Bệnh nhân đái tháo đường có thể có biểu hiện hiện ở mắt đó là bệnh võng mạc đái tháo đường. Khi mức đường trong máu cao đủ thời gian sẽ gây phá hủy các mạch máu võng mạc làm cho mạch máu này bị phù, rò rỉ hoặc tắc gây cản trở lượng máu đến nuôi tế bào võng, đôi khi có nhiều mạch mách võng mạc bất thường được tạo thành. Hậu quả cuối cùng là gây giảm thị lực.
Có 2 giai đoạn chính của bệnh võng mạc đái tháo đường: (1) bệnh võng mạc đái tháo đường không tăng sinh (NPDR): đây là giai đoạn sớm của bệnh võng mạc đái tháo đường nhiều bệnh nhân đái tháo đường hay gặp. Đặc điểm của giai đoạn này là những chấm đỏ (vi phình mạch) trên võng mạc và có hiện tượng tượng rò rỉ túi phình gây phù võng mạc cục bộ, nếu vùng phù ngay hoàng điểm sẽ gây giảm thị lực, đây là nguyên nhân gây nhìn mờ phổ biến ở bệnh nhân đái tháo đường. Hoặc mạch máu võng mạc nuôi vùng hoàng điểm bị hẹp gây thiếu máu hoàng điểm và hậu quả cuối cùng là những đốm xuất tiết trên võng mạc, những đốm xuất tiết có thể gây giảm thị lực. (2) bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh (PDR): là giai đoạn sau của bệnh võng mạc đái tháo đường, giai đoạn này võng mạc bắt đầu phát triển những mạch máu mới gọi là tân mạch võng mạc. Những mạch máu mới này thường mong manh không bền vững, dễ bị vỡ hoặc rò rỉ gây xuất huyết võng mạc hoặc xuất huyết vào buồng pha lê thể, tùy vào mức độ xuất huyết có thể gây giảm đến mất thị lực. Ngoài ra, việc phát triển mạch máu mới thường kèm theo mô sẹo, ở mức độ đủ nhiều mô sợi này có thể co kéo gây bong võng mạc. PDR là giai đoạn nặng có thể gây mất thị lục trung tâm và chu biên.
Triệu chứng của bệnh võng mạc đái tháo đường: nhiều bệnh nhân đái tháo đường có thể có bệnh võng mạc đái tháo đường nhưng không biết do ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng, một số triệu chứng có thể có: nhìn thấy ruồi bay nhiều; nhìn mờ; thay đổi thị lực lúc nhìn mờ lúc nhìn rõ; ám điểm (nhìn thấy đốm đen trên vùng quan sát); nhìn ban đêm kém; nhìn thấy màu sắc trở nên nhạt màu.
Chẩn đoán: nhỏ dãn đồng tử soi đáy mắt, chụp mạch huỳnh quang (FA) để phát hiện mạch máu rò rỉ, chụp cắt lớp quang học (OCT) để phát hiện mức độ phù võng mạc – hoàng điểm cũng như những bất thường khác.
Điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường:
Kiểm soát tốt lượng đường trong máu và huyết áp có thể ngăn chặn mất thị lực. Cẩn thận thực hiện tốt chế độ ăn uống mà chuyên gia dinh dưỡng đã khuyến nghị. Dùng thuốc theo đơn của bác sĩ nội tiết. Đôi khi kiểm soát đường huyết tốt có thể giúp cải thiện tốt thị lực. Kiểm soát tốt huyết áp sẽ giúp cho mạch máu võng mạc trở nên bền vững hơn.
Tiêm thuốc chống yếu tố tăng sinh mạch máu vào nội nhãn (anti-VEGF) như Avastin, Lucentis,….sẽ giúp giảm phù hoàng điểm, ngăn ngừa tiến triển giảm thị lực góp phần cải thiện thị lực. Tùy theo giai đoạn bệnh và mức độ đáp ứng mà bác sỹ sẽ đưa ra khuyến cáo về số lần tiêm và thời gian theo dõi.
Laser quang đông giúp bịt kín vùng rò rỉ làm giảm phù võng mạc và góp phần làm giảm xuất hiện và tiến triển của tân mạch.
Phẫu thuật cắt pha lê thể (Vitrectomy) khi bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh nặng. Toàn bộ buồng pha lê thể sẽ được cắt bỏ cùng với tân mạch, mô xơ, mạch máu rò rỉ sẽ được bịt bằng laser. Điều này giúp đưa ánh sáng vào đến võng mạc góp phần cải thiện thị lực.
Bệnh nhân đái tháo đường cần làm gì để ngăn chặn mất thị lực:
– Khi bị đái tháo đường nên kiểm soát đường huyết và huyết áp thật tốt.
– Khám mắt định kỳ do bệnh võng mạc đái tháo đường có thể xuất hiện trước khi có triệu chứng. Tùy theo mức độ giai đoạn mà bác sỹ mắt sẽ lên lịch tái khám cụ thể.
– Nếu có sự thay đổi về thị lực ở một hoặc hai mắt thì nên gọi ngay cho bác sỹ mắt.
– Nên điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường càng sớm càng tốt, đây là cách tốt nhất để ngăn ngừa mất thị lực.
Bệnh nhân đái tháo đường khi nào nên đo kính?
Những thay đổi đường máu có thể ảnh hưởng đến thị lực vì vậy nên đo khúc xạ khi lượng đường huyết ổn định khoảng 1 tuần.
BS.CK2. Nguyễn Thanh Liệt – Bệnh viện Trường ĐH Y dược Cần Thơ