hàng năm là “Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam”, nhằm giáo dục truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước làm gương cho lớp trẻ đi sau tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giàu đẹp, văn minh, dân chủ bền vững. Đồng thời, vận động toàn dân tham gia phong trào chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, kêu gọi sự đóng góp của toàn xã hội cùng nhau chăm sóc Người cao tuổi, tạo điều kiện để Người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích và nghĩa tình. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII (2009) đã thông qua Luật Người cao tuổi. Qua đó thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người cao tuổi nước ta, những người có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, kết nối các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, có công lao to lớn trong sự nghiệp bảo vệ độc lập và xây dựng phát triển quê hương, đất nước. Chính phủ đã ban hành các Chương trình hành động về người cao tuổi. Ngày 13/10/2020 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1579/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030. Ngày 15/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP về mức trợ giúp xã hội, trong đó có người cao tuổi. Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã phát động các phong trào thi đua yêu nước đến tận cơ sở và hội viên. Nhiều phong trào thi đua yêu nước có hiệu quả thiết thực, sức lan tỏa rộng lớn, được Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao, góp phần tôn vinh người cao tuổi trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đại biểu Hội Người cao tuổi Việt Nam, ngày 13/1/2022. Ảnh: Trí Dũng– TTXVN
Nhấn mạnh vai trò và chính sách quan tâm đối với người cao tuổi, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, chiến đấu của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”. Kính trọng, bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi. Bảo trợ, giúp đỡ người cao tuổi gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa”(9).
Quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho Người cao tuổi cũng gắn liền với sự nghiệp nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe Nhân dân cả về vật chất và tinh thần, tầm vóc và tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống. “Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; tận dụng hiệu quả các cơ hội từ cơ cấu dân số vàng, thích ứng với quá trình già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đẩy mạnh phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao, tạo điều kiện về cơ sở vật chất để nhiều người dân được tham gia các hoạt động rèn luyện sức khỏe…”(10)
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII đã thể hiện tầm tư duy chiến lược, đổi mới và sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với người cao tuổi và nhấn mạnh quan điểm trước tiên là: Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, chiến đấu của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Coi trọng việc phát huy vai trò là bậc tôn trưởng trong xây dựng gia đình kiểu mẫu, là tấm gương sáng trong cộng đồng và xã hội. Nhắc nhở các tổ chức chính trị, xã hội, các ngành, các cấp và mỗi người dân Việt Nam phải đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao ý thức và thường xuyên kính trọng, bảo vệ, chăm sóc và bảo trợ, giúp đỡ người cao tuổi.
Đến nay, cả nước hiện có gần 13 triệu người cao tuổi, gần 7 triệu người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, trong đó có hơn 400.000 người cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi. Người cao tuổi đóng góp hơn 11 triệu ngày công, 3.500 tỷ đồng, hiến 25 triệu m2 đất để xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, người cao tuổi tích cực tham gia các tổ chức chính trị xã hội, thành lập các câu lạc bộ, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân…
Tư tưởng Hồ Chí Minh, về vị trí, vai trò của người cao tuổi cho đến nay vẫn luôn có tính thời sự sâu sắc. Việc tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh, thấm nhuần tư tưởng của Bác về người cao tuổi, là góp phần phát huy vị trí, vai trò, trách nhiệm, sự gương mẫu và tinh thần “tuổi cao – gương sáng” của người cao tuổi. Tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp và toàn xã hội đối với người cao tuổi trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; góp phần và tạo cơ hội phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, chiến đấu của người cao tuổi; bảo vệ, chăm sóc và giúp đỡ người cao tuổi trong thời kỳ mới.
Tài liệu tham khảo
(1) Hồ Chí Minh, Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão” (6-1941)
(2) Từ điển HCM sơ giản, tr.451, Nxb Trẻ, Ban khoa học lịch sử, Viện KHXH Thành phố HCM năm 2007
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, NxbChính trị Quốc gia, Hà Nội 2002, tr.214.
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NxbChính trị Quốc gia, Hà Nội 2002,tr.32.
(5) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NxbChính trị Quốc gia, Hà Nội 2002, tr.32.
(6) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, NxbChính trị Quốc gia, Hà Nội 2002, tr.521.
(7) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, NxbChính trị Quốc gia, Hà Nội 2002, tr94.
(8) Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-ix/nghi-quyet-so-23-nqtw-ngay-1232003-hoi-nghi-lan-thu-bay-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-ix-ve-phat-huy-suc-manh-dai-656
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, t.1, tr.170.
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, t.1, tr.266.
Văn Chương