Kính thưa quý vị,
Khi nói về khối u trong phổi, chúng ta thường nghĩ là ung thư. Tuy nhiên, ở góc độ y khoa, u phổi có thể không phải là ung thư mà còn có thể là nhiều loại u khác, lành tính.
Ví dụ trong bệnh lao phổi, vi khuẩn lao có thể gây ra một khối u trong phổi do tình trạng nhiễm trùng, mà nếu chỉ qua hình ảnh ta có thể tưởng là ung thư. Ung thư phổi có nhiều dạng, nhiễm trùng phổi cũng có nhiều dạng. Đây là lý do tại sao phải sinh thiết khối u.
Cũng giống như khi quý vị nhìn một chiếc nhẫn vàng lấp lánh trên facebook (thời buổi bây giờ nhìn cái gì trên facebook cũng đẹp đúng không nào?), nhưng không thể biết đó là vàng thật hay giả, quý vị phải cầm tận tay, đưa lại gần, soi kỹ để nhìn cho rõ. Tương tự, sinh thiết là xem kỹ dưới kính hiển vi để biết tế bào của khối u thuộc dạng nào, đó là ung thư hay nhiễm trùng, lành tính hay ác tính… Đó là lý do bệnh viện đề nghị mẹ của bạn làm sinh thiết.
Vấn đề còn lại, sinh thiết phổi có nguy hiểm hay không? Câu trả lời phụ thuộc vào vị trí của khối u, cơ địa của người đó và một vài điều kiện khác.
Sinh thiết phổi là đưa kim sinh thiết vào phổi dưới hướng dẫn của máy CT. Nếu khối u nằm ở rìa của phổi thì việc lấy mẫu tế bào dễ hơn. Nếu khối u nằm sâu bên trong hoặc có 1 số vị trí rất khó lấy sinh thiết thì khả năng biến chứng cao hơn, một trong những biến chứng đó là xẹp phổi. Quý vị tưởng tượng phổi chúng ta giống như chùm bong bóng, nếu đưa kim sinh thiết không khéo thì có thể làm xẹp phổi, dẫn đến khó thở.
Do vậy, quý vị nên hỏi lại bác sĩ xem khối u đó nằm ở đâu, rủi ro khi sinh thiết như thế nào? Nếu bệnh nhân còn trẻ hay trung niên thì sau khi làm sinh thiết, khả năng phục hồi sẽ nhanh hơn người cao tuổi.
Thêm một điều nữa, khi chúng ta làm sinh thiết phổi dưới CT, bác sĩ sẽ quan sát chất cản quang hiện lên trong khối u như thế nào, đây cũng là thông tin gợi ý khối u đó thuộc dạng nào.
Trên đây là những thông tin để quý vị trao đổi với bác sĩ ung thư của mình, để hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh nhé.
Trích livestream #232. Livestream Covid-19/AskDrWynn: Chúng ta đã chữa trị Covid-19 tốt hơn?