Tại thời điểm kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh ghi nhận có hơn 50 người đến tham gia hội thảo. Hội thảo do Công ty Cổ phần Quốc tế Xuất nhập khẩu Nano Green tổ chức tại tầng 2 tòa nhà số 289 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện Ban tổ chức hội nghị cung cấp Đoàn kiểm tra Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp “Công ty Cổ phần Quốc tế Xuất nhập khẩu Nano Green” số 0317121564 ngày 12/01/2022 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố cấp (Giám đốc là ông Mai Văn Thưởng), có trụ sở chính tại 736/36 Cách Mạng Tháng Tám, Phường 5, Quận Tân Bình, ngành nghề kinh doanh chính là bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm…
Hình ảnh quảng cáo “Đại hội Da liễu Spa 2024” trên trang mạng xã hội Facebook
Tại đây, Đoàn kiểm tra phát hiện các tờ rơi, bảng standee có ghi “Bộ sản phẩm Misaki công nghệ đến từ Nhật Bản, Đánh bật nám da – đầy sẹo” “Điều trị tình trạng tăng sắc tố, kem dưỡng nám ức chế các sắc tố”…, với các poster quảng cáo (đặt bên trong hội trường) “Chuyên gia Mai Oanh, Chuyên gia Thanh Thủy,…”, và các mẫu sản phẩm mỹ phẩm nhãn hàng Misaki. Ngoài ra, khi kiểm tra khách mời, Đoàn ghi nhận có bảng tên của người nước ngoài (“Chuyên gia Nhật Bản Akihisa”, “Tiến sĩ-Ths LTD”…).
Đoàn kiểm tra yêu cầu Công ty Cổ phần Quốc tế Xuất nhập khẩu Nano Green ngừng việc tổ chức hội nghị giới thiệu sản phẩm khi chưa được cấp phép của cơ quan chức chức năng, gỡ bỏ các nội dung quảng cáo mỹ phẩm tại hội nghị và trên trang thông tin điện tử của cơ sở.
Khi được hỏi làm thế nào biết hội thảo để tham dự? Một khách tham dự cho biết, đọc được thông tin từ tài khoản mạng xã hội Facebook “Misaki Việt Nam” và do bạn bè giới thiệu. Và sau khi đăng ký đã được mời đến địa chỉ tại tầng 2 địa chỉ 289 Điện Biên Phủ, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh để tham dự Hội nghị.
Hội thảo không phép diễn ra tại tầng 2 tòa nhà 289 Điện Biên Phủ, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
Theo quy định điểm a khoản 5 Điều 67, khoản 5 Điều 4 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế hành vi “Thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng thực phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm khác không phải là thuốc có tác dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người, khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các sản phẩm đó là thuốc, trừ trang thiết bị y tế” với mức phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, nhân đôi đối với tổ chức.
Bên cạnh đó hành vi “Không thông báo tới cơ quan có thẩm quyền trước khi tổ chức hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện giới thiệu mỹ phẩm theo quy định của pháp luật” vi phạm khoản 1 Điều 69, khoản 5 Điều 4 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, chịu mức phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, nhân đôi đối với tổ chức.
Theo quy định của pháp luật, trường hợp Doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo mỹ phẩm thông qua hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện thì nộp hồ sơ tại Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi dự kiến tổ chức hội nghị, hội thảo, sự kiện, để được cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Thông tư số 09/2015/TT-BYT ngày 25/05/2015 của Bộ Y tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế; Điều kiện xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm theo quy định tại Điều 6 Thông tư này và Hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm nộp theo quy định tại Điều 13 và 15 của Thông tư này.