Khám sức khỏe sinh sản cho nam và nữ gồm những gì?

02/10/2024

Khám sức khỏe sinh sản cho nam và nữ rất cần thiết, nhằm phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, các bệnh lý di truyền, truyền nhiễm ở đường tình dục. Từ đó đưa ra cách điều trị phù hợp, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm cũng như phòng ngừa các dị tật bẩm sinh cho thai nhi trong tương lai.

Vì sao cần kiểm tra sức khỏe sinh sản theo định kỳ?

– Đối với sức khỏe sinh sản của ông bố và mẹ bầu:

Tư vấn về cuộc sống tình dục lành mạnh, an toàn và những kiến thức cần thiết để chuẩn bị mang thai. Từ đó, bạn có thể điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và làm việc nhằm đảo bảo sức khỏe sinh sản luôn tốt nhất.

Phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường trong cấu tạo của cơ quan sinh dục, các bệnh lý tiềm ẩn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như viêm gan B, HIV…

Đưa ra phương pháp điều trị để tầm soát kịp thời các biến chứng nguy hiểm của bệnh (nếu có bệnh).

– Đối với sức khỏe thai nhi:

Là cơ sở để phòng ngừa các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho thai nhi trong tương lai.

Bé sẽ được bảo vệ toàn diện và phát triển khỏe mạnh trong suốt thai kỳ nhờ hệ miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang.

Vì vậy, người đang trong độ tuổi sinh sản nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 1 – 2 năm/lần. Riêng đối với những đối tượng trên 40 tuổi nên thăm khám theo định kỳ 6 tháng/lần. Trường hợp có các dấu hiệu bất thường như đau bụng dưới, khí hư có mùi hôi, chảy máu âm đạo, tiểu khó, tiết dịch mủ…thì nên thăm khám càng sớm càng tốt.

Khám Sức Khỏe Sinh Sản Cho Nam Và Nữ

Khám sức khỏe sinh sản gồm những hạng mục nào?

Khi kiểm tra sức khỏe sinh sản, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, cận lâm sàng và chuẩn đoán hình ảnh, thực hiện một số xét nghiệm để phát hiện các mầm móng gây bệnh và một số bệnh lây qua đường tình dục.

Đối với nam giới:

– Khám nội tổng quát.

– Xquang phổi.

– Siêu âm bụng.

– Đường máu.

– Xét nghiệm Bilan Lipid máu (T-Cholesterol, LDL-Cholesterol, HDL, Triglyceride).

– Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi.

– Xét nghiệm viêm gan B – HBSAG.

– Xét nghiệm viêm gan C – ANTI HCV.

– Xét nghiệm Giang Mai – VDRL.

– Xét nghiệm HIV.

Đối với nữ giới:

– Khám nội tổng quát.

– Khám phụ khoa.

– X-quang phổi.

– Điện tim.

– Siêu âm tuyến vú.

– Siêu âm tuyến giáp.

– Siêu âm bụng.

– Soi tươi dịch âm đạo.

– Xét nghiệm chức năng thận (Creatinine, Ure).

– Xét nghiệm chức năng gan (AST(GOT), ALT(GPT), PT, GGT).

– Đường máu.

– TSH, FT4 (chức năng tuyến giáp).

– Xét nghiệm mỡ máu: Triglyceride, Cholesterol toàn phần, LDL-Cholesterol (LDL-c) và HDL-Cholesterol (HDL-c).

– Nhóm máu – RH.

– Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi.

– Xét nghiệm viêm gan B – HBSAG.

– Xét nghiệm viêm gan C – ANTI HCV.

– Xét nghiệm Giang Mai – VDRL.

– Xét nghiệm HIV.

– Xét nghiệm Rubella (IgM/IgG).

– Toxoplasma IGM, IGG – xác định nhiễm sán mèo.

– CMV IGM, IGG – xác định nhiễm Cytomegalo virus.

– Tổng phân tích nước tiểu.

Những lưu ý khi đi kiểm tra sức khỏe sinh sản

– Khi kiểm tra sức khỏe sinh sản cần cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân như chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, bảo hiểm, tình trạng sức khỏe, lịch chủng ngừa vaccine trước đây, tiền sử bệnh tật cá nhân và gia đình, chu kỳ kinh nguyệt, xuất tinh…

– Không nên thăm khám trong chu kỳ kinh nguyệt. Nên kiểm tra trước hoặc sau ngày có kinh ít nhất 7 ngày.

– Không quan hệ tình dục trước 24 giờ kiểm tra sức khỏe.

– Khi đi khám nên ưu tiên quần áo rộng rãi, thoáng mát.

– Người đang điều trị Tiểu đường không nên dùng thuốc hoặc tiêm Insulin vào sáng ngày lấy máu để tránh ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm. Riêng thuốc huyết áp vẫn sử dụng bình thường.

– Nên nhịn ăn ít nhất 8 giờ trước khi xét nghiệm máu. Chỉ uống nước lọc và tránh tuyệt đối các loại nước có ga, sữa, rượu, trà, nước hoa quả, cà phê.

– Không sử dụng các loại khoáng chất, vitamin hay thực phẩm chức năng trong vòng 24 giờ trước khi xét nghiệm.

– Nên nhịn ăn ít nhất 4 giờ trước khi siêu âm bụng. Chỉ uống nước lọc và nhịn tiểu khoảng 1 giờ để kết quả siêu âm chính xác hơn.

– Phụ nữ có kinh, đang bị viêm tuyến vú, áp xe vú không nên chụp X – quang, siêu âm tuyến vú. Nên chụp X-quang vú vào ngày thứ 7 hoặc 14 của chu kỳ kinh nguyệt. Vì lúc này nồng độ hormone Estrogen trong cơ thể đã giảm xuống thấp, mô tuyến vú ít giữ nước, ít giãn nở.

– Khi lấy nước tiểu xét nghiệm, nên vệ sinh sạch tay và bộ phận sinh dục ngoài, tay không chạm vào mặt trong của lọ. Nên đi tiểu vào bồn cầu, vài giây sau mới lấy nước tiểu đến khi được 2/3 lọ thì dừng.

Theo Bệnh viện Trung ương Huế

comment Bình luận