Bắt đầu từ năm 1992, Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ được các quốc gia trên toàn thế giới tổ chức thường niên từ ngày 1-7/8 nhằm khuyến khích và tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ để trẻ được phát triển một cách toàn diện.
Với chủ đề “Tăng cường hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc”, Tuần lễ thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ năm 2023 tập trung đẩy mạnh việc bảo vệ, hỗ trợ và khuyến khích bà mẹ phải đi làm tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ, góp phần nâng cao sức khoẻ, bảo vệ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm ngày một gia tăng.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất và cần thiết cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong sữa mẹ có đủ nǎng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, vitamin và muối khoáng với tỉ lệ thích hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ. Bú mẹ, trẻ sẽ lớn nhanh, phòng được suy dinh dưỡng.
Sữa mẹ là dịch thể sinh học tự nhiên chứa nhiều chất kháng khuẩn, tǎng cường sức đề kháng cho trẻ. Trong sữa mẹ có những yếu tố quan trọng bảo vệ cơ thể mà không một thức ǎn nào có thể thay thế được đó là: Các globulin miễn dịch, chủ yếu là IgA có tác dụng bảo vệ cơ thể chống các bệnh đường ruột và bệnh nhiễm khuẩn. Do tác dụng kháng khuẩn của sữa mẹ nên trẻ được bú sữa mẹ sẽ ít mắc bệnh. Sữa mẹ có tác dụng chống dị ứng. Trẻ bú mẹ ít bị dị ứng, ezema như ǎn sữa bò.
Ths.Trương Thị Thu Hường, Khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ cho biết: “Trẻ được bú mẹ sớm, sẽ tạo được phản xạ mút vú, tống phân su sớm, giảm vàng da sau sinh. Đối với trẻ sinh thiếu tháng, được nuôi bằng sữa mẹ sẽ phát triển hơn những trẻ được nuôi bằng sữa ngoài. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, được coi là liều vaccine hiệu nghiệm cho cơ thể non yếu của trẻ vì trong sữa có nhiều kháng thể rất tốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ không những đảm bảo sức khoẻ lâu dài cho bà mẹ, trẻ em mà còn giúp nâng cao sức khoẻ, bảo vệ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm ngày một gia tăng. Vì vậy, các bà mẹ hãy cho trẻ bú sớm ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi”.
Đối với mẹ, việc cho trẻ bú mẹ cũng giúp các sản phụ co hồi tử cung tốt hơn, giảm chảy máu sau sinh, chậm có kinh, nhanh chóng lấy lại vóc dáng sau sinh. Đồng thời, việc cho con bú sữa mẹ sẽ thuận lợi và kinh tế. Cho trẻ bú sữa mẹ rất thuận lợi vì không phụ thuộc vào giờ giấc, không cần phải đun nấu, dụng cụ pha chế. Trẻ bú sữa mẹ sẽ kinh tế hơn nhiều so với nuôi nhân tạo bằng sữa bò hoặc bất cứ loại thức ǎn nào khác, vì sữa mẹ không mất tiền mua. Khi người mẹ ǎn uống đầy đủ, tinh thần thoải mái thì sẽ đủ sữa cho con bú. Nuôi con bằng sữa mẹ có điều kiện gắn bó mẹ con, người mẹ, có nhiều thời gian gần gũi tự nhiên đó là yếu tố tâm lý quan trọng giúp cho sự phát triển hài hoà của đứa trẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự giáo dục trẻ về sau.
Bên cạnh đó, việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giảm các nguy cơ về bệnh tật và các chi phí y tế liên quan.
Hưởng ứng tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ năm 2023, các đơn vị ngành Y tế tỉnh Phú Thọ đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm khuyến khích các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ như: Tổ chức các hoạt động tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ cho các phụ nữ mang thai, bà mẹ, gia đình về lợi ích của việc cho trẻ bú sớm trong vòng 01 giờ đầu sau sinh, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 06 tháng đầu và bú kéo dài đến 24 tháng, cách cho con bú đúng, cách duy trì nguồn sữa, cách vắt sữa và bảo quản sữa mẹ. Truyền thông về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, cách duy trì nguồn sữa khi bà mẹ trở lại làm việc sau 6 tháng nghỉ thai sản; thực hiện chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ theo hướng dẫn của Bộ Y tế kể cả các trường hợp mổ đẻ để góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ được bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh,…
Theo Sở Y tế Phú Thọ