Tác dụng của quả phật thủ chưng tết

07/02/2024

Phật thủ còn được gọi với các tên khác nhau như là Phật thủ phiến, Phật thủ cam, Hương duyên, Pục thủ (Tày), Ràng chum piếu (Dao). Tên gọi này xuất phát từ hình dáng của quả chia nhánh giống như một bàn tay với nhiều ngón tay thuôn dài, được ví như tay Phật. Cây có nguồn gốc ở cận Himalaya, thuộc Đông – Bắc Ấn Độ và Mianma. Ngày nay được trồng nhiều nơi trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. 

Phật thủ tên khoa học là Citrus medica L. var. sarcodactylis, thuộc họ Họ cam quýt (Rutaceae). Khác với các trái cây khác trong họ này, quả Phật thủ không có phần ruột và nước, phần lõi quả xốp và có vị đắng. Quả khi còn bé có màu xanh đậm, trưởng thành có màu vàng chanh, khi chín có màu vàng tươi, tỏa mùi hương thơm và thường được bày trang trọng ở giữa mâm ngũ quả trong những ngày Tết, với ý nghĩa tâm linh độc đáo, tượng trưng cho sự may mắn, tinh hoa, cát tường, là lễ vật quý báu để dâng cúng Phật, gia tiên trong những dịp lễ tết xuân về.

Ngoài ra, phật thủ còn có tác dụng chữa bệnh. Vỏ, lá và rễ của nó được sử dụng ở nhiều nơi làm thuốc dân gian để điều trị đau dạ dày, phù nề, nhức đầu, thấp khớp, viêm gan truyền nhiễm và viêm khớp. Trong đông y, phật thủ có vị cay, chua, đắng, tính ấm, quy kinh can, phế, vị. Công năng khí hóa đàm, thư can hòa vị chỉ thống. Chủ trị đau tức liên sườn, đau dạ dày thượng vị, buồn nôn và nôn, ho hen nhiều đờm, khó thở. Liều dùng: 2-10g quả khô. Hãm uống.

Cũng có một số báo cáo khoa học công bố về thành phần và tác dụng dược lý của quả phật thủ. Phân tích thành phần hóa học cho thấy, phật thủ chứa tinh dầu, polysaccharid, alkaloid, saponin, flavonoid, limonene, phytosterol, glycoside, hesperidin…Tổng cộng có 28 thành phần trong tinh dầu phật thủ được xác định bằng sắc ký khí-khối phổ, trong đó limonene (45,36%), γ-terpinene (21,23%) và axit dodecanoic (7,52%) là ba thành phần chính.

Trong các thử nghiệm in vitro, tinh dầu quả phật thủ thể hiện hoạt tính kháng khuẩn vừa phải đối với các vi khuẩn truyền bệnh qua thực phẩm thông thường như Escherichia coli, Staphylococcus aureus, Bacillus subtilis và Micrococcus luteus. Hoạt tính diệt khuẩn trên vi khuẩn Gram dương tốt hơn Gram âm. Nghiên cứu về cơ chế kháng khuẩn bằng cách quan sát những thay đổi về hình thái của vi khuẩn trên kính hiển vi điện tử quét, phân tích thời gian diệt khuẩn, và tính toàn vẹn của màng tế bào vi khuẩn cho thấy, hình thái của vi khuẩn được thử nghiệm bị thay đổi và tổn hại nghiêm trọng hơn khi nồng độ và thời gian tiếp xúc của vi khuẩn với tinh dầu quả phật thủ tăng lên, tốc độ phát triển của vi khuẩn sống sót giảm đáng kể. Tinh dầu quả phật thủ làm ly giải thành tế bào, rò rỉ các thành phần nội bào, và hậu quả là gây chết tế bào vi khuẩn.

Nghiên cứu tác dụng chống viêm của quả phật thủ trên tế bào đại thực chuột bị kích thích bởi lipopolysaccharide (LPS) cho thấy, Tinh dầu vỏ quả phật thủ ức chế đáng kể oxit nitric (NO) và prostaglandin E2 (PGE2) bằng cách ngăn chặn sự biểu hiện protein của enzym inducible nitric oxide synthase (iNOS) và cyclooxygenase (COX) -2. Ngoài ra, tinh dầu vỏ quả phật thủ còn ngăn chặn việc sản xuất yếu tố hoại tử khối u-α (TNF-α), interleukin (IL) -1β, và IL-6. Tinh dầu vỏ quả phật thủ làm giảm sự hoạt hóa yếu tố nhân tăng cường chuỗi nhẹ kappa tế bào B hoạt hóa (NF-κB) thông qua ức chế phosphoryl hóa chất ức chế κB-α. Hơn nữa, Tinh dầu vỏ quả phật thủ đã ngăn chặn sự hoạt hóa của các kinase như c-Jun N-terminal kinase (JNK) và kinase điều hòa tín hiệu ngoại bào (ERK) nhưng không ngăn chặn sự hoạt hóa của kinase hoạt hóa bởi mitogen p38. Những kết quả này chỉ ra rằng tinh dầu vỏ quả phật thủ ức chế tình trạng viêm do lipopolysaccharide kích thích bằng cách ngăn chặn các con đường NF-κB, JNK và ERK trong đại thực bào.

Một khảo sát đánh giá thành phần có hoạt tính sinh học được thực hiện đã phát hiện được ba benzodioxane neolignans mới (1–3), ba phenanthrofuran neolignan glycoside mới (4–6), hai biphenyl-ketone neolignans (7–8), hai neolignans 1 ′, 7′-bilignan mới (9–10), và 14 dẫn xuất neolignan khác (11–24) trong quả phật thủ. Trong số đó, hợp chất 1-3 và 12-13 có hoạt tính bảo vệ gan vừa phải để cải thiện tỷ lệ sống sót của tế bào HepG2 từ 46,26 ± 1,90% (APAP, 10 mM) lên tương ứng là 67,23 ± 4,25%, 62,87 ± 4,43%, 60,06 ± 6,34%, 56,75 ± 2,30%, 58,35 ± 6,14%. Ngoài ra, các hợp chất 7–8 và 21–22 thể hiện các hoạt động bảo vệ thần kinh vừa phải để nâng tỷ lệ sống sót của tế bào PC12 từ 55,30 ± 2,25% lên tương ứng là 66,94 ± 3,37%, 70,98 ± 5,05%, 64,64 ± 1,93% và 62,81 ± 4,11% ở 10 μM.

Quả phật thủ còn được chứng minh có tác dụng tiết insulin và giảm béo ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2.

Dược sĩ Lê Hằng – Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam

comment Bình luận