Tết thanh minh 2023 vào ngày 5/4 dương lịch
Tết Thanh minh là ngày đầu tiên của tiết Thanh minh. Tết Thanh minh 2023 nhằm ngày 5/4 dương lịch.
Tết Thanh minh là ngày đầu tiên của tiết Thanh minh. Tết Thanh minh 2023 nhằm ngày 5/4 dương lịch.
Nguồn gốc tết Thanh minh
Theo Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hàng năm. Tiết khí này được lập lịch theo quan niệm của các quốc gia phương Đông. Người xưa chọn ngày đầu tiên của tiết Thanh minh để làm ngày tết Thanh minh.
Về mặt nghĩa đen, thanh là khí trong, minh là sáng sủa. Thanh minh nghĩa là khí trời mát mẻ quang đãng. Tiết Thanh minh kéo dài khoảng 15 – 16 ngày.
Năm 2023, tết Thanh minh sẽ nhằm ngày 5/4 dương lịch (15/2 âm lịch), sau khi kết thúc tiết Xuân phân và kéo dài đến ngày 20/4.
Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ nổi tiếng mà hầu như người Việt nào cũng thuộc: “Thanh minh trong tiết tháng Ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh…”. Câu này khiến mọi người nghĩ rằng tết Thanh minh luôn diễn ra vào tháng 3 âm lịch.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay người ta tính các tiết khí theo lịch dương. Năm Quý Mão nhuận tháng 2 nên tết Thanh minh nhằm vào 15/2 âm lịch chứ không phải tháng 3 âm lịch.
Tiết Thanh minh 2023 năm nay rơi vào thứ 4 ngày 5/4 Dương lịch, tức ngày 15/2 nhuận Âm lịch
Ý nghĩa của tết Thanh minh
Tết Thanh minh là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về tâm linh của người Việt. Ngày tết Thanh minh gắn với nghi lễ tảo mộ, sửa sang lại phần mộ của gia tộc cho khang trang, sạch sẽ hơn. Vì thế, đây cũng là dịp để mọi người tri ân, tưởng nhớ những người thân đã mất.
Theo TS Nguyễn Ánh Hồng, Trưởng khoa Văn hóa Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), vào ngày Thanh minh, người dân đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau tảo mộ. Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên và thắp hương cho người đã khuất.
Trong ngày tết Thanh minh, người già hay trẻ đều ra phần mộ dòng họ để có trách nhiệm hơn với gia đình, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn các thế hệ trước.
Dịp Thanh minh, các nghĩa trang thường nhộn nhịp, bởi trẻ con cũng được cho đi theo để nhận biết mộ phần của tổ tiên, học hỏi các nghi lễ truyền thống.
Những người sống xa quê cũng thường thu xếp công việc để về quê tảo mộ. Nhiều người không về đúng ngày tết Thanh minh. Thế nhưng, họ có thể về bất kỳ ngày nào miễn vẫn còn trong tiết Thanh minh.
Sự nhân văn của người Việt cũng thể hiện trong dịp Thanh minh qua việc giúp sửa sang, quét tước cho những ngôi mộ vô chủ, hoặc những mộ phần ít người thăm viếng. Khi thắp hương cho mộ phần gia tộc mình, mọi người thường thắp cho mỗi ngôi mộ xung quanh một nén hương.
Trong ngày tết Thanh minh, người Việt còn chuẩn bị mâm cúng tại nhà, ngoài mộ để cúng tổ tiên.
Mâm cúng Thanh minh tại nhà thường có một số món ăn như: xôi, gà luộc, canh măng, các món xào… Bên cạnh đó, mâm cúng Thanh minh còn cần thêm trái cây, hoa tươi, trầu cau, vàng mã… Nếu không muốn cúng lễ mặn, mọi người có thể làm mâm cúng chay.
Với những gia đình không nấu cỗ cúng tết Thanh minh, gia chủ có thể thắp hương với trái cây tươi, trà, một ít bánh, kẹo để tỏ lòng biết ơn với tổ tiên.
Trước khi cúng, cần dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng sạch sẽ, lau sạch bàn thờ gia tiên. Người cúng phải mặc quần áo sạch sẽ, chỉnh tề rồi lên hương, vái lạy tổ tiên và đọc văn khấn. Khi một tuần hương cháy hết thì gia đình có thể hóa vàng và xin thụ hưởng lộc.
Những điều cần tránh khi đi tảo mộ Tết Thanh minh
Khi đi tảo mộ ngày Tết Thanh minh, cần chú ý một số điều để bảo vệ sức khỏe, tránh vận đen và thể hiện lòng thành kính đối với những người đã khuất.
– Không nên đi vào những nơi hẻo lánh để tránh nguy hiểm. Tốt nhất hãy đi theo lối mòn mà những người đi trước đã để lại.
– Phụ nữ mang thai không nên đi tảo mộ vì cơ thể yếu, dễ bị nhiễm lạnh và khí độc ở nghĩa trang.
– Khi đi lại cần nhẹ nhàng, cẩn thận. Bạn không nên làm lộn xộn và xới vung đất vụn, đá vụn để tránh ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan xung quanh.
– Mộ phần của tổ tiên cần được quét dọn cỏ dại, thêm đất mới và hoa tươi. Đừng quên quét dọn cả phía sau mộ.
– Tránh giẫm đạp lên mộ của nhà khác hoặc đá vào đồ cúng trên mộ của người khác. Gia đình có trẻ nhỏ nên chú ý trông chừng các bé cẩn thận.
– Những người sức khỏe yếu khi trở về nhà nên bước qua chậu than hoặc tắm nước lá bưởi để xua đi khí độc.
Tuệ Minh (tổng hợp)