Người gầy vẫn có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ do chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh. Tuy nhiên, bệnh có thể được kiểm soát nếu phát hiện và điều trị kịp thời.
Khoảng 30 triệu người Việt mắc gan nhiễm mỡ
Gan là một cơ quan nội tạng lớn, chiếm khoảng 2% trọng lượng cơ thể ở người lớn và khoảng 5% trọng lượng cơ thể ở trẻ em. Gan có chức năng tổng hợp các chất có trong khẩu phần ăn (đường, protein, chất béo…) và đào thải độc tố.
Cơ quan này còn có chức năng miễn dịch góp phần sản xuất, chuyển hóa và ổn định cholesterol; chức năng dự trữ; giải độc, hấp thu và chuyển hóa chất dinh dưỡng. Khi phospholipid trong màng tế bào gan ổn định, gan có thể thực hiện tốt chức năng của mình.
Trên thực tế, chất béo luôn hiện diện trong gan nhưng chỉ chiếm chưa đến 5% trọng lượng của gan. Khi lượng chất béo đưa vào và dự trữ trong cơ thể lớn hơn 5% sẽ xảy ra hiện tượng gan nhiễm mỡ.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy hiện nay ở nước ta có 20-30 triệu người (tương đương 20-30% dân số) mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Trong đó, 30-35% bệnh nhân gan nhiễm mỡ có nguy cơ tiến triển thành xơ gan.
Bệnh gan nhiễm mỡ thường không có triệu chứng rõ ràng. Các triệu chứng đầu tiên thường là đau bụng hoặc khó chịu nhẹ. Lượng mỡ tích tụ nhiều sẽ dẫn tới viêm gan. Khi đó, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như chán ăn, sụt cân, đau bụng dữ dội hoặc mệt mỏi nhiều và vàng da.
Bệnh gan nhiễm mỡ càng kéo dài, việc điều trị càng khó khăn. Nguy hiểm hơn, gan nhiễm mỡ có thể gây ra các biến chứng như ảnh hưởng đến hệ tim mạch và các rối loạn cơ quan khác, viêm gan, xơ gan, ung thư gan.
Vì sao người gầy vẫn mắc gan nhiễm mỡ?
Thừa cân, béo phì là một trong những nguyên nhân dẫn tới bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Gastroenterology năm 2019 cho biết tỷ lệ bệnh gan nhiễm mỡ trong số người béo phì là khoảng 50-70%. Khi quá trình vận chuyển chất béo trong gan bị mất cân bằng, những chất béo này sẽ tích tụ trong tế bào gan và dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ.
Tuy nhiên, người gầy vẫn mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Nguyên nhân là do chế độ ăn uống không khoa học, kiêng khem, giảm cân ngắn hạn, khiến cơ thể thiếu đi một số dưỡng chất cần thiết cho quá trình thanh lọc, đào thải mỡ thừa.
Bên cạnh đó, cơ thể không đủ dưỡng chất dẫn đến lượng đường trong máu thấp, làm tăng phân giải mỡ thành năng lượng. Điều này làm tăng lượng axit béo đi vào máu dẫn đến tình trạng tích trữ mỡ trong gan. Nếu lười vận động, mỡ sẽ tích tụ trong gan và không được chuyển hóa, lâu ngày có thể dẫn tới gan nhiễm mỡ.
Uống nhiều rượu cũng là lý do khiến người gầy có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ cao hơn. Rượu và chất độc trong bia sẽ làm tăng sự phá hủy lipid và axit béo tự do trong gan bằng mô mỡ, tăng tích tụ triglycerid và gây ra tế bào gan nhiễm mỡ, làm giảm hoặc ức chế hoạt động của các enzyme phân hủy lipoprotein trong máu, dẫn đến rối loạn chuyển hóa, gây gan nhiễm mỡ.
Anh Đinh Văn Năm, 43 tuổi, Hà Nội chia sẻ: “Cơ thể tôi thuộc dạng khá gầy, ăn nhiều nhưng hấp thụ ít. Do vậy tôi khá chủ quan trong việc ăn uống và sử dụng bia rượu. Có một khoảng thời gian dài tôi hay bị đau vùng bụng phải mà không biết rõ nguyên nhân. Tôi đi khám thì bất ngờ phát hiện gan đã nhiễm mỡ cấp độ 2”.
Người gầy cũng có thể bị gan nhiễm mỡ do di truyền, tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị ung thư, HIV, rối loạn nhịp tim, trầm cảm… hoặc thường xuyên tiếp xúc, làm việc trong môi trường độc hại như hóa dầu, ngộ độc phốt pho. Những tác động này có thể làm tổn thương và phá hủy tế bào gan, dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ và làm tăng nguy cơ xơ gan, ung thư gan.
Phát hiện bệnh sớm ngăn nguy cơ biến chứng
Bệnh gan nhiễm mỡ không được điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Càng nhiều chất béo xâm lấn tế bào gan thì chức năng gan sẽ bị suy giảm. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các độc tố, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh viêm gan.
Quá trình tổn thương gan cũng làm xuất hiện các xơ sẹo, gây ra xơ gan. Các nghiên cứu cho thấy, khoảng 15% – 25% người bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH) sẽ tiến triển đến xơ gan và khoảng 7% bệnh nhân xơ gan sẽ tiến triển tới ung thư gan.
Do đó, phòng ngừa sớm gan nhiễm mỡ là việc làm cần thiết để ngăn chặn các bệnh lý gan mật.
Mỗi người cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, hoa quả, hạn chế mỡ động vật; tập luyện thể dục thường xuyên; không uống rượu bia; tiêm phòng viêm gan và thăm khám sức khỏe khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.
Với người gầy, việc ăn uống cũng cần đảm bảo khoa học, hạn chế các món dầu mỡ, nhiều chất béo, không lạm dụng bia rượu, bổ sung đủ dưỡng chất… để đảm bảo sức khỏe lá gan và giảm thiểu nguy cơ gan nhiễm mỡ.
Gan nhiễm mỡ có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm. Khi có dấu hiệu bất thường cảnh báo gan không khỏe, mọi người nên chủ động thăm khám để được chẩn đoán kịp thời, ngăn bệnh tiến triển nặng hoặc biến chứng.