Chăm sóc bệnh nhân Parkinson
Đối với liệu pháp không dùng thuốc, việc điều chỉnh chế độ ăn và luyện tập rất quan trọng.
Điều chỉnh chế độ ăn
Cung cấp chất xơ – như ngũ cốc nguyên hạt, ngũ cốc cám, trái cây và rau quả – để ngăn ngừa táo bón, một vấn đề phổ biến của bệnh Parkinson.
Ăn thực phẩm giàu canxi ít nhất ba lần một ngày để ngăn ngừa loãng xương. Đây là mối quan tâm đặc biệt đối với người mắc bệnh Parkinson vì nguy cơ ngã có thể dẫn đến gãy xương cao hơn. Các thực phẩm từ sữa như phô mai, sữa và sữa chua tăng cường vitamin D là những lựa chọn tốt.
Bổ sung Omega – 3 là dưỡng chất cần thiết cho não bộ giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng của người bệnh Parkinson. Omega – 3 có nhiều trong các loại cá béo như cá trích, cá ngừ, cá hồi, cá thu, hạt lanh, hạt chia, quả óc chó…
Nếu bệnh nhân gặp khó khăn khi nuốt, hãy cho ăn thức ăn mềm, ẩm. Tránh những thực phẩm dễ vỡ vụn như bánh quy giòn. Nên chia thành các bữa ăn nhỏ cho bệnh nhân.
Tránh các loại thực phẩm như da và nội tạng động vật, đồ chiên rán, đồ ăn chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp chứa nhiều chất béo bão hòa. Đây là nguyên nhân khiến các gốc tự do gây thoái hóa tế bào thần kinh tăng lên làm tình trạng bệnh Parkinson tiến triển nặng thêm.
Tránh các chất kích thích: Thuốc lá, rượu hay các loại đồ uống có cồn là nguyên nhân tăng nặng của các triệu chứng bệnh Parkinson như run tay chân, cứng cơ…
Tập luyện và phục hồi chức năng
Bên cạnh việc dùng thuốc, điều chỉnh chế độ ăn, phục hồi chức năng có một vai trò quan trọng giúp cho người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống, bao gồm tập phục hồi chức năng vận động, ngôn ngữ, tập thể dục, đi bộ… Đi bộ là một trong những phương pháp tập luyện tốt nhất và cùng với việc dùng thuốc nó giúp cho sự linh hoạt của cơ thể người bệnh tăng lên.
Một số bài tập đơn giản cho bệnh nhân Parkinson:
Bài tập 1. Đi bộ và xoay người: đi theo đường thẳng, bước từng bước dài và dạng tách hai chân để giữ thăng bằng tốt hơn, đong đưa hai tay đều đặn, khi cần xoay lại hãy đi thành đường cung tròn.
Bài tập 2. Tập “đi” khi đang ngồi: ngồi trên ghế có lưng tựa, lần lượt nhấc đầu gối phải và trái lên cao như khi đang đi bộ. Lặp lại động tác này 10 lần.
Ngồi lên khỏi giường khi đang nằm: xoay người nằm nghiêng và co hai đầu gối lại. Trước tiên, đặt hai chân ra khỏi giường sau đó dùng hai tay để chống trên mặt giường để ngồi dậy.
Bài tập 3. Kéo vai: ngồi hoặc đứng với lưng thẳng đứng, hai tay để phía trước, hai bàn tay và hai khuỷu tay áp sát nhau. Đưa hai tay ra hai bên càng xa càng tốt sao cho hai bả vai sau lưng co lại gần nhau. Đưa tay về vị trí cũ ở trước mặt. Lặp lại động tác này 10 lần.
Bài tập 4. Đứng lên và ngồi xuống: chọn những loại ghế tựa có tay vịn và chỗ ngồi chắc chắn. Khi muốn đứng lên phải nghiêng người về phía trước và dùng hai tay vịn vào bờ ghế để đẩy lên. Khi muốn ngồi xuống, quay lưng về phía ghế và nghiêng người về phía trước rồi từ từ ngồi xuống, dùng hai tay vịn trên tay nắm của ghế.
Bài tập 5. Động tác vặn người:Ngồi trên ghế, hai tay để trên vai và xoay phần trên của cơ thể từ phải qua trái và ngược lại. Làm càng nhanh càng tốt. Lặp lại động tác này 10 lần
Điều trị phẫu thuật: Ngày nay, với sự phát triển của y học, ở các nước tiên tiến, người ta có thể áp dụng phương pháp điều trị phẫu thuật (kích thích hoặc phá hủy một số tổ chức ở não hoặc cấy ghép tế bào gốc) trong những trường hợp bệnh giai đoạn cuối, không đáp ứng với thuốc điều trị.
Parkinson là bệnh tiến triển, làm giảm chất lượng cuộc sống và gián tiếp làm tăng nguy cơ tử vong. Do đó mỗi chúng ta cần trang bị một số kiến thức cơ bản về bệnh để làm giảm tối đa nguy cơ mắc bệnh cũng như có thể hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân. Đối với bệnh nhân cần thăm khám sớm nếu có triệu chứng của bệnh.
ĐD Nguyễn Thị Hạnh – Phòng khám cán bộ cao cấp Bệnh viện TWQĐ 108