Tiểu đường là vấn đề sức khỏe ưu tiên trên phạm vi toàn cầu với khoảng 415 triệu ca trên toàn thế giới. Với sự lão hóa của dân số, dự đoán tỷ lệ mắc bệnh sẽ tăng đáng kể, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp và trung bình như Việt Nam. Khi bệnh tiến triển có thể gây ra nhiều biến chứng như: bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh thận và bệnh lý võng mạc… Vì vậy, biến chứng của bệnh tiểu đường là vấn đề sức khỏe quan trọng có tác động đáng kể tới chất lượng sống. Việc chẩn đoán sớm, điều trị hợp lý giúp kéo dài thời gian ổn định của bệnh, ngăn ngừa, dự phòng biến chứng. Do đó, các xét nghiệm giúp chẩn đoán, chẩn đoán phân biệt, theo dõi điều trị tiểu đường ngày càng thu hút được sự quan tâm. Trong đó peptide C (connecting peptide) là một xét nghiệm có nhiều ưu điểm trong chẩn đoán cũng như theo dõi điều trị tiểu đường.
Peptide C là hormon peptide được tiết bởi tế bào β của tuyến tụy. Cụ thể tế bào β tiết tiền hormon insulin proinsulin, sau đó protein này chia cắt thành 2 đoạn peptide là insulin và peptide C. Như vậy peptide C được tiết từ tế bào β với lượng cân bằng với insulin, tuy nhiên việc định lượng peptide C không bị nhiễu bởi insulin ngoại sinh (được đưa vào cơ thể trong quá trình điều trị). Hơn nữa tốc độ giáng hóa của C-peptide trong cơ thể chậm hơn Insulin (thời gian bán thải của peptide C là 20-30 phút dài hơn nhiều so với Insulin là 3-5 phút), khoảng 50% Insulin bị chuyển hóa bởi gan còn với peptide C thì hoạt động này không đáng kể nên kết quả định lượng peptide C ổn định hơn. Do đó định lượng peptide C có một số ưu điểm so với insulin trong chẩn đoán, đặc biệt trong theo dõi điều trị tiểu đường. Cụ thể như sau:
Vai trò của peptide C trong chẩn đoán tiểu đường: xét nghiệm này luôn được chỉ định cùng xét nghiệm Glucose máu. Nếu nồng độ Glucose máu cao kết hợp với peptide C thấp thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường typ 1 hoặc ở bệnh nhân tiểu đường typ 2 (ở giai đoạn muộn, tụy giảm sản xuất insulin). Hơn nữa, peptide C đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán phân biệt hạ đường huyết- thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường với hạ đường huyết không liên quan với tiểu đường.
Vai trò peptide C trong theo dõi điều trị tiểu đường: xét nghiệm này hữu ích trong việc dự đoán mức độ đáp ứng với thuốc hạ glucose máu, nguy cơ biến chứng của tiểu đường trong tương lai.
Ngoài ra peptide C còn hỗ trợ trong chẩn đoán một số bệnh khác: u tế bào β, hội chứng Cushing, tình trạng kháng insulin, theo dõi chức năng tụy sau ghép…
Xét nghiệm định lượng peptid C có thể đo trong mẫu nước tiểu hoặc mẫu máu (ngẫu nhiên, lúc đói hay ở trạng thái kích thích bằng Glucagon, Glucose…) tùy mục đích sử dụng của xét nghiệm.
BS. Minh Huyền – Khoa Sinh hóa (C2-B) – Bệnh viện TWQĐ 108