Hotline: +84 0777. 943. 888

Nội soi đường tiêu hóa trên: Những điều cần biết

02/11/2024 16:09

Nội soi tiêu hóa là phương pháp tầm soát, phát hiện chính xác các tổn thương xảy ra trong ống tiêu hóa mà các phương pháp chẩn đoán khác khó có thể phát hiện được cụ thể. Đường tiêu hóa trên là bộ phận chịu nhiều tổn thương hơn có khả năng phát triển thành ung thư nếu không được phát hiện và điều trị sớm bằng phương pháp nội soi đường tiêu hóa trên.

Nội soi tiêu hóa là phương pháp tầm soát, phát hiện chính xác các tổn thương xảy ra trong ống tiêu hóa mà các phương pháp chẩn đoán khác khó có thể phát hiện được cụ thể. Đường tiêu hóa trên là bộ phận chịu nhiều tổn thương hơn có khả năng phát triển thành ung thư nếu không được phát hiện và điều trị sớm bằng phương pháp nội soi đường tiêu hóa trên.

Đường tiêu hóa trên là gì? Dấu hiệu cảnh báo bệnh ở đường tiêu hóa trên

Đường tiêu hóa trên bao gồm thực quản, dạ dày, phần trên của ruột non gọi là tá tràng. Khi có các dấu hiệu điển hình như đau vùng thượng vị dữ dội, cảm giác cồn cào, nóng rát, khi thay đổi thời tiết thì thấy chóng mặt, hoa mắt, mệt mỏi, lợm giọng, buồn nôn, nôn… có thể đã gặp phải các vấn đề ở đường tiêu hóa trên. Điển hình có thể nhắc đến xuất huyết đường tiêu hóa trên với các biểu hiện cụ thể như:

  • Nôn máu;
  • Đi ngoài ra phân đen;
  • Hoa mắt, chóng mặt, lo sợ;
  • Mệt lịm, có khi vật vã;
  • Thở nhanh, vã mồ hôi;
  • Tiểu ít có khi vô niệu

Tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa trên ở cấp độ nặng có thể gây sốc, tình trạng lơ mơ, lạnh các đầu chi, vã mồ hôi, mạch nhanh, nhỏ khó bắt, huyết áp tụt dưới 80mmHg.

Nội Soi đường Tiêu Hóa Trên

Các nguyên nhân khiến xảy ra bệnh lý đường tiêu hóa trên gồm có:

  • Loét dạ dày: Nhiễm Helicobacter pylori (H.pylori) và dùng thuốc kháng viêm nonsteroid lâu dài như aspirin và ibuprofen là những nguyên nhân thường gặp của loét dạ dày.
  • Vỡ tĩnh mạch thực quản: xơ gan là nguyên nhân hay gặp của vỡ tĩnh mạch thực quản.
  • Hội chứng Mallory-Weiss: do nôn nhiều, gây rách niêm mạc của thực quản thường hoặc tăng áp lực trong bụng do ho, thoát vị, hay bẩm sinh cũng có thể gây rách.
  • Viêm dạ dày: NSAIDs và các thuốc khác, nhiễm khuẩn, bệnh Crohn, chấn thương
  • U lành tính và ung thư: Những khối u lành tính và ung thư ở thực quản, dạ dày, hay tá tràng có thể gây xuất huyết.
Nội soi đường tiêu hóa trên: Những điều cần biết

Nội soi đường tiêu hóa trên là gì?

Nội soi tiêu hóa trên là thủ thuật được áp dụng để bác sĩ chuyên khoa có thể quan sát rõ ràng tình trạng bên trong dạ dày, thực quản, tá tràng của người bệnh bằng cách cho ống soi mềm vào trong đường tiêu hóa trên. Đây là thủ thuật mang lại hiệu quả tối đa cho việc chẩn đoán, phát hiện các bệnh lý trong đường tiêu hóa trên.

Vai trò của nội soi đường tiêu hóa trên

Nội soi đường tiêu hóa trên được sử dụng để chẩn đoán, phát hiện, điều trị các bệnh lý ở đường tiêu hóa trên bao gồm thực quản, dạ dày, tá tràng. Cụ thể nội soi đường tiêu hóa trên để:

  • Phát hiện các triệu chứng: nội soi giúp tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng được đề cập ở trên của đường tiêu hóa trên
  • Chẩn đoán các bệnh lý về đường tiêu hóa, tình trạng sức khỏe như thiếu máu, chảy máu, viêm loét, tiêu chảy, tầm soát sớm tình trạng ung thư, tiền ung thư ống tiêu hóa thông qua lấy mẫu mô trong đường tiêu hóa để sinh thiết xét nghiệm
  • Điều trị, theo dõi điều trị: thông qua nội soi đường tiêu hóa, bác sĩ chuyên khoa nắm được tình trạng trong quá trình điều trị, đồng thời điều trị trực tiếp thông qua nội soi như đốt những mạch máu đang chảy để cầm máu, nong rộng thực quản bị hẹp, kẹp cắt polyp hoặc lấy bỏ dị vật.

Chuẩn bị trước nội soi đường tiêu hóa trên

Khi được chỉ định, có nhu cầu nội soi tiêu hóa trên, người bệnh sẽ được bác sĩ cũng như điều dưỡng viên hướng dẫn chi tiết các bước để chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình nội soi hiệu quả.

Cụ thể ở các trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu nhịn ăn trước nội soi từ 4-8h trước đó để đảm bảo dạ dày sạch sẽ trước khi thực hiện thủ thuật. Điều này giúp quá trình quan sát ống tiêu hóa dễ dàng chính xác hơn.

Người bệnh cũng có thể được yêu cầu ngừng uống một số thuốc như thuốc chống đông vài ngày trước nội soi. Bởi thuốc chống đông có thể làm tăng nguy cơ chảy máu lúc nội soi. Nếu bạn mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp cần thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể về dùng thuốc trước khi nội soi.

Quy trình thực hiện nội soi đường tiêu hóa trên

Quá trình nội soi diễn ra nhanh chóng thường chỉ trong 10 phút. Tùy vào trường hợp và nhu cầu của người bệnh mà bác sĩ có thể cho sử dụng thuốc gây mê hoặc không để đảm bảo nội soi hiệu quả, an toàn. Bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa một ống nội soi mềm vào thành sau họng và đi xuống dạ dày. Từ đây ống soi sẽ đi xuống tá tràng và cho thấy toàn bộ hình ảnh bên trong của đường tiêu hóa trên. Các tổn thương, viêm loét, chảy máu, các polyp… có thể được quan sát rõ ràng, cũng như thực hiện sinh thiết để có chẩn đoán và điều trị tiếp theo.

Nội soi đường tiêu hóa trên: Những điều cần biết
Quy trình thực hiện nội soi đường tiêu hóa trên

Với phương pháp nội soi đường tiêu hóa trên, người bệnh hoàn toàn có thể hồi phục trong vòng 1h nếu được gây mê, nếu không gây mê thời gian trở lại bình thường sẽ nhanh hơn. Sau khi nội soi, bạn có thể thấy hơi đầy hơi, khó chịu một chút nhưng các triệu chứng này sẽ nhanh chóng hết ngay.

Hiện nay nội soi tiêu hóa trên là phương pháp hiệu quả để chẩn đoán, phát hiện sớm các bệnh lý ở đường tiêu hóa trên. Đặc biệt là có hiệu quả cao trong tầm soát ung thư tiêu hóa.

Theo Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec