Hotline: +84 0777. 943. 888

Ý nghĩa của các xét nghiệm hóa sinh đánh giá chức năng thận

02/11/2024 16:08

Thận là một cơ quan quan trọng , đóng vai trò đặc biệt trong việc duy trì sức khỏe. Ngoài chức năng chính là bài tiết các chất cặn bã bằng cơ chế lọc và tái hấp thu, thận còn tham gia điều hòa thăng bằng acid-base, chuyển hóa và tổng hợp các chất cũng như thực hiện chức năng nội tiết. Chức năng thận có thể được đánh giá thông qua các xét nghiệm hóa sinh, huyết học, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫn bệnh… Sau đây chúng tôi xin giới thiệu ý nghĩa của các xét nghiệm hóa sinh đánh giá chức năng thận.

Thận là một cơ quan quan trọng , đóng vai trò đặc biệt trong việc duy trì sức khỏe. Ngoài chức năng chính là bài tiết các chất cặn bã bằng cơ chế lọc và tái hấp thu, thận còn tham gia điều hòa thăng bằng acid-base, chuyển hóa và tổng hợp các chất cũng như thực hiện chức năng nội tiết. Chức năng thận có thể được đánh giá thông qua các xét nghiệm hóa sinh, huyết học, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫn bệnh… Sau đây chúng tôi xin giới thiệu ý nghĩa của các xét nghiệm hóa sinh đánh giá chức năng thận.

1. Các xét nghiệm hóa sinh máu

1.1. Xét nghiệm ure máu

Ure là sản phẩm thoái hóa protein của cơ thể, là các protein ngoại sinh được chuyển hóa thành acid amin nhờ các protease của đường tiêu hóa sau đó được chuyển hóa tiếp và cuối cùng thành CO2 và NH3. Ure luôn tồn tại trong máu, được lọc qua cầu thận và đào thải ra ngoài cơ thể qua nước tiểu.

Xét nghiệm ure máu được dùng để đánh giá chức năng thận và theo dõi các bệnh về thận. Giá trị ure máu bình thường dao động trong khoảng 2.5 – 7.5 mmol/l.

Ure máu tăng khi chế độ ăn chứa quá nhiều protein hoặc trong trường hợp mắc các bệnh như viêm cầu thận, viêm ống thận, sỏi thận, suy thận, sỏi niệu quản, mất nước do sốt cao, tiêu chảy, xuất huyết tiêu hóa, suy tim sung huyết,… Ure máu giảm trên phụ nữ có thai hoặc chế độ ăn ít protein, suy giảm chức năng gan, truyền nhiều dịch…

1.2. Xét nghiệm creatinin máu

Creatinin là sản phẩm thoái hóa creatin trong các cơ, được đào thải qua thận và thận duy trì creatinin trong máu ở một nồng độ hằng định nên nồng độ của creatin máu phản ánh chính xác chức năng lọc của thận.

Giá trị creatinin bình thường đối với nam giới là 0.6 -1.2 mg/dl hoặc 53-106 mmol/l và nữ giới là 0.5 – 1.1 mg/dl hoặc 44-97 mmol/l. Khi nồng độ creatinin máu tăng cao đồng nghĩa với việc có rối loạn chức năng thận. Đặc biệt với bệnh nhân suy thận, cấp độ suy thận càng nặng, chỉ số creatinine càng cao.

Creatinin tăng cao trong trường hợp suy thận cấp và mạn tính, suy tim mất bù, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm cầu thận, lupus ban đỏ hệ thống, sỏi thận, u bàng quang… Creatinin giảm gặp trong các trường hợp: có thai, suy dinh dưỡng nặng, dùng thuốc chống động kinh, bệnh teo cơ cấp và mãn tính…

1.3. Xét nghiệm acid uric máu

Xét nghiệm này ngoài để đánh giá chức năng thận còn dùng để chẩn đoán bệnh Gout, xác định các bệnh lý về khớp  như viêm khớp, đau khớp…

Bình thường nồng độ acid uric trong máu của nam giới là 180 – 420 mmol/l, nữ giới là 150 – 360 mmol/l.

Acid uric máu tăng ở những người mắc bệnh thận, gout, vẩy nến, leucemie cấp, u lympho, thiếu máu do tan máu, nhiễm toan lactic, suy tim ứ huyết …

1.4. Xét nghiệm điện giải đồ

Rối loạn chức năng thận gây mất cân bằng các chất điện giải trong cơ thể:

Sodium (Natri): giá trị natri máu ở người bình thường dao động trong khoảng 135 – 145 mmol/L. Natri đóng vai trò cơ bản trong điều hòa cân bằng nước và duy trì áp lực thẩm thấu máu. Bình thường, cơ thể sử dụng lượng natri từ khẩu phần ăn mà cơ thể cần và lượng dư thừa sẽ được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu, một phần nhỏ qua mồ hôi. Với người suy thận, nồng độ natri máu giảm do mất qua thận, qua da hay do máu bị pha loãng. Giảm natri máu sẽ gây các triệu chứng như mệt lả, thiểu niệu, mạch nhanh, đau đầu, co giật, thậm chí là hôn mê.

Potassium (Kali): giá trị kali máu ở người bình thường là 3,5- 5.1 mmol/L. Thận chịu trách nhiệm chính trong việc bài tiết kali ra khỏi cơ thể và thay đổi mức độ bài tiết kali theo nồng độ hiện tại trong máu. Một người bị suy thận có thể không thể bài tiết nhiều kali như bình thường, điều này có khả năng gây tăng kali huyết. Tăng kali máu sẽ gây các triệu chứng như mệt mỏi, yếu cơ, tê liệt, thiểu niệu, nhịp tim chậm …

Calci toàn phần: giá trị calci máu ở người bình thường là 2.2-2.6 mmol/L. Có một mối tương quan nghịch giữa calci và phospho và nồng độ của cả hai chất điện giải này đều có thể bị ảnh hưởng bởi suy thận. Suy thận gây giảm calci máu và tăng phospho. Hạ calci máu có liên quan đến các triệu chứng như: co thắt cơ bắp, co giật, loạn nhịp tim, suy tim…

1.5. Xét nghiệm rối loạn cân bằng acid-base

Đây là một xét nghiệm đánh giá chức năng thận thường được bác sĩ chỉ định cho người nghi ngờ mắc bệnh thận. Thông thường, pH máu được duy trì ở mức 7,37 – 7,45 để đảm bảo hoạt động tối ưu của các enzym, yếu tố đông máu và các protein co cơ. Suy thận sẽ làm giảm thải các acid trong quá trong quá trình chuyển hóa hoặc gây mất bicarbonat, làm tăng nồng độ acid trong máu và các cơ quan trong cơ thể.

1.6. Một số xét nghiệm khác

Xét nghiệm protein máugiá trị protein trong máu bình thường ở mức 60 – 80 g/L. Bình thường protein có khối lượng phân tử lớn không qua được màng lọc cầu thận và nước tiểu không có protein. Người mắc bệnh lý thận thường bị giảm protein toàn phần do màng lọc cầu thận bị tổn thương, đặc biệt trong hội chứng thận hư.

Xét nghiệm albumin máugiá trị albumin trong máu bình thường ở mức 35 – 50g/L, chiếm 50 – 60 % lượng protein toàn phần trong máu. Albumin máu giảm khi chức năng sản xuất albumin của gan bị ức chế, do albumin bị phân hủy nhiều hoặc bị đào thải nhiều qua nước tiểu (bệnh lý cầu thận cấp như viêm cầu thận cấp…).

2. Các xét nghiệm hóa sinh nước tiểu

2.1. Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu

Xét nghiệm này bao gồm kiểm tra mẫu nước tiểu dưới kính hiển vi và test nhanh bằng que nhúng. Với cách thứ hai, que nhúng là một dải đã được xử lý hóa học. Nếu màu sắc que thay đổi khi tiếp xúc với nước tiểu, điều này cho thấy bất thường liên quan đến dư thừa protein, hồng cầu, bạch cầu, glucose… Ngoài ra, thông qua xét nghiệm này, bác sĩ còn có thể phát hiện được một số rối loạn liên quan đến thận, đường tiết niệu, bao gồm bệnh thận mạn tính, đái tháo đường, nhiễm trùng bàng quang, sỏi thận…

2.2. Xét nghiệm protein niệu

Protein có thể được thực hiện như một phần của xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu. Khi mẫu tổng phân tích nước tiểu có sự xuất hiện của protein, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện thêm xét nghiệm định lượng protein niệu 24 giờ nếu cần thiết.

Protein trong nước tiểu ở người khỏe mạnh là 0.05 – 0.08g/l/24h (chế độ nghỉ ngơi) và <0.3g/l/24h đối với người trong chế độ luyện tập thể dục thể thao. Ở người mắc bệnh thương tổn cầu thận, viêm cầu thận cấp, suy thận, các bệnh lý toàn thân có ảnh hưởng tới thận (đái tháo đường, lupus ban đỏ, tăng huyết áp),… thường bị tăng protein niệu.

2.3. Xét nghiệm microalbumin niệu

Đây là xét nghiệm được thực hiện nhằm phát hiện một lượng nhỏ protein gọi là albumin trong nước tiểu. Đối tượng cần thực hiện là những người có nguy cơ phát triển bệnh thận cao (đang mắc đái tháo đường, huyết áp cao…) hoặc tổng phân tích nước tiểu cho kết quả protein âm tính.

2.4. Xét nghiệm albumin niệu hoặc tỷ lệ albumin/creatinine

Đây là xét nghiệm cho thấy hiệu quả hoạt động của thận. Tỷ lệ Albumin/Creatinine (ACR) dưới 30 được coi là bình thường, ACR từ 30 – 300 có nghĩa là albumin niệu tăng vừa phải và ACR trên 300 là dấu hiệu cho thấy tăng albumin niệu nghiêm trọng.

2.5. Xét nghiệm độ thanh thải creatinine

Xét nghiệm được tiến hành để so sánh mức creatinine của một mẫu nước tiểu trong vòng 24 giờ với mức creatinine trong máu, từ đó xác định lượng chất thải lọc được mỗi phút.

Chỉ định các xét nghiệm chức năng thận khi nào?

Kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm: làm các xét nghiệm đơn giản có tính định hướng như xét nghiệm sinh hóa máu, tổng phân tích nước tiểu, công thức máu và siêu âm bụng.

Tiền căn gia đình có các bệnh di truyền về thận hoặc có người thân bị suy thận: cần thực hiện xét nghiệm sinh hóa máu, công thức máu, tổng phân tích nước tiểu, siêu âm bụng và các xét nghiệm chuyên biệt về di truyền.

Khi có các biểu hiện suy thận: nên thực hiện xét nghiệm sinh hóa máu, tổng phân tích nước tiểu, công thức máu và siêu âm bụng. Nếu phát hiện các nguyên nhân gây tắc nghẽn hệ niệu cần thực hiện thêm các xét nghiệm hình ảnh. Nếu không tìm thấy tắc nghẽn thì có thể thực hiện sinh thiết thận.

Có tiền căn can thiệp thủ thuật, phẫu thuật trên đường tiết niệu hoặc các cơ quan vùng bụng: nên làm các xét nghiệm sinh hóa máu, công thức máu, tổng phân tích nước tiểu và siêu âm bụng. Nếu có dấu hiệu tắc nghẽn hệ niệu nên làm thêm các xét nghiệm hình ảnh.

ThS.BS Phạm Thảo Diệp – Phó Trưởng khoa Sinh hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888