Bộ cốt làm hồng TA Cos không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn, có dấu hiệu chứa chất cấm độc hại. Sản phẩm khi “qua tay” quảng cáo, bán hàng của bà Nguyễn Thị Phương Thảo (tổng làm hồng Thảo Anh) đã trở thành “thần dược” làm hồng vùng kín, nhũ hoa khiến nhiều chị em mê mệt.
Những năm gần đây, thị trường kinh doanh các sản phẩm làm hồng nhũ hoa, công nghệ làm hồng vùng kín đang là “mảnh đất màu mỡ”, để nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tập trung đẩy mạnh các chiến lược kinh doanh, kéo theo hàng loạt chiêu trò buôn bán. Trong đó, đáng quan ngại nhất là tình trạng quảng cáo thổi phồng công dụng, sử dụng chất cấm vào sản phẩm làm hồng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe, thậm chí là tính mạng người tiêu dùng.
Bộ cốt Thảo Anh- Tổng làm hồng được quảng cáo như “thần dược” khiến chị em mê mệt
Nhận trái đắng khi nghe, tin, dùng “công nghệ” làm hồng
Mới đây, Tòa soạn Sức Khỏe Cộng Đồng tiếp nhận thông tin phản ánh của chị Kiều Linh – Chủ một spa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Chị cho biết, do nhu cầu mở rộng dịch vụ làm đẹp tại spa của mình, chị Linh được người quen giới thiệu sản phẩm làm hồng nhũ hoa, vùng kín thương hiệu TA cos của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, có tên gọi là Tổng làm hồng Thảo Anh. “Tôi liên hệ và được bà Thảo trao đổi điều kiện, để được học và nhập sản phẩm, với phí đào tạo là 30.000.000đ, nhập hàng giá trị đơn hàng mức thấp nhất 20.000.000đ. Để tạo sự tin tưởng, bà Thảo giới thiệu “sản phẩm là công nghệ tiên tiến, hồng ngay tức thì, bỏ ra số tiền đó sau học xong sẽ thu lại vốn ngay lập tức…”. Nghe là ham, tôi không ngần ngại bỏ ra chi phí tham gia học và được bà Thảo trực tiếp đào tạo.
Trong khi học bà Thảo đã tung chiêu trò chốt sale, với những gói, mức giá trị đơn hàng nhập rất hấp dẫn. Tôi lại lần nữa ham, và bỏ ra số tiền 364.000.000đ cho đơn hàng 70 bộ cốt làm hồng vùng kín, nhũ hoa TA cos, mỗi 1 bộ làm hồng TA cos sẽ làm được cho 20 vùng, mỗi vùng thu 5.000.000đ. Sau khi được đào tạo công nghệ làm hồng mà bà Thảo trực tiếp “cầm tay chỉ việc” và chuyển giao công nghệ, tôi đã nhập sản phẩm. Nhập sản phẩm xong tôi đã ngay lập tức có khách đặt liệu trình. Thế nhưng, vừa làm cho một khách hàng đầu tiên, 15 phút sau, hồng đâu không thấy mà vùng “nhũ hoa” của khách hàng bắt đầu xuất hiện các tổn thương tấy đỏ, sưng nề, nổi mụn nước, ngứa.
Bộ cốt làm hồng mà chị Linh sử dụng để làm cho khách
Sau khi thấy khách hàng của mình có triệu chứng như vậy, tôi đã phản ánh tình trạng của khách như vậy với bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Do hoang mang và lo sợ sản phẩm không an toàn với người dùng, và vì phương pháp làm không ổn, đồng thời, giá nhập sản phẩm lại rất đắt, nên tôi muốn trả lại toàn bộ hàng hóa đã nhập của bà Thảo, nhưng bà Thảo không chịu trách nhiệm và không cho tôi trả lại hàng. Bởi bà Thảo cho rằng, đó là sản phẩm được làm giả, làm nhái bộ cốt của tổng làm hồng Thảo Anh. Sau khi khách hàng đầu tiên bị gặp tình trạng đó, tôi cũng không một lần nào dùng sản phẩm TA cos của bà Thảo đã bán cho tôi, để làm cho khách nữa. Tôi cực kỳ hoang mang không biết do họ cố ý lừa mình hay tại mình nghe và ham, nên đã dẫn đến tiền mất mà hại mình, hại khách hàng của mình không nữa !”. Chị Linh buồn bã nói.
Theo các chuyên gia da liễu cho biết: Hiện không có sản phẩm hay công nghệ nào mà làm hồng nhanh chóng như vậy. Nếu sản phẩm được quảng cáo hồng nhanh, tức thì, thì chỉ có chứa chất lột tẩy.
Quan sát lại tất cả các sản phẩm mà chị Linh đã mua từ bà Thảo, bao gồm 1 serum, 1 gel và một hộp kem mang tên TA cos, thì nhận thấy các sản phẩm không hề có thông tin về nguồn gốc xuất xứ, đơn vị sản xuất, đơn vị chịu trách nhiệm sản phẩm, đơn vị phân phối …mà chỉ thấy dòng chữ Made In Singapo ở bộ TA Cos. Mở sản phẩm ra xộc lên mũi mùi hóa chất nồng nặc ở lọ Gel và hộp kem sản phẩm.
Bản thân chị Linh vì lương tâm không cho phép chị kinh doanh và lừa dối khách hàng như vậy, nên chị cũng đã đóng cửa spa, từ bỏ mảng làm hồng: “Tôi nhận thấy đây là chiêu trò đánh lừa người tiêu dùng, nên lương tâm tôi không cho phép mình làm tiếp công việc này. Sau khi đi học xong mấy ngày để lấy cái bằng chứng chỉ đã được đào tạo do bà Nguyễn Thị Phương Thảo cấp, tôi mới phát hiện ra thực chất của công nghệ làm hồng mà bà Thảo quảng cáo sang chảnh, hút người trên mạng xã hội này thực chất là bôi sản phẩm có chất lột tẩy và có chất kích hồng lên. Nghi ngờ sản phẩm có chất gây kích ứng da, nên tôi đã đi kiểm nghiệm và quả thật các sản phẩm trong bộ cốt làm hồng TA cos đều có chứa chì và một số chất cấm khác”.
Một trong những sản phẩm TA cos đã bán ra thị trường có chứa 5 chất cấm trong đó hàm lượng chất Hydroquynone khá cao có khả năng gây ung thư da
Vạch trần “công nghệ làm hồng” từ lò đào tạo không phép
Từ thông tin của chị Linh, phóng viên đi vào tìm hiểu, thì thấy thực chất công nghệ làm hồng này có lợi nhuận rất khủng. Bởi lẽ, đây là chiêu trò đánh lừa người tiêu dùng quá tinh vi, nhờ thứ công nghệ được “vẽ” ra. Nhưng, thực chất lại sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm chứng về thành phần và chất lượng để bôi vào vùng da khách hàng.
Được biết, Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, người được giới thiệu là tổng kho làm hồng, sáng lập thương hiệu TA Cos, có chuỗi học viện Thảo Anh tổng làm hồng, có nhà máy sản xuất Cốt hồng khít sau 15 phút và có nhiều cơ sở trải dài từ Bắc vào Nam. Thế nhưng, thực chất học viện Thảo Anh tổng làm hồng này lại là hoạt động đào tạo không phép để “làm tiền” bất chấp.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Facebook tích xanh với những ngôn từ quảng cáo, khoe sự giàu sang nhờ bán các sản phẩm làm hồng và cách làm hình ảnh sang chảnh để hút học viên theo học, và khách hàng
Trong vai một chủ spa có nhu cầu nhập cốt làm hồng, phóng viên được bà Nguyễn Thị Phương Thảo tư vấn, giới thiệu và mời đến một căn phòng tại tòa nhà SA2 Sakura Vinsmart city Tây Mỗ để học “làm giàu” từ chính công nghệ làm hồng này. Cũng tại đây, phóng viên phát hiện ra nhiều dấu hiệu vi phạm từ chính “công nghệ” này và xác nhận thông tin độc giả phản ánh là có cơ sở.
Sau khi được bà Nguyễn Thị Phương Thảo chiếu slide về lý thuyết để các học viên nghe, PV nhận thấy việc đào tạo từ một giáo trình soạn sẵn, nhưng vẫn thu tiền của học viên giá 30 triệu là quá khủng khiếp, có dấu hiệu lừa dối học viên.
Học lý thuyết về công nghệ làm hồng xong, bà Nguyễn Thị Phương Thảo từ từ hướng dẫn mọi học viên làm trên mẫu bằng con canh thành thạo. Sau đó học viên sẽ được thực hành công nghệ làm hồng từ những khách hàng mẫu.
Trực tiếp được bà Thảo đào tạo và tham gia lớp học mới thấy được “công nghệ” làm hồng, mà bà Nguyễn Thị Phương Thảo hay quảng cáo trên mạng, thực chất chỉ là dùng bông tăm chấm một loại hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ, mùi nồng, hắc bôi lên “vùng cần làm hồng” rồi dùng hai lọ gel và kem tương tự phủ lên là xong. Thế nhưng, loại hóa chất cùng lọ kem, gel không rõ nguồn gốc xuất xứ này, qua lời của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, lại trở thành một loại thần dược, khiến hàng nghìn người phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ để trải nghiệm, sau đó học nghề, rồi nhập chính những sản phẩm này về phân phối tiếp cho các khách hàng khác.
Cứ như vậy, học viên này qua học viên khác, nếu muốn kiếm tiền và nắm giữ được công nghệ làm hồng trong tay đều phải bỏ tiền ra đi học. Trở thành học viên rồi mới được nhập sản phẩm về làm cho khách, chứ bà Nguyễn Thị Phương Thảo không bán sản phẩm lẻ. Chính vì thế mà học viên – những người được bà Thảo đào tạo rồi bán sản phẩm hưởng những lợi nhuận chiết khấu vô cùng hấp dẫn.
Sản phẩm không phép không rõ nguồn gốc được lên đời qua các spa và học viên với giá cắt cổ thu lợi nhuận khủng
Phóng viên được bà Thảo chốt bộ cốt làm hồng với mức thấp nhất mà phóng viên phải bỏ ra là 31.000.000đ, kèm với đó là 10 lọ kem dưỡng có giá 5.940.000đ. Sau đó, bà Thảo còn gợi ý cho phóng viên tham gia gói đồng hành 300 triệu sẽ được đào tạo cách chốt sale và hướng dẫn từ A đến Z. Đảm bảo tham gia gói đồng hành, phóng viên sẽ “giàu lên nhanh chóng”. Chỉ “ngồi không mà hưởng” vì có người khác làm cho mình.
Cầm trên tay sản phẩm Thảo Anh Cos, phóng viên nhận thấy sản phẩm không hề có thông tin thể hiện nguồn gốc xuất xứ, số công bố, số lô sản xuất và đơn vị chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm ra thị trường.
Khi Phóng viên hỏi bộ cốt này có xuất xứ từ đâu, có giấy công bố không và có được xuất hóa đơn không? Thì bà Thảo cho rằng: “Đây là sản phẩm từ Singapo, không xuất hóa đơn và có giấy công bố”, nhưng bà Thảo lại không cung cấp được giấy công bố cho phóng viên, cũng như giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Ngoài hoạt động đào tạo không phép và dùng những “chiêu trò” chốt sale khách hàng, khi họ đã trở thành học viên, bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn nhận gia công làm thương hiệu riêng cho những ai có nhu cầu.
Một trong hàng trăm video quảng cáo hô biến mỹ phẩm làm hồng thành thần dược của bà Thảo
Từ những dữ liệu trên hệ thống Y tế, được biết, các sản phẩm làm hồng mà bà Nguyễn Thị Phương Thảo sử dụng để làm hồng cho khách và bán cho các học viên ra thị trường chưa được cấp phép lưa hành, và chưa được cơ quan chức năng nào kiểm nghiệm chất lượng những sản phẩm này. Chính vì vậy, việc sử dụng vô cùng nguy hiểm, người tiêu dùng cần cẩn trọng.
BS. Nguyễn Thành (Bệnh Viện Da liễu TW) cho biết, Theo quy luật sinh học của cơ thể, thời gian để tác động làm thay đổi tế bào biểu mô từ lớp mầm đến lớp biến hóa trên cùng là lớp sừng cũng phải mất ít nhất là 4 tuần, nếu không tuân theo quy luật này sẽ gây tổn thương da. Trong khi sản phẩm làm hồng quảng cáo 1-2 tuần là hồng đã thấy kì lạ rồi, vậy mà hồng sau 15 phút thì không hiểu chất gì có tác dụng thần kỳ như vậy.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Lượng (Viện Bỏng Quốc gia) cho biết, các loại kem làm hồng nhũ hoa đều sử dụng AHA, một loại acid có tác dụng lột, tẩy da nhẹ, giúp làm da đỡ tối màu, nên phải hết sức cẩn thận. Da ở khu vực này rất nhạy cảm, nếu lạm dụng thuốc bôi, hoặc dùng loại kem không rõ nguồn gốc, chất lượng kém thì có thể gây tổn thương, viêm loét vùng ngực.
Hơn nữa, đầu nhũ hoa có hồng hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, quan trọng là sắc tố màu da, lượng hormone. Một người có làn da đen thì sao mà hồng tươi được, nếu có bôi kem cũng không phát huy nhiều tác dụng.
Còn theo bác sĩ Dương Thị Hiền Lương, hiện nay trên mạng xã hội có nhiều sản phẩm được chào bán với lời quảng cáo “có thể làm hồng cô bé cấp tốc”. Và những sản phẩm nào mà quảng cáo làm hồng nhanh chóng như vậy có thể chứa corticoid làm trắng hồng bề mặt da nhanh nhưng “lợi ít hại nhiều”. Thậm chí có trường hợp da vùng âm đạo bị mẩn ngứa, sưng đỏ.
Với những sản phẩm đưa ra thị trường không rõ nguồn gốc xuất xứ, lại chứa chất cấm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Chúng tôi đề nghị Cục quản lý Dược – Bộ Y tế, Sở Y tế Thành phố Hải Phòng và các cơ quan chức năng liên quan sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý và thu hồi sản phẩm (nếu vi phạm), để bảo vệ sức khỏe, phí tổn cho người tiêu dùng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin….
Minh Châu