Một chương trình tập thể dục kéo dài 6 tháng có thể giúp duy trì nhịp tim bình thường và giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ở bệnh nhân rung nhĩ.
Rung nhĩ (Atrial fibrillation – AF) là một rối loạn nhịp tim khiến tim đập nhanh và không đều, với các triệu chứng phổ biến là hồi hộp, khó thở, choáng váng và mệt mỏi. Không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống, bệnh còn làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ và suy tim. Người trên 55 tuổi có hơn 33% nguy cơ mắc chứng rối loạn này. Dù vậy, rất ít nghiên cứu xem xét lợi ích của tập thể dục đối với bệnh nhân rung nhĩ.
(Ảnh: Cleveland Clinic)
Thử nghiệm ACTIVE-AF của Đại học Adelaide (Úc) đã đánh giá tác động của chương trình tập aerobic tại nhà kéo dài 6 tháng và theo dõi tiếp 6 tháng sau đó. Nghiên cứu bao gồm những bệnh nhân có các đợt rung nhĩ ngắn (AF kịch phát) hoặc các đợt rung nhĩ dài hơn (AF dai dẳng) cần can thiệp để khôi phục nhịp tim bình thường. 120 bệnh nhân, trung bình 65 tuổi, được ngẫu nhiên phân bổ vào nhóm chăm sóc thông thường hoặc nhóm tập aerobic, với mục tiêu là tăng cường các bài tập làm tăng nhịp tim nhịp thở lên 3,5 giờ/tuần (như đi bộ, đạp xe tại chỗ hoặc bơi lội).
Các chuyên gia đánh giá mức độ nghiêm trọng của triệu chứng rung nhĩ và tỷ lệ bệnh nhân tái phát sau 12 tháng. Kết quả cho thấy tỷ lệ tái phát AF thấp hơn đáng kể ở nhóm tập thể dục (60%) so với nhóm đối chứng (80%). Điều đó có nghĩa là phần lớn bệnh nhân trong nhóm tập thể dục có thể duy trì nhịp tim bình thường mà không cần can thiệp xâm lấn hoặc tiếp tục sử dụng thuốc. “Nghiên cứu cho thấy tập aerobic nên được kết hợp vào việc điều trị bệnh rung nhĩ có triệu chứng, bên cạnh sử dụng thuốc theo toa và kiểm soát cân nặng, chứng tăng huyết áp và ngưng thở khi ngủ”, Tiến sĩ Adrian Elliot, trưởng nhóm nghiên cứu kết luận.
Theo Hindustan Times