Chủ quan với viên sỏi nhỏ trong thận, 1 nam bệnh nhân 33 tuổi phải cắt bỏ thận
Những viên sỏi nhỏ trong niệu quản thường khiến người bệnh chủ quan, đánh giá thấp, cho rằng “uống thuốc Nam sẽ tự trôi ra ngoài”. Nhưng trường hợp bệnh nhân mới đây được điều trị tại Bệnh viện 19-8 lại là một lời cảnh báo không thể bỏ qua.
Những viên sỏi nhỏ trong niệu quản thường khiến người bệnh chủ quan, đánh giá thấp, cho rằng “uống thuốc Nam sẽ tự trôi ra ngoài”. Nhưng trường hợp bệnh nhân mới đây được điều trị tại Bệnh viện 19-8 lại là một lời cảnh báo không thể bỏ qua.
Bệnh nhân Đ. 33 tuổi hiện đang điều trị tại Khoa Ngoại Tiết niệu Bệnh viện 19-8 kể lại: “Tôi rất chăm khám sức khoẻ định kỳ. Cách đây 5-6 năm, qua siêu âm, tôi đã biết bản thân có sỏi trong đường tiết niệu, nhưng kích thước sỏi nhỏ nên bác sĩ khuyên là chỉ cần uống nước đầy đủ. Bẵng đi một thời gian, 2 tháng trước, tôi thấy có đau ở bụng bên phải. Lo sợ ruột thừa nên tôi đi khám thì phát hiện viên sỏi nhỏ kẹt lại trong niệu quản phải. Bác sĩ bảo nhập viện để làm 1 số chụp chiếu thăm dò. Nhưng tôi thấy không phải ruột thừa thì nghĩ chẳng có vấn đề gì nặng rồi về nhà luôn. Mấy năm qua dùng thuốc Nam, thấy không vấn đề gì, nên tôi nghĩ rằng viên sỏi nhỏ này chỉ cần dùng thuốc Nam tiếp là được. Ngờ đâu cơn đau ngày càng tăng. Sau gần 2 tháng không thể chịu được, tôi quay lại Bệnh viện 19-8 để tái khám, thì kết quả khiến tôi sững sờ”.
Ekip phẫu thuật cho bệnh nhân
Theo kết quả chụp Cắt lớp vi tính, thận bên phải của anh Đ. bị giãn ứ nước độ IV. Nguyên nhân lại đến từ chính viên sỏi “nhỏ” mà anh đã bỏ qua cách đây 2 tháng.
Không thể ngờ được bản thân sắp mất đi 1 quả thận chỉ vì viên sỏi bé nhỏ như vậy, anh Đ. vẫn cho rằng quả thận chỉ giãn tạm thời, sau khi xử lý viên sỏi xong sẽ hết giãn trở lại bình thường.
Nhưng kết quả Xạ hình thận cho thấy thận phải của anh đã hoàn toàn mất chức năng. Chỉ định cắt bỏ quả thận được đặt ra. Sau khi được các bác sĩ tiết niệu động viên, anh Đ. đã đồng ý làm phẫu thuật cắt bỏ quả thận mất chức năng.
Ca phẫu thuật cắt thận được thực hiện bằng phương pháp nội soi vào ngày 8/12/2020.
Thạc sĩ Bác sĩ Mai Tiến Dũng, phẫu thuật viên thực hiện ca mổ chia sẻ: “Sau khi tiếp cận quả thận phải căng giãn to, chúng tôi đã hút ra được khoảng 3 lit nước tiểu đục ứ đọng từ lâu trong quả thận. Nếu để lâu thêm, có nguy cơ sẽ chuyển thành ứ mủ, gây nên một bệnh cảnh rất nặng nề cho bệnh nhân. Dù bệnh nhân còn rất trẻ, mới 33 tuổi, nhưng đã phải cắt đi quả thận, thật đáng tiếc”.
Cuộc phẫu thuật kết thúc thuận lợi. Bệnh nhân ổn định được chuyển về hậu phẫu và điều trị tại Khoa Ngoại Tiết niệu chỉ với 3 vết mổ khoảng 0,5-1cm. Sau 3 ngày bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe và được xuất viện.
Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Trần Thành, bác sĩ điều trị cho anh Đ. cho biết: “Nếu không chủ quan chỉ vì coi thường viên sỏi kích thước nhỏ, bệnh nhân sẽ được nhập viện tại Khoa Ngoại Tiết niệu, được chỉ định chụp chiếu thăm dò, đánh giá và tiên lượng diễn biến của viên sỏi. Nếu như nhận thấy viên sỏi không thể bị tống xuất ra ngoài một cách tự nhiên, các bác sĩ sẽ chỉ định Nội soi ngược dòng tán sỏi niệu quản bằng laser, vừa giải quyết triệt để viên sỏi trước khi quả thận bị căng giãn, vừa không có sẹo mổ mà hồi phục lại nhanh chóng. Thật đáng tiếc”.
Sỏi kẹt trong niệu quản có thể được điều trị chỉ bằng các thuốc giãn cơ trơn, hoặc tăng lưu lượng dòng nước tiểu. Nhưng nếu những biện pháp trên không hiệu quả, người bệnh cần được trợ giúp ngay bằng can thiệp phẫu thuật. Người bệnh nên được bác sĩ chuyên khoa về Tiết niệu thăm khám và đánh giá, tránh những trường hợp đáng tiếc chỉ vì tin theo các thông tin về các loại “thuốc tiên” tràn lan trên mạng cũng như truyền miệng.
Mạnh Hà