Điều trị thoái hóa cột sống cổ bằng Y học cổ truyền

05/03/2024

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ căn cứ vào triệu chứng bạn có để đưa ra chỉ định cận lâm sàng phù hợp. Dựa vào kết quả có được để tư vấn phương pháp điều trị.

Thoái hóa cột sống cổ là gì?

Thoái hóa cột sống cổ (Cervical spondylosis) là bệnh lý mạn tính phổ biến, tiến triển chậm, do ảnh hưởng của tuổi tác đến các đĩa đệm cột sống cổ.

Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa sụn khớp và/hoặc đĩa đệm ở cột sống cổ. Có thể gặp thoái hóa ở bất kỳ đoạn nào nhưng đoạn C5-C6-C7 là thường gặp nhất.

Z5215824467242 E2f61f1cdb2d8b0277462a00417fcc19

Những người có yếu tố nguy cơ

– Tuổi tác: Thoái hóa là một phần bình thường của quá trình già hóa, tuổi càng cao nguy cơ xuất hiện thoái hóa nhiều.

– Nghề nghiệp: Người có công việc liên quan đến cử động của cột sống cổ nhiều, lặp đi lặp lại (lái xe, IT, nhân viên văn phòng, xây dựng,…).

– Chấn thương cột sống cổ làm tăng nguy cơ hơn.

– Di truyền: nguy cơ xuất hiện thoái hóa dễ gặp phải hơn ở một số người mà trong gia đình họ có người bị thoái hóa cột sống cổ.

– Hút thuốc lá làm tăng đau và nguy cơ thoái hóa cột sống cổ.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

– Các cơn đau, tê, nhức, buốt,… ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động.

– Rối loạn vận động: Cảm giác yếu tay hoặc chân và/hoặc mất kiểm soát vận động của chi.

– Đại tiểu tiện không tự chủ.

Chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ căn cứ vào triệu chứng bạn có để đưa ra chỉ định cận lâm sàng phù hợp. Dựa vào kết quả có được để tư vấn phương pháp điều trị.

Điều trị bằng YHCT

Trong Y học cổ truyền, thoái hóa cột sống được mô tả trong phạm vi chứng tý, chứng lạc chẩm, ma mộc. Tùy thuộc triệu chứng của người bệnh, sau khi đã loại trừ vấn đề thoái hóa cần phải can thiệp bằng phẫu thuật, YHCT sẽ tham gia điều trị bệnh bằng nhiều phương pháp khác nhau như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, dùng thuốc và phối hợp với các phương pháp khác của Y học hiện đại khi cần thiết.

Phương pháp không dùng thuốc:

– Điện châm: ngày 1 lần, mỗi lần 20 – 30 phút các huyệt: Phong trì, Giáp tích C1- C7, kiên tỉnh, kiên ngung, lạc chẩm.

– Xoa bóp bấm huyệt: ngày 1 lần, thời gian tối đa 30 phút/lần các huyệt như trên, động tác: Xoa, xát, day, lăn, ấn, bấm,…

– Giác hơi: ngày 1 lần các huyệt phong môn.

Lưu ý: nếu bạn có các vấn đề về da vùng cổ cần phải được khám và tư vấn kỹ trước khi điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc Y học cổ truyển.

Phương pháp dùng thuốc YHCT:

Tùy thuộc từng thể bệnh mà phối hợp các vị thuốc: bổ thận, bổ khí huyết, hành khí hoạt huyết và trừ phong hàn thấp,…

Các vị thuốc thường dùng như: khương hoạt, đương quy, xích thược, phòng phong, hoàng kỳ, đỗ trọng, tục đoạn, đại táo, cam thảo,…

Thuốc thang sắc uống dùng bài “Quyên tý thang” gia giảm, cụ thể:

Tất cả làm thang, sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần, uống sau ăn.

Kết hợp YHCT và Y học hiện đại

Đây là mục tiêu phát triển của YHCT, cũng là thế mạnh của khoa Y học cổ truyền – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

– Thủy châm: đây là phương pháp phối hợp với Y học hiện đại, thuốc được tiêm vào trong huyệt nên vừa có hiệu quả của thuốc vừa có tác dụng kích thích huyệt. Phương pháp này cần được chỉ định và thực hiện bởi thầy thuốc có chứng chỉ.

– Cấy chỉ: các huyệt như châm cứu, sau 15 ngày khám lại để đánh giá hiệu quả điều trị và tư vấn tiếp.

Tóm lại, thoái hóa cột sống cổ là vấn đề rất thường gặp, người bệnh được điều trị có thể ổn định các triệu chứng khó chịu như: đau, mỏi, tê, nhức, buốt. Nhưng cùng với thời gian và các yếu tố khác (tư thế làm việc, thay đổi thời tiết,…) triệu chứng của cột sống cổ lại xuất hiện trở lại. Vấn đề cần quan tâm là điều trị an toàn tại cơ sở y tế được cấp phép và ưu tiên điều trị các phương pháp không dùng thuốc như: Điện châm, Xoa bóp bấm huyệt, cấy chỉ.

Các hướng dẫn thực hiện tại nhà:

Tập thể dục và sinh hoạt:

+ Khi đau nhiều thì cần nghỉ ngơi;

+ Tập các bài tập cột sống cổ;

+ Đi bộ;

+ Không mang vác nặng;

Kiểm soát tư thế:

– Nằm: nằm ngửa không gối đầu quá cao, nằm nghiêng cần có gối, tránh nằm sấp kéo dài.

– Ngồi và đi đứng: tư thế đầu thẳng, linh hoạt, không để đầu quá cúi về phía trước hoặc quá ngửa về phía sau.

Chế độ ăn:

– Nên đa dạng thực phẩm nếu không có chỉ định ăn kiêng.

– Bỏ hút thuốc lá vì hút thuốc lá làm tăng nguy cơ đau và thoái hóa cột sống cổ.

Chườm nóng: bằng túi chườm hoặc chai nước nóng hoặc ngải cứu.

Hướng dẫn chườm Ngải cứu: Ngải mua về nhặt lấy lá bánh tẻ (không non, không già, bỏ thân) rửa sạch.

– Cách 1(sao thông thường): sao lá Ngải với ít muối đủ nóng cho vào gói vải chườm lên vùng đau, nguội có thể lấy ra sao dùng lại 2 – 3 lần.

– Cách 2 (dùng lò vi sóng): rửa Ngải với nước muối, gói vải quay trong lò vi sóng mức nhiệt cao nhất trong 3 – 5 phút, rồi lấy ra chườm vào vị trí đau.

Lưu ý: cần phải thử nhiệt độ trước khi chườm vào vùng đau, tránh bỏng.

Nẹp cổ mềm: Nẹp cổ mềm có thể dùng khi đau nhưng không lạm dụng vì có thể làm yếu cơ cổ, ngồi đi xa (>2h) cần dùng gối chữ U để tránh sai tư thế cột sống cổ.

Thuốc giảm đau không kê đơn: tư vấn bởi dược sĩ gần nhà bạn.

Khoa YHCT – Bệnh viện ĐH Y Hà Nội

comment Bình luận