Tự chế pháo nổ nhiều học sinh bị chấn thương nặng
Tình trạng học sinh tự chế pháo nổ đang trở nên nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề về người và tài sản.
Cứ mỗi dịp cận Tết, số người bị tai nạn do pháo nổ tự chế lại tăng cao, đặc biệt là độ tuổi thanh thiếu niên, học sinh và năm nay tình hình càng đáng báo động hơn với xu hướng gia tăng nhanh chóng. Chỉ trong vài tuần vừa qua, khi chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, cả nước đã ghi nhận hàng chục vụ tai nạn, trong đó nhiều trường hợp là các em học sinh chế tạo pháo nổ trái phép. Những vụ nổ không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, mà còn để lại di chứng nặng nề về tâm lý và gánh nặng tài chính cho nạn nhân cùng gia đình.
Hiện trường tự chế pháo nổ
Pháo và thuốc pháo là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy, nổ, ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe và tài sản của Nhân dân, ước tính hàng nghìn tỷ đồng; chưa kể các chi phí cho những người tàn tật và mất khả năng lao động do các hoạt động trái phép về pháo gây ra. Tự chế, tàng trữ, sử dụng, mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc. Thời gian qua, lực lượng Công an cùng các cơ quan, ban, ngành, trường học đã đưa ra nhiều cảnh báo, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; song nhiều thanh, thiếu niên, học sinh với tâm lý tò mò, chủ quan và muốn có pháo đốt trong dịp Tết nên đã lên mạng xã hội nghiên cứu, mua các vật dụng và học cách chế tạo pháo nổ. Để tránh bị phát hiện, các em thường giấu gia đình, thầy cô, người thân để tự làm một mình hoặc rủ bạn cùng làm ở những nơi vắng vẻ hay làm tại nhà khi cha mẹ đi vắng.
Vật liệu tự chế pháo nổ
Trường hợp mới đây ngày 7/12 Qua xác minh bước đầu của UBND xã, một học sinh lớp 7 tại Nông Cống Thanh Hóa đã đặt mua nguyên, vật liệu trên mạng về nhà tự chế tạo pháo tại nhà mình làm nhưng không may vật liệu phát nổ. Nghe tiếng nổ lớn, người dân xung quanh chạy đến, phát hiện học sinh A đã bị thương. Cháu được đưa đi bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương.
Học sinh A đang được điều trị tại BV bỏng Trung Ưng Hà Nội
Theo quy định của Bộ luật Hình sự, người sản xuất pháo tự chế trên 6kg sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 190 về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm. Với các trường hợp dưới 6kg, sẽ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các đối tượng vi phạm đa phần là học sinh, hầu hết dưới 16 tuổi.
Các đối tượng từ 14 đến dưới 16 tuổi sẽ bị xử lý hành chính, và các chế tài xử lý hành chính vẫn được áp dụng. Tuy nhiên, đối với những trường hợp dưới 14 tuổi, hình thức xử lý chỉ dừng lại ở mức cảnh cáo, không áp dụng phạt tiền. Đối với những người từ 16 đến 18 tuổi, có thể bị xử phạt hành chính, với mức phạt lên đến 50% theo quy định.
Các đối tượng tự chế pháo nổ
Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này cũng như ngăn ngừa hậu quả xảy ra, cũng như thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, lực lượng Công an cần phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong các tầng lớp Nhân dân, nhất là số học sinh, thanh thiếu niên trên địa bàn về hiểm họa của hành vi chế tạo pháo nổ. Vì vậy, gia đình và nhà trường đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giáo dục, quản lý, phòng ngừa và sớm phát hiện những nguy cơ vi phạm pháp luật từ con em mình. Mỗi sự quan tâm, mỗi lời nhắc nhở kịp thời từ cha mẹ và thầy cô hôm nay có thể cứu lấy những sinh mạng quý giá vào ngày mai.